Chỉ tấn công cơ quan hô hấp trên
Trong 7 ngày qua, số ca mắc Covid-19 mới liên tục là hơn 100.000 ca/ngày. Omicron đang chiếm ưu thế ở cả Hà Nội và TP.HCM, đặc biệt có sự xuất hiện của Omicron "tàng hình".
Theo TS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Liên hội vi sinh lâm sàng TP.HCM, giới khoa học gọi biến thể phụ mới của Omicron là Omicron "tàng hình" (BA.2) vì mặt cấu trúc di truyền của nó khác với biến thể ban đầu BA.1 là mất đi đột biến mất đoạn.
Cấu trúc di truyền này khiến cho protein S của BA.2 khác với BA.1. Sự khác biệt này khiến cho BA.2 lây lan nhanh gấp gần 2 lần so với biến thể Omicron ban đầu, đồng thời khó phát hiện hơn.
Tuy nhiên, hầu hết người đã tiêm đủ vắc xin Covid-19 khi nhiễm biến thể Omicron sẽ biểu hiện bệnh nhẹ hơn. Điều này cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ trở nặng khi mắc virus chứ không phải do Omicron "lành" hơn Delta.
Ngoài ra, biến thể Omicron khi xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ tấn công tế bào niêm mạc đường hô hấp trên nhiều hơn là đường hô hấp dưới (phế quản, phổi…) so với Delta. Vì vậy, triệu chứng rát họng của người nhiễm Omicron có thể rầm rộ hơn các triệu chứng khác.
Biến thể Omicron tàng hình có nguy hiểm?
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho rằng người ta gọi BA.2 là "tàng hình" do biến thể phụ này không chứa đột biến đặc trưng của Omicron. Đột biến này giúp chúng ta có thể phát hiện ra virus bằng xét nghiệm PCR. Do đó, BA.2 có thể bị nhầm lẫn là biến thể Delta và phải giải trình tự gene virus mới có thể nhận biết được.
Omicron "tàng hình" đã xuất hiện ở 92 quốc gia, chiếm ưu thế ít nhất 10 nước, lan rộng đáng kể nhưng chưa tạo ra sự khác biệt rõ rệt về độ nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới tháng trước nhận định biến thể phụ này của Omicron có ưu thế lây truyền, song không gây triệu chứng nặng hơn biến thể Omicron ban đầu.
Nhận xét về tình làn sóng dịch mới, PGS. Dũng cho rằng khi biến thể Omicron xâm nhập thì giống như các quốc gia khác, với bản tính lây lan nhanh của Omicron, nó không bị hoặc ít bị cản trở vắc xin nên sẽ phát triển nhanh.
PGS. Dũng dự báo làn sóng dịch có số ca mắc đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tuần, chứ không phải 2 tuần và sẽ không chỉ có 1 mà sẽ có 2 làn sóng Omicron. Trong đợt dịch này, số ca mắc sẽ gia tăng gấp nhiều lần so với trước đây, con số tử vong khả năng cũng sẽ tăng nhưng không quá nhiều.
PGS. Dũng cũng cho biết, vì đặc tính của biến thể này là xâm nhập không bị cản trở bởi vắc xin nhưng người nhiễm vẫn được bảo vệ bởi vắc xin. Bên cạnh đó, BA.2 xâm nhập vào đường hô hấp trên nhiều hơn đường hô hấp dưới nên hy vọng số ca diễn tiến nặng không tăng.
Chưa thể coi như bệnh lưu hành
Tuy nhiên, theo PGS. Dũng, khi số ca lây nhiễm tăng và trong cộng đồng vẫn còn nhóm chưa tiêm vắc xin Covid-19, nếu làn sóng dịch "quét" vào nhóm đối tượng này thì sẽ rất nguy hiểm. Khi bệnh trở nặng dẫn tới quá tải hệ thống y tế kéo theo nhiễm khuẩn bệnh viện và tăng tỷ lệ tử vong.
Vì vậy, PGS. Dũng cho rằng chúng ta cần tuân thủ 5K để giảm nguy cơ cho chính bản thân và cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao như người già, người chưa được tiêm vắc xin Covid-19,...
Theo PGS. Dũng, dù số ca mắc cao nhưng chúng ta vẫn không thể lơ là và coi đây là bệnh lưu hành. Nếu là bệnh lưu hành, chúng ta không thể nào quản lý quá trình lây nhiễm.
Thêm vào đó, người bệnh vẫn phải chi trả mọi chi phí khám chữa bệnh và việc tiêm vắc xin định kỳ là điều khó có thể phổ rộng. Đặc biệt, các biện pháp 5K cũng khó quản lý vì khi đó không thể bắt người dân thực hiện nghiêm các biện pháp này khi Covid-19 đã được coi là bệnh thông thường.
Ngoài ra, đưa bệnh Covid-19 ra khỏi nhóm A thì khó có thể kiểm soát bởi không thể yêu cầu họ tiếp tục cách ly được. Tại Mỹ, bệnh nhân Covid-19 vẫn được yêu cầu cách ly. Một số quốc gia khác không yêu cầu cách ly nhưng đó là các quốc gia có tỷ lệ phủ vắc xin cao hơn, hệ thống y tế tốt, hiệu lực thuốc kháng Covid-19 Paxlovid đáp ứng tốt đến 89%, trong khi Molnupiravir chỉ 30%. Thêm nữa, tại Việt Nam, chúngta cũng chưa trải qua làn sóng Omicron.
PGS. Dũng cho rằng trong tương lai, Covid-19 sẽ được coi là một bệnh lưu hành, nhưng thời điểm hiện tại thì chưa thể.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/lan-song-moi-omicron-tang-hinh-co-thuc-su-nguy-hiem-chuyen-gia-chi-ra-2-diem-hy-vong-161221103105531780.htm
Theo ttvn.vn