Sốc nhiệt nghe qua cứ tưởng chỉ là một hiện tượng bình thường nhưng thực tế thì không đơn giản như vậy. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), bất cứ ai cũng có thể bị sốc nhiệt. Trong đó, đối tượng dễ bị sốc nhiệt nhất chính là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, hiếu động, hay chạy nhảy… nên nguy cơ mất nước do toát mồ hôi, mất muối là rất lớn.
Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong nhà và ngoài trời nắng đã chênh nhau ở mức đáng kể, chưa nói đến nhiệt độ trong phòng điều hòa và bên ngoài. Khi trẻ đang được chơi đùa trong nhà hay phòng điều hòa với không khí mát mẻ nhưng cần phải đi ra ngoài, các cha mẹ cần lưu ý vấn đề "cân bằng nhiệt độ".
Cha mẹ cần lưu ý cho trẻ làm quen thích nghi nhiệt độ tại các môi trường trước khi tiếp xúc |
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, việc ra vào phòng điều hòa đột ngột khiến cơ thể khó thích nghi ngay được với sự thay đổi nhiệt độ, có thể gây choáng và sốc nhiệt.
Trong trường hợp cơ thể đột ngột tiếp xúc với môi trường nhiệt độ xuống thấp như đang đi ngoài đường nắng nóng 37-38 độ C vào phòng điều hòa đột ngột chỉ có 17-18 độ C hay khi trời nóng rồi chuyển sang lạnh, sự chênh lệch nhiệt độ nhiều sẽ làm nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột, mồ hôi không toát ra được, tổn hại đến trung khu thần kinh.
Với sự thay đổi đột ngột này, nhẹ cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, lờ đờ, đau đầu, chóng mặt. Nặng có thể làm nhịp tim và hơi thở lúc đầu nhanh, sau đó chậm dần, khó thở, thậm chí dẫn đến trạng thái hôn mê, tử vong. Đặc biệt nguy hiểm hơn với những người có sức đề kháng yếu, nhất là trẻ nhỏ.
Những điều nên làm khi cho trẻ ra, vào phòng điều hòa
Nên tắt điều hòa 30 phút trước khi ra khỏi phòng |
Các chuyên gia khuyến cáo, để tránh nguy hại và chết người vì đột ngột ra vào phòng điều hòa, trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng. Điều này giúp không khí được lưu thông và cơ thể trẻ thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài. Khi từ ngoài vào phòng điều hòa nên để điều hòa ở chế độ cao rồi hạ thấp nhiệt độ dần.
Những điều nên làm khi cho trẻ từ nhà ra đường khi trời nắng
Đội mũ và che chắn cho trẻ khi ra ngoài trời nắng |
Nếu khi nào buộc phải đưa bé con ra ngoài lúc trời nắng, mẹ nên mặc cho bé quần áo có chất liệu vải nhẹ sáng màu, với chiếc mũ rộng vành có dây buộc để che nắng cho bé. Khi bé nằm hay ngồi một chỗ, mẹ cần đảm bảo rằng bé được đặt ở chỗ bóng râm.
Tuy nhiên, che chắn và mặc quần áo cho trẻ vừa đủ, thoáng mát tránh cơ thể trẻ quá nóng. Điều này kết hợp với nhiệt độ ngoài trời gây nên các hiện tượng sốt cao rất nguy hiểm.
Bổ sung đủ nước cho trẻ
Trẻ em luôn cần được bổ sung đủ nước trong ngày hè nắng nóng |
Nhiều người quan niệm, mất nước chỉ xảy ra khi người bệnh bị đi ngoài, nôn. Nhưng thực tế, đi dưới cái nắng hầm hập trên 40 độ C ngoài đường, lượng nước trong cơ thể bị “bốc hơi” nhanh qua mồ hôi. Lúc này, nước “bốc hơi” không còn là nước lọc nữa mà kèm theo đó là muối, đường, khoáng… gây tình trạng mất nước cho cơ thể.
Theo TS Dũng, tình trạng mất nước đáng ngại nhất là ở trẻ nhỏ và người già. Ở trẻ nhỏ không chỉ chịu tác động của nền nhiệt cao, mà trẻ em là đối tượng rất hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nên lượng mồ hôi ra nhiều hơn rất nhiều người lớn. Không hiếm gặp những em bé vừa thay áo, chạy 5 - 10 phút thì đầu tóc lại ướt dòng dòng, mồ hôi thấm đẫm lưng áo. Nếu không được bù nước đúng cách trẻ rất dễ bị tăng thân nhiệt, sốt vì mất nước.
Vì thế, để chống nắng nóng mùa hè ngoài việc đội mũ che chắn kĩ khi ra ngoài thì việc bù nước là vô cùng quan trọng. Hãy nhớ nguyên tắc, mùa hè nắng nóng luôn phải mang theo nước bên mình, hãy luôn nhắc trẻ uống nước đừng để trẻ mải chơi, đến khi khát nước quá mới về nhà tu cả bình nước sẽ không tốt cho sức khỏe. Tốt nhất là uống nước từ từ, từng ngụm nhỏ, lúc lại uống và ghi nhớ đừng để khi cảm thấy khát mới uống.
Theo VTC News