Biểu hiện 1: Thể trọng bé giảm sút
Đây là hiện tượng rất phổ biến mà bố mẹ thường gặp phải khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Từ góc độ chuyên môn, thông thường sau khi sinh từ 3 đến 5 ngày thì cân nặng của bé có thể giảm xuống cực thấp. Biểu hiện này không có gì lạ, bởi vì sau khi sinh, bé cũng cần phải thải bỏ các chất thải như nước tiểu, nhau thai, thậm chí bé còn có thể nôn ra một ít nước ối đã nuốt phải trong quá trình sinh nở của mẹ.
Không những vậy, làn da của bé sau khi sinh vài ngày cũng sẽ bị mất nước, đồng thời lượng sữa bé sơ sinh bú còn khá ít nên khiến thể trọng có xu hướng giảm đi so với lúc bé được cân khi vừa lọt lòng mẹ. Khoảng 10 ngày sau khi sinh, thể trọng của bé sẽ hồi phục lại tương đương lúc mới cân lần đầu tiên. Vì vậy mẹ không cần quá lo lắng.
Biểu hiện 2: Bé ọc sữa
Ọc sữa cũng là một trong những tình huống thường thấy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, phổ biến nhất là ở trẻ dưới 3 tháng tuổi. Giai đoạn này, các cơ ở cổ họng và thực quản của bé chưa phát triển hoàn thiện, dung lượng dạ dày cũng rất nhỏ. Nếu sau khi bú sữa mà bé khóc quấy hoặc người lớn có thói quen vỗ vào lưng bé sẽ xảy ra hiện tượng bé ọc sữa ra ngoài nhưng chỉ với số lượnh rất ít, không đáng lo ngại.
Theo sự tăng dần của độ tuổi, tình trạng ọc sữa của bé sẽ giảm đi. Sau khi cho bé bú, mẹ có thể nhẹ nhàng vuốt từ sau gáy dần xuống lưng của bé, không nên vỗ quá mạnh. Đồng thời nếu thấy lượng sữa bé ọc ra nhiều thì lúc này bạn nên đưa bé đi kiểm tra.
Biểu hiện 3: Bé bị lác mắt
Không ít những trường hợp bố mẹ cảm thấy lo lắng cho tính thẩm mỹ của con mình vì nhìn vào trông bé giống như bị lác mắt. Kỳ thực hiện tượng này ở trẻ sơ sinh không đáng lo lắm. Thị lực của bé lúc này còn rất yếu, bé chỉ có thể nhìn thấy những vật ở gần và phía trước mắt. Đồng thời, cơ mắt của bé điều tiết vẫn chưa tốt nên nhìn vào sẽ như bị lác mắt.
Để nhanh chóng cải thiện tình hình, bạn có thể bày trí những vật thu hút tầm nhìn của bé như lục lạc, gấu bông và thường xuyên thay đổi vị trí của chúng để bé nhìn được nhiều phía. Ngoài ra, bạn nên đưa bé ra ngoài trời với nhiều cảnh vật phong phú cũng có thể giúp thúc đẩy mắt bé phát triển hoàn thiện, hồi phục tình trạng lác mắt.
Tuy nhiên, nếu trẻ đã được 1 tuổi mà biểu hiện lác mắt vẫn không khỏi, thậm chí còn tăng nặng hơn thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện chuyên khoa để kiểm tra, điều trị.
Biểu hiện 4: Tuyến sữa của bé sưng phồng
Một số trẻ sơ sinh sau khi chào đời khoảng 3 đến 5 ngày còn có hiện tượng hai vú của bé bị sưng dần lên, thậm chí còn tiết ra một ít chất dịch màu trắng sữa. Tình trạng này thể hiện rõ nhất vào khoảng ngày 8 đến ngày 10 sau khi sinh và nó cũng là hiện tượng sinh lý bình thường nên mẹ đừng quá lo.
Bé sơ sinh có biểu hiện này chủ yếu là do chịu ảnh hưởng của Estrogen trong cơ thể mẹ. Thông thường khoảng 2 đến 3 tuần sau sinh sẽ dần biến mất.
Biểu hiện 5: Bé co giật
Trẻ sơ sinh tuy phần lớn thời gian đều ngủ nhưng dường như giấc ngủ của bé không được an định. Bé thường có hiện tượng co giật cục bộ, đặc biệt là “rung giật’ ở các ngón tay, ngón chân.
Đôi khi bé còn bị kích thích của tiếng ồn hay ánh sáng bên ngoài mà có biểu hiện hai tay giương mở lên trên rồi nhanh chóng thu lại, có lúc còn kèm theo khóc quấy, giật mình v.v… Đây là do hệ thống thần kinh của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện mà thôi. Mẹ không nên hoảng hốt mà có thể nhẹ nhàng mát xa bộ phận bé bị co giật, giúp bé yên tĩnh lại và ngủ sâu hơn.
Biểu hiện 6: Bé bị nấc cục
Không riêng người lớn, trẻ sơ sinh thỉnh thoảng cũng sẽ có hiện tượng nấc cục. Nguyên nhân là do “tàn tích” của một phần nước ối, niêm mạc thừa trong đường hô hấp gây ra. Bé cũng có thể sẽ nấc cục và ho để giúp đẩy các dị vật này ra ngoài, chẳng hạn như sợi bông, bụi hay lông bay vào mũi v.v… Ngoài ra, dưới kích thích của ánh sáng quá mạnh cũng làm bé dễ có hiện tượng nấc cục.
Theo emdep.vn