Ở miền Nam, điều hòa không khí còn được gọi là máy lạnh, bởi chúng hầu như không cần tích hợp tính năng sưởi ấm. Nhưng với cái lạnh ở miền Bắc, tính năng sưởi ấm lại được nhiều người lựa chọn để giúp chống đỡ qua mùa gió rét.
Tuy nhiên, với một số người, bật điều hòa có nghĩa là phải trả nhiều tiền điện hơn, dù cho là để phục vụ mục đích làm mát hay sưởi ấm. Nhưng trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể sử dụng điều hòa để sưởi ấm và dùng nó một cách thoải mái trong mùa đông, mà vẫn có thể tiết kiệm được điện năng hay tiền bạc, nếu sử dụng đúng phương pháp.
Chế độ Heat của điều hòa cần được bật.
Đầu tiên, người dùng nên lưu ý rằng không phải chỉ cần tăng mức cài đặt nhiệt lên cao là thiết bị sẽ tự làm nóng không khí. Để sử dụng chế độ sưởi, người dùng cần bấm nút "Mode" trên điều khiển, cho tới khi thấy màn hình hiển thị chuyển về chế độ "Heat" (làm nóng) thay vì "Cool" (làm mát).
Thứ hai, hầu như ai cũng biết rằng điều quan trọng nhất để tiết kiệm điện khi dùng máy điều hòa không khí là đặt nhiệt độ phù hợp. Vào mùa hè, các chuyên gia khuyến cáo rằng nên đặt nhiệt độ ở mức 26 độ. Nhưng bạn có biết rằng mình cần đặt nhiệt độ vào mùa đông ở mức bao nhiêu để vẫn cảm thấy thoải mái và vừa tiết kiệm điện?
Theo các chuyên gia công nghệ, hãy đặt điều hòa ở mức 20-22 độ C, vào mùa đông. Đó là mốc tiêu chuẩn phù hợp nhất. Tại sao lại như vậy? Vì vào mùa đông, mọi người đều mặc rất nhiều quần áo. Nếu bạn đặt nhiệt độ quá cao, bạn sẽ cảm thấy nóng còn nếu hạ thấp vài độ, cơ thể con người sẽ không nhận thấy quá nhiều sự thay đổi về nhiệt. Và với một thiết bị điện, chỉ cần thay đổi vài độ là đã có thể tiết kiệm khoảng 10% điện năng. Do đó, đặt nhiệt độ lên 20-22 độ C vào mùa đông là một tiêu chuẩn nhiệt độ lành mạnh và tiết kiệm.
Trời quá lạnh nên cân nhắc sử dụng các thiết bị làm ấm trực tiếp khác.
Thứ ba, khi mức nhiệt ngoài trời quá thấp, khoảng dưới 7 độ C, thì hiệu quả của chế độ sưởi trên điều hòa bắt đầu giảm mạnh. Nếu tiếp tục sử dụng, hiệu quả làm ấm kém hơn trong khi điện năng tiêu thụ lại tăng lên, là một sự lãng phí không hề nhỏ. Tới lúc này, các thiết bị làm ấm trực tiếp khác như quạt sưởi, máy sưởi dầu, đèn sưởi sẽ có tác dụng đáng kể hơn. Hoặc bạn có thể sử dụng song song nhiều thiết bị để đạt hiệu quả nhanh và cao nhất.
Thứ tư, do không khí nóng có xu hưởng bay lên cao, người dùng nên chỉnh hướng để luồng khí nóng thổi xuống phía dưới. Việc này làm cho không khí ấm áp lưu thông nhanh hơn trong phòng, giúp tăng hiệu quả sử dụng. Khi nhiệt độ phòng đạt đến nhiệt độ cài đặt, điều hòa sẽ chỉ cần một lượng điện nhỏ để duy trì nhiệt độ, chứ không bắt máy nén phải hoạt động liên tục, khiến tiêu tốn nhiều năng lượng.
Cuối cùng, như khi sử dụng điều hòa vào mùa hè, nên hạn chế mở cửa ra vào, cửa sổ, cố gắng giữ phòng kín nhất có thể. Bên cạnh đó cần lưu ý về độ ẩm, đặt một chậu nước trong căn phòng để giữ độ ẩm hợp lý, tránh bị khô da và cảm thấy khó chịu.
Một vấn đề khác cũng được nhiều người tiêu dùng quan tâm đó là giữa điều hòa có chế độ sưởi và quạt sưởi, máy sưởi thì nên sử dụng thiết bị nào để tiết kiệm và hiệu quả nhất?
Một số chuyên gia đã thực hiện các thử nghiệm để so sánh. Họ kiểm tra mức tiêu thụ năng lượng và hiệu ứng sưởi ấm của ba loại thiết bị là điều hòa không khí, máy sưởi điện và quạt sưởi. Thử nghiệm cho thấy để tăng nhiệt độ trong nhà từ 20 độ C lên 25 độ C, máy điều hòa không khí, máy sưởi điện và quạt sưởi tốn thời gian lần lượt là 61, 55 và 40 phút cùng mức tiêu thụ điện tương ứng là 0,65, 1,87 và 1,4.
Có thể thấy, điều hòa mất nhiều thời gian nhất, 61 phút, nhưng hai thuộc loại "chuyên sưởi" khác cũng mất thời gian không ngắn, 55 phút và 40 phút. Vì vậy, trong thực tế sử dụng, sự khác biệt giữa chúng là không quá lớn. Tuy nhiên, từ góc độ tiêu thụ năng lượng, máy điều hòa không khí chắc chắn là tiết kiệm điện nhất, chỉ sử dụng 0,64. So với máy sưởi điện tiêu thụ nhiều năng lượng nhất, nó tiết kiệm gần 60%.
Nhưng có một vấn đề cần lưu ý là hầu hết mức tiêu thụ điện của máy điều hòa không khí phụ thuộc chính vào việc máy nén có chạy ở tần suất cao hay không. Nếu nhiệt độ ngoài trời quá thấp, điều hòa sẽ mất nhiều thời gian hơn để khởi động và mức tiêu thụ điện sẽ tăng theo. Trong khi các hệ thống sưởi khác thì ổn định hơn trong việc khởi động.
Như vậy, khi bật điều hòa vào mùa đông, miễn là sử dụng đúng phương pháp, nguồn điện sẽ không tiêu tốn quá nhiều. Chúng ta chỉ cần nhớ rằng điều hòa không khí tiết kiệm điện nhất khi được đặt ở mức cài đặt 20 độ C; không cần bật chức năng sưởi phụ nếu nhiệt độ ngoài trời quá lạnh; cửa thoát khí của điều hòa nên hướng xuống. Cuối cùng, nên cân nhắc sử dụng điều hòa cùng các thiết bị sưởi khác, tùy vào điều kiện thời tiết và không gia, nếu muốn đạt hiệu quả tốt nhất.
(Tổng hợp)
Link nguồn: https://soha.vn/kinh-nghiem-su-dung-dieu-hoa-vao-mua-dong-biet-dung-con-tiet-kiem-hon-lo-suoi-20191209174733438.htm?fbclid=IwAR1Wy8ZaR1UDAsTP7yMm-B4dgYjugd-V8R9zTEQiwEia2pA9GpzFvGepLj4
Theo ttvn