Du Xuân về miền đất Phật

(lamchame.vn) - Sau chặng đường bôn ba nơi tuyết trắng, tôi đã trở về giữa lòng đất Mẹ, thổn thức giữa mùa xuân quê hương.

Tôi trở về quê hương đón Tết Nguyên đán sau bao năm dài xa cách trong làn mưa xuân nhẹ rơi. Thả hồn mình với xuân quê, mở căng lồng ngực đón ngọn gió xuân tinh khôi, làn mưa bụi thả những giọt mềm nhung nhớ lên vai áo, lên đôi má đã phai màu năm tháng.

Xe chạy chầm chậm. Ruộng lúa xanh mơn mởn như trôi, như ngây ngất hương xuân! Chùa Trầm đã hiện ra trước mắt. Vẫn còn sớm lắm nên không khí thật tĩnh lặng.

Chùa Trầm

Chùa Trầm là một quần thể mấy ngôi chùa tọa lạc trên núi Trầm (hay còn gọi là Tử Trầm Sơn), thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km. Đây là cả một danh lam thắng cảnh với núi Trầm và ba ngôi chùa: chùa Trầm, chùa Hang và chùa Vô Vi. Ngôi chùa chính xây dựa vào vách núi. Xưa kia toàn bộ khu núi Trầm là nơi vua Lê, chúa Trịnh đặt hành cung.

Chùa Trăm Gian

Mưa vẫn rơi và se lạnh. Tôi tiếp tục hành trình đến Chùa Trăm Gian và vô cùng bỡ ngỡ trước một quần thể kiến trúc độc đáo. Theo cách tính cứ 4 góc cột là một "gian" thì chùa có cả thảy 104 gian. Trong chùa có có 153 pho tượng, treo một quả chuông cao 1,10 m, đường kính 0,6 m, đúc năm Cảnh Thịnh thứ hai, 1794. Trên chuông có khắc một bài minh của Phạm Huy Ích. Trong chùa còn có tượng đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh nhà Tây Sơn, chỉ huy đạo quân đánh vào phía Nam Thăng Long và nhiều bia, hoành phi, câu đối... Riêng có hai câu đối khảm trai, tương truyền có từ thời nhà Hồ

Chùa Thầy

Tiếp tục hành trình du xuân tới Chùa Thầy, vốn là một trong những trung tâm phật giáo cổ và lớn nhất gần Kinh đô Thăng Long, tọa lạc dưới chân núi Sài Sơn thuộc huyện Quốc Oai. Tôi vào chùa làm Lễ rồi đi tham quan khắp nơi. Ấn tượng đặc biệt là sự thâm nghiêm trên những mái ngói rêu phong cổ kính, cây cầu ngói tuyệt đẹp, nơi du khách có thể bình an thả hồn vào trời mây non nước. Ở đây có nhiều di sản văn hóa như: Các pho Kim Cương, tượng Di Đà Tam tôn, tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải, tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy "như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa".

Chùa Tây Phương

Chặng cuối của chuyến du xuân về miền đất Phật hướng tới chùa Tây Phương. Chùa Tây Phương gồm ba nếp nhà song song: bái đường, chính điện và hậu cung. Mỗi nếp có hai tầng mái kiểu chồng diêm, tường xây toàn bằng gạch Bát Tràng nung đỏ. Mái lợp hai lớp ngói: mái trên có múi in nổi hình lá đề, lớp dưới là ngói lót, còn gọi là ngói chiếu, hình vuông sơn ngũ sắc như màu áo cà sa xếp trên những hàng rui gỗ làm thành ô vuông vắn đều đặn. Xung quanh diềm mái của ba tòa nhà đều chạm trổ tinh tế theo hình hoa, lá, rồng phượng. Cột chùa kê trên những tảng đá chạm hình cánh sen. Toàn bộ ngôi chùa toát ra một tính hoành tráng và phóng khoáng phù hợp với triết lý "sắc sắc không không" của nhà Phật.

Trời vẫn tiếp tục mưa, phải leo 237 bậc lát đá ong mới lên tới cổng chùa. Đường đất đỏ lầy lội, trơn trượt nhưng du khách vẫn hăm hở leo núi. Từ trên cao nhìn xuống, ta say sưa ngắm một vùng non nước xứ Đoài địa linh nhân kiệt thiêng liêng rưng rưng lòng người.

Nhà thơ Đỗ Thị Hoa Lý

Có thể nói, sau chặng đường bôn ba nơi tuyết trắng, tôi đã trở về giữa lòng đất Mẹ, thổn thức giữa mùa xuân quê hương và lần đầu tiên được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thâm nghiêm trầm mặc và hiên ngang giữa tuế nguyệt của di sản văn hóa quê cha đất tổ, một phần máu thịt của non sông Việt Nam! 27 mùa xuân trôi qua mới được tận hưởng cái cảm giác trọn vẹn khi đi dưới làn mưa xuân đất Mẹ. Một cảm giác vô cùng vi diệu khi “Đầu trần đi dưới mưa xuân/lắng nghe thổn thức trong ngần tiếng Xuân!”. Vâng, thổn thức lắm một trái tim luôn hướng về đất Mẹ, đau đáu những ước mong và hoài bão dở dang! Ta muốn cầu nguyện nhiều hơn cho một thế giới bình an, cho nhân loại được sống trong hạnh phúc và niềm nhân ái bao la!

*Trong bài có sử dụng một số tư liệu trên thư viện mở Wikipedia

Theo sohuutritue.net.vn

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang