Kinh nghiệm sống giữa COVID-19 vẫn an toàn của BS Việt ở Nhật và 5 ví dụ về cách chống dịch "đáng nể phục" của Nhật Bản

Theo đánh giá của tôi thì nước Nhật vẫn giữ được bình tĩnh trước đợt sóng lần thứ 5 của đại dịch này. Nếu bạn rảo quanh các quán xá, siêu thị vào ban ngày thì thấy mọi thứ vẫn diễn ra bình thường.

Tình hình dịch Covid-19 tại Nhật Bản hiện nay như thế nào?

Như mọi người đã biết, biến thể Delta đang gây nên mối lo ngại ở nhiều nơi và Nhật Bản không phải là ngoại lệ. Được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, biến thể Delta được cho là có thời gian ủ bệnh ngắn trong khi có tải lượng virus cao hơn khi bị nhiễm.

Vì thế, tốc độ lây lan của biến thể Delta nhanh hơn nhiều so với các chủng trước đây. Các nghiên cứu gần đây cho thấy biến thể Delta có tốc độ lan truyền nhanh hơn biến thể Alpha 1.4-1.6 lần và nhanh hơn biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc) gấp 2 lần.

Tại Nhật Bản, hiện chưa có số liệu rõ ràng cho thấy biến thể Delta có độc tính cao hơn các biến thể khác.

Tuy nhiên, sự tăng vọt số ca nhiễm đang gây nên gánh nặng cho hệ thống y tế nhiều tỉnh thành trong Nhật Bản và nhiều chuyên gia y tế e ngại rằng tình trạng quá tải bệnh viện sẽ gián tiếp tăng số ca tử vong do COVID-19 và do các bệnh mạn tính khác không liên quan COVID-19.

Điều này đặc biệt nghiêm trọng vì Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ dân số già cao nhất thế giới, tỉ lệ mắc bệnh nền như ung thư, cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, COPD cũng rất cao.

Số ca bệnh ở mỗi tình thành của Nhật Bản

Người Nhật có hoang mang hay không?

Theo đánh giá của tôi thì nước Nhật vẫn giữ được bình tĩnh trước đợt sóng lần thứ 5 của đại dịch này. Nếu bạn rảo quanh các quán xá, siêu thị vào ban ngày thì thấy mọi thứ vẫn diễn ra bình thường. Người ta vẫn ra đường khi cần mua sắm ăn uống và khách hàng nào cũng được chào đón niềm nở vui vẻ không hề có sự lo lắng hay khinh miệt.

Hàng hóa thiết yếu như lương thực, thuốc men, tã lót,... vẫn được chuyển tới nơi cần như thường ngày. Nếu ghé qua công viên, bạn sẽ thấy trẻ con đùa vui và khá nhiều người vẫn chăm chỉ chạy bộ tập thể dục. Hầu như không ai phải căng thẳng, hoang mang do bị chặn hỏi giấy "chứng nhận âm tính".

Điều gì làm nên sự bình tĩnh đó?

Tôi nghĩ rằng nhiều người Nhật đã có bản lĩnh ứng phó với nhiều loại thảm họa như động đất, sóng thần từ trước. Việc có mạng lưới liên lạc rộng khắp, chắc chắn để thông báo, đối thoại với người dân nhanh chóng đã giúp các kênh thông tin chính thống tiếp cận được đa số đại chúng và hạn chế tác hại của tin đồn, tin đểu.

Đương nhiên, để người dân tin tưởng vào tiếng nói của Chính phủ thì bản thân Chính phủ cũng đã có nhiều hành động thiết thực để đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh và minh bạch.

Tuy nhiên, điều giúp nước Nhật giữ bình tĩnh mà tôi thật sự nể phục là họ đã đưa ra các chiến lược dựa trên bằng chứng khoa học. Nhờ hành xử theo logic mà họ tiết kiệm nguồn lực và cân bằng các loại lợi ích trong cộng đồng.

Người Nhật Bản bình tĩnh trước COVID-19 hơn.

Ví dụ 1: Nguy cơ quá thấp thì không cần phòng chống

Khi biết rằng virus không thể tồn tại lâu trong không khí ở nơi thông thoáng, người ta không phun xịt khử khuẩn ngoài trời. Đó cũng là lý do mà người ta vẫn chạy nhảy vận động trong công viên miễn là đảm bảo khoảng cách với những người xung quanh lúc đó. Cũng giống như việc không đội mũ bảo hiểm khi ở trong nhà, đối với những tình huống có nguy cơ lây nhiễm cực thấp thì nước Nhật không đổ tiền bạc công sức vào để chống COVID một cách vô ích.

Ví dụ 2: Giảm nguy cơ trong sinh hoạt hằng ngày

Khi biết rằng virus có thể lây nhiễm qua aerosol khi ở trong các không gian kín, Chính phủ Nhật đã nhấn mạnh khuyến cáo Tam Mật. Trong khuyến cáo này có "Không tập trung đông người", "Không tiếp xúc gần" giống trong 5K ở Việt Nam, nhưng chú trọng thêm phần "Tránh không gian kín".

Điều này có nghĩa là không phải đóng cửa hoàn toàn tất cả các quán ăn mà khuyến khích các chủ tiệm bài trí lại để quán được thông khí tốt. Người dân hiểu biết chuyện này thì có thể chọn lựa quán ăn an toàn hơn cho mình.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đưa ra các lời khuyên để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm khi ăn tiệm: không ngồi đối mặt nhau, hạn chế nói chuyện trong lúc ăn, tránh uống rượu kiểu chuyền cốc chuyền ly, dùng chung chén đũa,…

Như vậy, các hoạt động kinh doanh vẫn được tiến hành khi biết kiểm soát nguy cơ.

Ví dụ 3: Tập trung bảo vệ người có nguy cơ tử vong cao

Từ số liệu thực tế cho thấy những người già và/hoặc có bệnh nền là người dễ bị tử vong do COVID-19 nhất, nước Nhật đã cố gắng tập trung mọi tiềm lực để bảo vệ họ.

Ngoài khuyến cáo thực thi triệt để 5K/tránh tam mật trong cộng đồng, chiến lược tiêm vaccine đã được thực thi với ưu tiên tiêm cho các đối tượng này sau khi hoàn tất tiêm cho nhân viên y tế. Mặc dù tốc độ thực hiện không nhanh như kỳ vọng, có thể nói rằng việc ưu tiên người già và/hoặc có bệnh nền thể hiện tinh thần tôn trọng lý luận khoa học.

Khi mọi người hiểu rằng chưa đủ vaccine và nên nhường nhịn cho người cần nó hơn, tức cùng cố gắng vì lợi ích của người khác thì sẽ dễ thông cảm và giữ bình tĩnh hơn.

Ví dụ 4: Giảm thiểu ảnh hưởng lên kinh tế

Qua số liệu các nước khác cũng như các đợt dịch trước, Chính phủ Nhật Bản đã biết rằng chính sách chống dịch quá hà khắc sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động kinh doanh, mà tác hại về kinh tế cũng sẽ kéo theo tác hại về sức khỏe-y tế tương đương hoặc có khi nặng hơn. Vì thế, chính sách chống COVID-19 được "cân đo đong đếm" thận trọng để người dân vẫn có thể sống tiếp.

Từ số liệu cho thấy việc ăn uống trong nhà hàng có dùng rượu bia vào buổi tối mới làm tăng đáng kể nguy cơ nhiễm COVID-19, người ta đã đưa mục này vào khuyến cáo ứng phó: "Không bán bia rượu sau 19:00 và đóng cửa quán lúc 20:00". Có nghĩa là người dân vẫn được mở quán làm ăn miễn là đảm bảo thông khí, giãn cách và kiểm soát được các hành vi nguy cơ như nói lớn tiếng, bù khú vì bia rượu.

Tôi vẫn còn ấn tượng với đoạn đối thoại với người dân về việc nên cho mở cửa tới 20:00 hay 21:00 vì đóng quán sớm hơn một giờ thôi cũng có thể làm nhiều người điêu đứng. Vì việc "cò kè bớt một thêm hai" này vẫn xảy ra ngay cả khi Chính phủ đã có các gói hỗ trợ tài chính cho những đơn vị hợp tác đóng cửa sớm, có thể thấy rằng đối với nhiều người Nhật thì việc được làm ăn buôn bán để trang trải tiền nhà, để con cái tiếp tục đi học quan trọng hơn nhiều so với nguy cơ mắc COVID-19.

Chính sách COVID-19 được "cân đong đo đếm" cẩn thận để người dân có thể sống tiếp.

Ví dụ 5: Bình thản trước những con số

Dù nhiều người đang lo rằng biến chủng Delta có thể lây lan nhanh hơn các chủng khác, cần hiểu rằng việc chúng ta có thể làm và nên làm trước mắt không hề thay đổi. Đó là tập trung vào 5K triệt để hơn nữa và tiêm vaccine khi có thể tiếp cận.

Các con số dự báo về nguy cơ, về số ca tử vong chỉ là để tham khảo còn chúng ta vẫn phải sống với cuộc sống của mình. Để không quá lo lắng trước dịch COVID-19, tôi vẫn hay nói với bệnh nhân ung thư của mình rằng lo lắng không làm giảm khả năng mắc COVID-19 mà chỉ làm họ cuống hơn thôi. Lo lắng quá mức có thể ảnh hưởng lên sức khỏe tổng thể, suy giảm hệ miễn dịch làm trầm trọng thêm vấn đề hiện nay.

Khi chưa bị COVID-19, cần hiểu rằng nếu tập trung làm tốt các khâu phòng tránh thì khả năng bị nhiễm là rất thấp và không phải lo gì thêm. Như trường hợp của tôi vẫn chẳng bị gì trong suốt 2 năm qua, ngay cả khi có tiếp xúc thăm khám bệnh nhân bị COVID-19.

Khi nhỡ bị COVID-19, tỉ lệ bị tử vong vẫn không cao với có cơ hội lướt qua căn bệnh tới 80-95% tùy theo tình huống hay bệnh đi kèm. Thay vì nhìn vào những ca chuyển nặng tử vong với cảm giác bất lực, hãy nhìn vào những thứ mà chúng ta có thể làm là nghỉ ngơi, vận động và ăn uống đầy đủ để duy trì sức đề kháng của cơ thể. Nhiều bệnh nhân cũng chỉ dùng những cách thức thông thường đó để vượt qua căn bệnh nhẹ nhàng nên không cần phải cuống.

Ngoài ra, tôi cảm nhận thêm một thông điệp rõ ràng ở đây là Chính phủ chỉ làm được một số việc để kiểm soát nguy cơ chung trong cộng đồng, còn lại là trách nhiệm của mỗi cá nhân cho việc hành xử theo nguy cơ đó.

Điều này cũng giống như khuyến cáo về thuốc lá; giới khoa học và chính phủ vẫn khuyên bỏ thuốc lá để ngừa gần 20 loại ung thư và hàng chục bệnh mãn tính nghiêm trọng khác, vẫn còn nhiều người không bỏ được thuốc và tự chịu nguy cơ của chính họ.

Ngược lại, ngay cả khi làm đúng đủ với hiểu biết tốt nhất của khoa học rồi mà vẫn bị bệnh thì hãy xem đó là xui rủi của mình và nghĩ cách tiếp theo để vượt bệnh. Đó là cách sống cùng nguy cơ mà tôi học được tại đây.

Tại sao người Nhật không can thiệp nhiều hơn vào đời sống người dân?

Có hai lý do giải thích điều này:

Lý do thứ nhất đến từ quy định của luật pháp Nhật Bản vốn đã thay đổi sau sự kiện nhiều bệnh nhân mắc phong cùi bị phân biệt đối xử và xúc phạm nhân phẩm trong quá khứ.

Lý do thứ hai đến từ việc không thể tách rời việc điều trị và sinh hoạt của người bệnh. Khi đưa người bệnh vào khu điều trị hoặc cách ly, hàng loạt câu hỏi cần được đặt ra là họ sẽ ăn ngủ như thế nào và vệ sinh cá nhân ra sao. Ai sẽ cấp thức ăn và thuốc men cho họ? Ai sẽ chăm sóc hoặc giúp họ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình?

Các bệnh viện tại Nhật không thể để bệnh nhân nằm hành lang hoặc nằm chung giường với người khác nên chuyện đưa quá nhiều người vào khu cách ly mà không đủ điều kiện sinh hoạt cơ bản là điều khó được chấp nhận.

Cũng như quy tắc cơ bản trong y khoa "Trước tiên đừng làm hại", những người làm chính sách tại Nhật quan niệm rằng đưa người ta vào nơi mà họ không được chăm sóc tốt vì thiếu nhân lực còn tệ hơn là không chăm sóc.

Trên thực tế cũng đã có nhiều bệnh nhân bực bội, tức giận vì không được chăm sóc đầy đủ và những cảm xúc tiêu cực này trực tiếp làm suy mòn sức lực của nhân viên y tế.

Có bệnh nhân chết mà không kịp cứu không?

Đương nhiên sẽ có chuyện chết không kịp cứu trong đại dịch, vì COVID-19 và vì cả chính sách chống COVID-19. Cần lưu ý tới cả tâm lý ngại đi bệnh viện ở nhà tự chữa, nên những người có bệnh nền cần hiểu khi nào nên báo sớm với nhân viên y tế mà mình quen.

Đứng trước cái chết thì ai cũng sợ. Nhưng dù tình huống trước mắt có khó khăn đến đâu, việc chúng ta luôn có thể làm là hỗ trợ và thương yêu nhau. Đây là quan điểm của tôi khi đối mặt với COVID-19: Tình yêu thương với lý trí sáng suốt mới là chìa khóa giúp vượt qua đại dịch chứ không phải nỗi sợ hãi và kỳ thị đang được khuếch đại hằng ngày. Đó cũng là tâm niệm của tôi khi cố gắng đồng hành với nhiều người bệnh để họ luôn có chỗ dựa, hiểu hơn những nguy cơ trước mắt để quẳng gánh lo đi mà vui sống.

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU