Làm thế nào để cha mẹ dạy con mình trở thành một người tinh tế?

Cách giáo dục và dạy bảo con cái sẽ là thứ hình thành nhân cách cốt lõi của một người. Nếu không uốn nắn từ bé, lớn lên sẽ rất khó thay đổi.

Một chàng thanh niên tâm sự với bạn về chuyện tán một cô gái. Cô ấy có vẻ cũng thích anh này và hai người rất hợp nhau. Tuy nhiên sau một lần đi ăn, cô bất chợt quyết định từ chối anh mặc dù mọi chuyện vẫn đang tiến triển tốt. Nhiều năm sau gặp lại, cô gái thú nhận khi ấy chỉ vì đã thấy anh vo viên giấy ăn sau khi dùng và cách ăn của anh hơi ồn ào, không từ tốn mà từ chối anh.

Khi trưởng thành mỗi người tùy vào môi trường sẽ đều phải học nhiều kiểu ứng xử khác nhau. Ở mỗi khu vực lại cần phải điều chỉnh theo văn hóa ở nơi đó. Nhất là ở xã hội Á Đông, văn hóa ứng xử thường được thể hiện qua những điều rất tế nhị, con người sẽ đánh giá nhau qua từng cử chỉ nhỏ nhặt. 

Cô gái kia có lí do khi cô ấy quyết định từ chối anh chàng nọ. Bởi cách giáo dục và dạy bảo con cái sẽ là thứ hình thành nhân cách cốt lõi của một người. Nếu không uốn nắn từ bé, lớn lên sẽ rất khó thay đổi. Cha mẹ có thể cân nhắc dạy con trẻ chú ý những việc sau để con có thể lớn lên trở thành người biết ý, tinh tế và dễ lấy được thiện cảm cũng như ấn tượng tốt từ người khác:

1. Không ngắt lời người khác khi đang nói

Một trong những văn hóa ứng xử cực khắt khe của người phương Đông là không được nói leo vào những cuộc hội thoại của người lớn tuổi hơn. Giờ đây khi mọi thứ đã bớt khắt khe hơn thì việc lịch sự trong giao tiếp rất được chú trọng. Không ngắt lời khi người khác đang nói, không lên giọng hay hét vào mặt đối phương là những điều con trẻ nên rèn luyện từ khi còn bé.

2. Nói chuyện với bố mẹ không gọi với lên tầng, không nói vọng từ ngoài vào trong

Một trong những lý do có thể khiến một đứa trẻ bị coi là vô lễ trong mắt người khác chính là việc đứng ở tầng khác nhau nói chuyện với bố mẹ, hoặc gào lên từ phòng này sang phòng kia. Một là khi gào ầm ĩ lên như vậy sẽ khiến cả câu nói không được rõ ràng, việc nghe cũng khó hơn. Hai là sẽ có cảm giác không tôn trọng bố mẹ và người lớn. Khi được bố mẹ hay người lớn gọi thì nên chạy tới tận nơi thưa gửi, đứng trước mặt nói chuyện đàng hoàng. 

3. Văn hóa ứng xử trong bữa ăn

Nhiều người chia sẻ, họ bị áp lực khi nhìn thấy một người Nhật dùng bữa. Họ để đũa và bát ngay ngắn ở những vị trí song song trên bàn và dường như không tạo ra một tiếng động nào trong suốt cả quá trình ăn. Thậm chí ở Nhật còn có một quan niệm rất truyền thống và ngặt nghèo: đó là không để thức ăn lên cơm trắng vì điều đó sẽ làm bẩn cơm. Người Việt Nam có thể không cần thiết phải khắt khe tới vậy như người Nhật, nhưng chắc chắn cũng cần phải biết được những quy tắc tối thiểu khi dùng bữa. Khi nhai thì khép khẩu hình miệng, không nói cười trong lúc miệng còn thức ăn. Thêm nữa là không vừa ăn vừa uống, tức là nhai hết trong miệng rồi mới cầm cốc nước lên uống, tránh việc thức ăn rơi vào cốc hay là đọng lại trên thành cốc.

4. Khi dùng giấy ăn, dùng tới đâu gấp lại tới đó dùng tiếp

Nhiều người đi ăn thường rút giấy ăn liên tục, lau một lần rồi vo viên lại. Nếu cần lau tiếp lại rút một tờ giấy mới, lặp lại việc lau một lần và vo viên. Như vậy sẽ rất phí phạm giấy ăn, lại cực kỳ mất thẩm mỹ khi nhìn vào bàn ăn thấy trên bàn và dưới chân toàn giấy ăn vo viên vứt tứ tung. Nếu lau một lần rồi gấp đôi dùng tiếp sẽ vừa gọn gàng lại không tốn giấy.

5. Ngáp phải che miệng

Điều này thì Á hay u cũng vậy. Ở một mình thì không sao, nhưng khi có người khác xung quanh thì nên che miệng lại để thể hiện mình là người lịch sự.

6. Nói năng không bắn nước bọt ra ngoài

Hãy tôn trọng đối phương bằng cách nói không "phun mưa xuân" vào mặt họ.

7. Không chen hàng

Ý thức xếp hàng của nhiều người lớn hiện nay vẫn rất đáng lên án chứ không nói gì đến trẻ nhỏ. Phụ huynh cần dạy bảo các em biết cách cư xử nơi công cộng, tôn trọng trước sau và không chen hàng.

8. Tôn trọng phụ nữ và người khác nói chung

Những câu chuyện về phụ nữ bị xâm hại tình dục ở nơi công sở, hoặc những màn tấn công nhau bằng body shaming giữa cả nam lẫn nữ với nhau,... vẫn tồn tại đầy rẫy ở khắp mọi nơi. Việc này xuất phát rất trực tiếp từ cách giáo dục của cha mẹ đối với con cái. Ví dụ khi còn đi học thì các bạn nữ bị các bạn nam cợt nhả và trêu chọc bằng những trò đùa khiếm nhã về cơ thể, ngực, mông,... hay là con trai thì bị chê là ngắn, bé,... 

Những đứa trẻ đi bày trò có thể sẽ không bao giờ biết chúng đã làm tổn thương tới tinh thần của người khác thế nào và việc đó có thể để lại những hệ lụy hay sang chấn tâm lí gì khác trong lòng những đứa trẻ bị trêu đùa. Những đứa trẻ này sẽ lớn lên trở thành những kẻ đi quẩy rối tình dục, không tôn trọng cơ thể người khác hoặc những người nhút nhát, rụt rè, hướng nội và ngại giao tiếp. Cha mẹ cần dạy bảo con cái từ nhỏ để sự tác động lẫn nhau của các em có thể phát triển theo hướng tích cực.

 

 

Theo Helino

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU