Ngậm ngùi là thế, nhưng quê hương vẫn đi về trong cảm xúc trân trọng yêu thương của tất cả chúng tôi những bè bạn, đồng hương muôn thuở. Chúng tôi, những bằng hữu Tây Sơn thuần khiết, khí khái, luôn biết dấn thân cho sự bình an và hạnh phúc của quê mình. Gặp gỡ nhau, nhắc lại chuyện xưa tích cũ, rồi cười vô tư như trên dấu mắt mỗi người chưa từng nhuộm vết chân chim, chưa từng trải qua những tháng năm tháng đằng đẵng bể dâu…
Quê hương tôi giờ đây không còn bạt ngàn xanh thẳm núi đồi. Dòng sông Côn không còn trong xanh như một thời thơ trẻ tôi thường ra sông bơi lội…. Tuy nhiên, phố thị đông đúc hơn, cơ sở hạ tầng giao thông, kỹ thuật đều được mở mang, kết nối… đã là tiền đề để cho Tây Sơn thay da đổi thịt hòa nhịp chung với sự đi lên của đất nước.
Hào hùng đất võ
Tây Sơn là một huyện trung du nằm ở phía tây nam tỉnh Bình Định. Bắc giáp huyện Phù Cát, Nam giáp huyện Vân Canh, Tây giáp huyện Vĩnh Thạnh và thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), Đông giáp thị xã An Nhơn. Với diện tích tự nhiên 692,96 km2, Tây Sơn có địa hình khá hiểm trở, dãy núi Kình Sơn gồm các ngọn Kiền Kiền, Bạch Thạch,
Càn Dương, Ca Ca, Trà Ly, Hắc Sơn … cao hơn 400m cùng với các ngọn Hội Sơn, Độc Nhũ, Lỗ Tây… hình thành một bức tường tự nhiên từ Đông Bắc đến Tây Nam, tạo cho Tây Sơn có vị trí chiến lược khá quan trọng, là cửa ngõ nối liền đồng bằng ven biển miền Trung với Tây Nguyên trù phú bằng con đường độc đạo từ Qui Nhơn lên.
Về giao thông, trước đây chủ yếu dựa vào sông Côn và con đường chạy ven sông về Phủ cũ (Bình Định). Sông Côn chia Tây Sơn thành hai mảng: phía Bắc và phía Nam, vừa là nguồn thủy lợi, vừa là mạch máu giao thông quan trọng; cảnh trên bến dưới thuyền nhộn nhịp trước đây ở An Vinh, Kiên Mỹ, Phú Phong thuận lợi giao lưu với các vùng. Bến Cây me (Kiên Mỹ), còn gọi là bến Trường Trầu, thời cụ thân sinh ba anh em Tây Sơn là nơi giao lưu buôn bán nhộn nhịp giữa miền xuôi và miền ngược.
Trong những năm 1923-1925, để phục vụ cho mục đích quân sự và khai thác tài nguyên của các tỉnh Tây nguyên, thực dân Pháp đã xây dựng đường 19 nối liền cảng Qui Nhơn với Tây nguyên dài trên 200km xuyên qua Tây Sơn.
Thời Mỹ, đường 19 được mở rộng nâng cấp và được xem là một trong những con đường chiến lược quan trọng nhất ở Miền Nam. Ngoài ra để phục vụ cho việc giao lưu, nhân dân địa phương đã xây dựng các con đường đất nối liền các làng với Phú Phong như: Gò Găng - Kiên Mỹ, Cây Dừa - Phú Phong... và cũng trong thời gian này cầu Kiên Mỹ được xây dựng nối liền đôi bờ sông Côn!
Miền đất Tây Sơn được hình thành và phát triển từ thuở xưa do di dân. Làng mạc, xóm thôn ra đời khá sớm dọc theo đôi bờ sông Côn. Dẫu vậy mảnh đất quê hương cũng hứng chịu những nốt thăng trầm của lich sử và sự hình thành, phát triển từng làng là vấn đề khó khăn cho quá trình khảo cứu. nhưng đây là tổng quan về miền đất võ vậy!
Tây Sơn xưa kia là vùng đất thuộc huyện Tượng Lâm, địa bàn cư trú của người Chăm, thuộc vương quốc Chămpa cổ. Năm 1471, nhà Lê lập phủ Hoài Nhân (tức Hoài Nhơn) gồm ba huyện Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn thuộc Thừa tuyên Quảng Nam. Bình Khê thuộc huyện Tuy Viễn. Năm 1602,
Chúa Nguyễn Hoàng đổi tên phủ Hoài Nhân thành phủ Qui Nhân (Qui Nhơn). Sau nhiều lần đổi tên, năm 1832 nhà Nguyễn đổi tên phủ Hoài Nhơn (cũng là phủ Qui Nhơn) thành tỉnh Bình Định.
Quang Trung Nguyễn Huệ là người anh hùng áo vải đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị phản động ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, ngài đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và Mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ 18.
Lịch sử không thể nói hết những nét phi thường của vua Quang Trung. Ngài là một vị tướng bách thắng. từ lúc cầm quân đánh Phú yên cho đến lúc mất chưa bao giờ biết nếm mùi thất bại. Ngài là một nhà chính trị tài ba chứng tỏ sau bốn năm xây dựng Bắc hà qua các chính sách kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Nguyễn Huệ là nhà quân sự thiên tài. Trong hoạt động quân sự, ông chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất và hành động liên tục, bất ngờ, chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó. Cuối năm 1788, quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy đã chiếm Thăng Long. Tiền đội quân Thanh thọc sâu đến tận Hà Nam. Quanh Thăng Long dày đặc một hệ thống những đồn kiên cố ở Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Khương Thượng... để bảo vệ. Đến trận đại phá 20 vạn quân Thanh đầu năm 1789 thì thật là kỳ diệu.
Sau chiến thắng mùa xuân Kỷ Dậu, vua Quang Trung nỗ lực xây dựng đất nước. Dù chỉ tại vị có 4 năm ngắn ngủi, nhưng vua đã chứng tỏ ngài không phải chỉ là một nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử mà còn là một nhà chính trị xuất sắc nhất, với hùng tâm mở một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt.
Về ngoại giao, thời đại Quang Trung là thời đại ngoại giao vàng son nhất lịch sử chúng ta. Từ xưa chưa có một vị vua nào tỏ vẻ lấn áp Trung hoa như vua Quang Trung. Trước hết, ngài đã không chịu thân hành đi đón sắc phong của vua Càn Long, hủy bỏ tục cống người vàng hằng năm cho Tàu để đền mạng Liễu Thăng đã có kể từ thời vua Lê Thái tổ. Và cuối cùng cử sứ bộ sang Tàu đòi hai hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, cũng như xin cưới công chúa nhà Thanh.
Về chính trị, ngài chia đổi Thăng Long thành Bắc thành, chia miền Trung châu Bắc hà thành 7 trấn là: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Phụng Thiên, Thanh Hóa ngoại. Miền sơn cuớc chia thành 7 trấn: Lạng Sơn, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Yên Quảng, Lạng Sơn, Cao Bằng và Tuyên Quang. Ngài tính dời đô từ Phú xuân ra Nghệ an và nhờ La Sơn phu tử xây kinh đô ở đây gọi là Phượng Hoàng Trung ô. Ngài chấn chỉnh lại thuế khóa, khuyến khích việc gia tăng sản xuất.
Về văn hóa, ngài cho mở trường học khắp các thôn xã. Những nơi nào không thể mở trường học thì mượn đình chùa làm nơi dạy dỗ. Vua Quang Trung là ông vua Việt nam đầu tiên đã có sáng kiến áp dụng một nền giáo dục phổ thông cho dân chúng.
Về quân sự, quân lực Tây Sơn gồm 5 quân căn bản là: Tiền, Hậu, Trung, Tả, Hữu và những đội quân đặc biệt dùng như lực lượng trừ bị là: Tả bật, Hữu bật, Ngũ chế, Kiến thành, Thiên cán, Thiên trường, Thiên sánh, Hổ bôn, Hổ hầu, Thị Lân, Thị Loan. Ở các phủ huyện, có quân đội địa phương gồm có ạo, Cơ, ội. Quân chủ lực của Tây Sơn bấy giờ cứ 5 người mới có một cây súng trường, nhưng thiện dụng hỏa hổ, và gan dạ phi thường. Vì chuẩn bị đánh nhau với nhà Thanh sau này, ngài thu đố đồng trong nước để đúc đồ binh khí.
Bứt phá vươn lên
Đây là quê hương và cũng là nơi khởi nghĩa của ba anh em vua Quang Trung. Ngày nay Tây Sơn có Bảo tàng Quang Trung - Đền Tây Sơn, Khu du lịch Hầm Hô nổi tiếng và nhiều di tích trong đó có di tích Tháp Dương Long là một trong những cụm tháp Chăm đẹp ở Bình Định. Đây là vùng đất có địa hình, địa thế rất phức tạp, núi cao, đồi gò, đồng bằng xen kẽ, bị chia cắt mạnh bởi các sông suối lớn nhỏ trong vùng, có hướng nghiêng từ tây bắc xuống đông nam. Địa hình Tây Sơn có thể chia thành ba kiểu địa hình, đó là đồi núi, đồi gò thấp và đồng bằng. Đất đai của huyện Tây Sơn khá phong phú về mặt chủng loại nhưng phần lớn đất xấu, nghèo dinh dưỡng, tầng đất trung bình là phổ biến. Do thành phần cơ giới nhẹ, lại thường có đá nên đất dễ bị rửa trôi và xói mòn. Điều này không mấy thuận lợi cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Vì vậy trồng rừng trên các vùng đất trống đồi trọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc sử dụng đất bền vững.
Trên địa bàn huyện có quốc lộ 19 chạy qua, nối giữa quốc lộ 1A và vùng Tây Nguyên rộng lớn là tiền đề thuận lợi cho việc giao lưu và phát triển kinh tế của huyện. Có diện tích 17.831 ha, phân bố ở các xã nằm dọc theo bờ sông Côn, hẹp về phía bắc, mở rộng dần về phía đông nam. Đây là địa bàn tập trung dân cư đông đúc, là vùng sản xuất nông nghiệp chủ yếu của huyện.
Những năm qua, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Tây Sơn liên tục phát triển. Lượng khách đến tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện năm 2018 tăng so với cùng kỳ, trong đó: khách đến tham quan tại Bảo Tàng Quang Trung, Đài Kính Thiên, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, khu du lịch Hầm Hô trên 270.000 lượt khách, tăng 21% so với cùng kỳ. Việc UBND huyện Tây Sơn tổ chức thành công Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch Tây Sơn - Bình Định năm 2018, cũng góp phần phát triển ngành công nghiệp không khói cho huyện nhà.
Giờ là năm 2019, sau bao năm mỏi gối chồn chân ở phương xa, tôi mới có cơ hội quay lại Khu du lịch tâm linh Ấn Sơn thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là khu di tích lịch sử mang giá trị cao với người dân Tây Sơn nói riêng và đất nước ta nói chung. Từ lâu, khu du lịch đã tạo thành nét đẹp văn hóa vùng miền rất đậm nét. Đàn tế trời đất tại núi Ấn Sơn được bố trí theo trục trần đạo hướng Nam - Bắc, trên khu đất rộng 46 ha, nhân kỷ niệm 220 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung (1792 - 2012), năm 2012 UBND tỉnh Bình Định đã làm lễ dâng hương và chính thức đưa vào hoạt động công trình Đàn tế trời đất tại núi Ấn Sơn.
Tôi về, việc đầu tiên bao giờ cũng lên núi Ấn để tưởng nhớ một thời lịch sử hào hùng của nhà Tây Sơn, kèm đó là cầu nguyện cho khát vọng làm giàu của những người con xa xứ. Từ trên núi Ấn phóng xa tầm mắt, có thể tìm về ký ức của những cánh rừng Tây Sơn, nơi che chở cho nghĩa quân Tây Sơn giành chiến thắng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.
Nhiều năm bước vào thời kỳ đổi mới, giờ đây nhìn quê hương mình ngày một phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là công nghiệp, du lịch và kinh tế nông lâm, tôi rưng rưng niềm xúc động. Quê hương trong kí ức xa xưa một lần nữa hòa mình trong làn gió mới. Có tưởng tiếc nhưng cũng lắm đỗi tự hào…
Ngày tết này của hạnh phúc xum vầy. Tôi biết nhà nhà người người đều hoan ca hưởng một mùa xuân an vui trên quê hương. Nhưng tôi cũng biết có nhiều gia đình trong nỗi chờ mong, vọng trông những đứa con lập nghiệp phương xa. Đã bao người con xa xứ, tha hương cầu thực, lòng rất nôn nao về với tết quê hương, cứ lần lữa rồi lại… “Xuân này con không về”!
Sông Côn mùa này cũng dập dềnh trở sóng, hòa với niềm vui chung của quê hương, xứ sở. Mặt sông đã qua mùa thác lũ, trữ tình đến ngọt ngào. Sông Côn là dòng sông lớn và dài nhất tỉnh Bình Định
- một phần mười chiều dài (khoảng 17km) chảy qua địa phận huyện Tây Sơn. Ngoài ra Tây Sơn còn có các sông suối nhỏ như sông Phú Phong, sông Đồng Sim, suối Đồng Tre… phát nguồn từ vùng núi phía tây của huyện đổ về sông Côn và chảy về phía hạ lưu. Những người con Tây Sơn xa xứ như tôi, mỗi lần về với quê, đều đến ngắm nhìn sông Côn - dòng sông chở biết bao thăng trầm thời cuộc. Cũng từ dòng sông này, nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết lên tác phẩm “Sông Côn mùa lũ” nói về những biến cố lịch sử thời Tây Sơn khởi nghĩa, tạo nên vị vua lừng lẫy chiến trận - Vua Quang Trung.
Tôi nhìn dòng sông để soi lại mình, dùng nước sông tắm rửa bụi trần trên nẻo đường mưu sinh. Những lúc ấy tôi buông lỏng, thả hồn quyện vào lòng Đất - Trời quê hương mà nghe tự hào lẫn yêu thương trào lên tha thiết.
Theo sohuutritue.net.vn