Loại hạt nhỏ xíu, giá rẻ được mệnh danh là 'kim cương đỏ' có nhiều ở Việt Nam

(lamchame.vn) - Kỷ tử là vị thuốc quen thuộc trong Y học cổ truyền, từ lâu được biết đến như thuốc bổ nguồn gốc thiên nhiên, giúp chống lão hóa, tăng cường sinh lý.

Tác dụng của kỷ tử đối với sức khoẻ

Dưới đây là những tác dụng tuyệt vời của kỷ tử khiến loại hạt này được mệnh danh là "kim cương đỏ":

Nguồn chất chống oxy hóa

Báo Lao động dẫn nguồn trang DR.AXE cho biết, giống như hầu hết các siêu thực phẩm khác, kỷ tử là nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời chống lại các gốc tự do, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi mức độ căng thẳng và có khả năng chống viêm cao.

Tăng cường khả năng miễn dịch, chống ung thư

Quả kỷ tử cung cấp nồng độ vitamin C và vitamin A cao. Đây là hai chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể để xây dựng khả năng miễn dịch, từ đó ngăn ngừa các bệnh thông thường như cảm lạnh.

Ngoài ra, quả kỷ tử còn có tác dụng chống lại sự phát triển của khối u, giảm nồng độ cytokine gây viêm và giải độc cơ thể khỏi các độc tố có hại.

Thúc đẩy làn da khỏe mạnh

Hàm lượng beta-carotene trong kỷ tử không chỉ giúp thúc đẩy làn da khỏe mạnh mà thậm chí còn ngăn ngừa tình trạng ung thư da. Theo nghiên cứu, uống nước ép kỷ tử sẽ giúp bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Bảo vệ sức khỏe mắt

Kỷ tử được biết đến là phương pháp điều trị tự nhiên cho thoái hóa điểm vàng và có lợi cho tầm nhìn vì chứa hàm lượng chất chống oxy hóa zeaxanthin cao.

Các nghiên cứu còn cho thấy, loại quả này giúp tăng cường sức khỏe mắt bằng cách bảo vệ võng mạc khỏi các tế bào hạch, hỗ trợ điều trị cho bệnh tăng nhãn áp.

Giúp ổn định lượng đường trong máu

Đối với những người mắc bệnh tiểu đường thì tiêu thụ kỷ tử sẽ giúp kiểm soát việc giải phóng đường vào máu và ngăn ngừa sự tăng – giảm bất thường lượng đường trong máu.

Vì vậy, bổ sung kỷ tử vào chế độ ăn uống sẽ giúp tăng độ nhạy cảm với insulin và ổn định mức đường huyết.

Giải độc gan

Kỷ tử được cho là có tác dụng bảo vệ gan và được sử dụng cùng với các loại thảo mộc truyền thống như cam thảo, nấm linh chi, gynostemna và pentaphylla trong nhiều loại thuốc làm sạch gan.

Đây là lý do tại sao loại quả này thường được sử dụng như một thành phần bổ sung trong súp và chế biến các món ngọt hoặc mặn để tẩm bổ cho những người bị bệnh.

Những món ăn bài thuốc từ kỷ tử

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời ThS.BS Nguyễn Đình Thục – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Đông y Việt Nam cho biết, một số món ăn, bài thuốc từ kỷ tử có thể thực hiện tại nhà để hỗ trợ điều trị bệnh và bổ dưỡng như sau:

- Trà kỷ tử, cúc hoa: Kỷ tử 10g, cúc hoa 10g. Hãm với nước sôi trong bình kín.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy giảm thị lực, quáng gà, hoa mắt.

- Cháo kỷ tử: Kỷ tử 25g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo, chia ăn 1 - 2 lần/ngày, có thể ăn thường xuyên.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị suy nhược cơ thể, ốm lâu ngày, tuổi cao sức khỏe yếu, kiềm chế lão suy, kéo dài tuổi thọ.

- Cháo kỷ tử, gạo lứt: Kỷ tử 30g, gạo lứt 60g, táo tàu 10 quả. Nấu chung cả ba vị thành cháo, ăn vào 2 bữa sớm, tối.

Tác dụng: Phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm thận mạn tính do can thận âm hư.

- Kỷ tử hấp trứng: Kỷ tử 15g, trứng gà tươi 2 quả. Đập trứng gà vào bát thêm chút dầu ăn, đánh tan. Kỷ tử ngâm nước sôi cho nở. Đổ trứng vào khay hấp trong nước sôi to lửa khoảng 10 phút. Cho kỷ tử lên trên hấp thêm 5 phút.

Tác dụng: Dùng cho người huyết hư, nhức đầu, chóng mặt, nhịp tim nhanh, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, đái tháo đường, đau lưng mỏi gối...

- Kỷ tử, đậu đen ninh xương: Kỷ tử 15g, đậu đen 30g, táo tàu 20 quả, xương lợn 250g. Cho tất cả các nguyên liệu cho vào nồi thêm nước ninh nhừ, gia vị vừa đủ, cách 1 ngày uống 1 thang. Có thể uống lâu dài.

Tác dụng: Dùng cho người thiếu máu, thuộc diện can thận âm hư, chóng mặt ù tai, thường sốt nóng vào lúc quá trưa, chân tay phát nhiệt, di tinh, đổ mồ hôi trộm, xuất huyết.

- Kỷ tử rang thịt: Kỷ tử 100g, thịt nạc 500g, măng tươi 100g. Thái thịt nạc và măng tươi xé nhỏ, đảo đều trong chảo có tráng mỡ, cho thêm chút rượu, gia vị vừa đủ. Cho kỷ tử vào sau, đảo thêm một lát nữa cho chín là được.

Tác dụng: Dùng để hỗ trợ điều trị các chứng suy nhược cơ thể, hoa mắt, chóng mặt, thận hư, thị lực kém nhìn vật bị nhòe...

- Kỷ tử hấp gà mái: Kỷ tử 15g, gà mái 1 con. Gà làm sạch sẽ, chần nước sôi, vớt ra để ráo nước, bỏ kỷ tử vào trong bụng, quay bụng gà lên trên, cho thêm gừng tươi, rượu, gia vị, hạt tiêu, nước vừa đủ, cho vào nồi, đun chín. Uống thang, ăn thịt gà.

Tác dụng: Dùng cho người can thận bất túc, đầu váng mắt hoa, hay ngủ mơ, hay quên, lưng đau gối mỏi, di tinh.

Trên đây là những tác dụng tuyệt vời của hạt kỷ tử đối với sức khoẻ. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích đối với bạn.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU