Tốt cho tiêu hoá
BS. Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3, cho biết trong Y học cổ truyền, có nhiều vị thuốc – thực phẩm giúp hỗ trợ tiêu hóa, mềm phân, hỗ trợ điều trị táo bón. Dân gian vẫn lưu truyền bài thuốc từ lá mơ lông, chế biến thành món ăn với trứng chiên, thịt cuốn, giúp hỗ trợ đại tiện dễ dàng.
Theo y học cổ truyền, lá mơ lông có tính mát, giúp giải nhiệt, nhuận tràng, thành phần hóa học có tanin và alkaloid, giúp kháng viêm, ứng dụng trong điều trị táo bón.
"Nước mơ ngâm cũng được lưu truyền là một phương thuốc dân gian giúp trị táo bón, vị thuốc này cũng xuất hiện cả trong y học cổ truyền các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Đã có nhiều nghiên cứu về tác dụng của dịch chiết quả mơ trong điều trị táo bón. Với vị chua ngọt, mơ kích thích tăng sinh tân dịch, từ đó hỗ trợ điều trị táo bón các thể hư chứng", bác sĩ Ngân nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Ngân lưu ý người thường xuyên bị táo bón cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám, loại trừ các nguyên nhân thực thể có thể dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm. Đồng thời, người bệnh nên điều trị tích cực để nâng cao chất lượng sống và phòng tránh các biến chứng không mong muốn của bệnh.
Lá mơ, ảnh minh hoạ.
Lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), cho biết lá mơ lông có vị đắng mát. Tác dụng của lá mơ lông là kiện tỳ, hóa thấp thanh nhiệt, sát trùng, tiêu viêm, hóa đàm, khu phong. Công dụng của lá là chữa chứng đau bụng đi ngoài, hoặc lấy nước cốt bôi đắp chỗ sưng đau, chỗ sâu bọ cắn đều tốt.
Các nghiên cứu khoa học cho thấy trong lá mơ có chứa polyphenol, chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp làm chậm quá trình lão hóa tế bào.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết thêm trong lá mơ có chứa chất alkaloid. Đây là hoạt chất hoạt động như thuốc kháng sinh và kháng viêm, có tác dụng mạnh mẽ đối với ký sinh trùng đường ruột như lỵ, giun đũa, giun kim, trực khuẩn...
Theo kinh nghiệm dân gian, lá mơ lông còn hỗ trợ chữa chứng kiết lỵ. Ngoài ra, lương y cho biết thêm ăn lá mơ lông còn giúp chữa chứng mập phì, bụng lớn, tiểu không tự chủ, lưng gối yếu, sinh lý yếu, các chứng do tỳ thận khí hư, ứ trệ. Đặc biệt, lá mơ là vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, kháng khuẩn…
Theo lương y, ở nhiều nước như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, người dân còn dùng mơ lông để 'làm mát' máu, giảm đau, kích thích sự ngon miệng, thèm ăn.
Thông thường, lá mơ lông được nấu với trứng hoặc ăn trực tiếp. Cách dùng khác là sắc uống với liều lượng 10 – 20g mỗi ngày.
Người bị đau dạy dày có thể xay 30g lá mơ cùng một cốc nước đun sôi để nguội và lọc nước uống; dùng một lần mỗi ngày trong một thời gian để kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh đau dạ dày. Trường hợp ăn không tiêu dẫn đến đau tức thượng vị, người bệnh có thể dùng 30 – 60g rễ hoặc dây mơ tươi để sắc uống 3 lần trong ngày.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá mơ cũng có thể được sử dụng để điều trị sỏi thận bằng cách dùng 100g lá mơ, sắc lấy nước chia làm 2 – 3 phần đều nhau uống hết trong ngày.
Một số món ăn bài thuốc từ lá mơ
- Chữa nhiễm giun sán, giun kim: Dùng 50g lá mơ tươi, ăn kèm một ít muối vào buổi sáng sớm lúc mới ngủ dậy. Hoặc dùng ngọn non và lá mơ ngâm trong nước đun sôi để nguội vài tiếng. Dùng nước này tháo thụt hậu môn vào buổi tối trước khi đi ngủ để trị giun kim.
- Chữa phong thấp đau khớp: Mơ lông cả dây phơi khô 30-40g, sắc nước uống.
- Chữa kiết lỵ: Dùng từ 30-50g lá mơ thái nhỏ trộn với 1-2 quả trứng gà, đưa lên chảo rán chín thơm là ăn được, ngày 2-3 lần, dùng 5-7 ngày.
- Chữa trẻ em cam tích suy dinh dưỡng: Lá mơ băm viên với thịt, cá gia vị cho ăn thường xuyên.
- Chữa rắn cắn: Lá mơ 50g rửa sạch, nhai nuốt nước, bả đắp vết cắn.
Chuyên gia lưu ý lá mơ lành tính tuy nhiên khi dùng lá mơ làm thuốc thì cần tham khảo ý kiến thầy thuốc.