Mong muốn được... làm "bố" của người mẹ mới sinh
Có con, cuộc sống của một người mẹ trẻ thay đổi tất cả! 9 tháng 10 ngày mang thai và lần sinh nở đầu tiên đã làm cho sức khoẻ của người mẹ đi xuống.
Người mẹ cũng quen với cảm giác đau mỏi lưng, nhức đầu kéo dài triền miên. Thế nhưng, đâu có thời gian để nghĩ nhiều về điều đó, mẹ đã bước vào những ngày đầu làm mẹ!
Mới đây, trải lòng chân thực về những gì trải qua trong khoảng thời gian đầu làm mẹ, làm quen với vai trò mới vô cùng thiêng liêng và nhiều trách nhiệm của một bà mẹ trẻ đã nhận được sự đồng cảm của cộng đồng mạng.
Tâm sự gây sốc của mẹ mới sinh: Nếu được lựa chọn, mẹ muốn làm "bố" của con nhận được sự đồng tình của hội bỉm sữa (Ảnh minh họa)
Mở đầu bài viết, người mẹ trẻ chia sẻ cảm xúc hạnh phúc khi được đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, tuy nhiên, bất ngờ thay khi cô cho biết, nếu được lựa chọn, cô lại muốn được làm "bố" của con mình.
Và lí do nằm ở đây:
"Bố - người mà cũng sinh ra con, nhưng lại không cần vác cái bụng to với những vết rạn da chằng chịt, người không bao giờ biết cảm giác mệt mỏi, đau buốt trên những bộ phận cơ thể từ khi có con.
Làm bố, người đứng ngoài phòng siêu âm thai và cũng đứng ngoài phòng sinh, người kí vào tờ giấy mổ đẻ nhưng con dao mổ thì cứa vào bụng mẹ và để lại vết sẹo vĩnh viễn đến khi trái gió trở trời lại đau.
Người ta cũng chỉ gây tê trên lưng của mẹ nên hệ quả là những cơn đau lưng sau này mà bố không bao giờ biết đến!
Có con, mẹ lúc nào cũng luộm thuộm và hôi sữa. Mùi sữa, mùi nước tiểu của con trở thành mùi cơ thể của mẹ.
Tóc mẹ cũng dài và mượt lắm nhưng lâu rồi không buông ra, lâu rồi không chải vì lúc nào cũng phải búi lên nhanh chóng để còn bế con.
Không có ai trông con, mỗi tuần mẹ chỉ tranh thủ gội đầu một lần, mỗi lần đó, tóc rụng thành nắm.
Có con, bố vẫn đi làm. Phải rồi, bố phải đi làm để còn có tiền nuôi con. Có lẽ cũng vì thế mà tất cả mọi người, trong đó có cả người làm bố đều cho rằng, việc kiếm tiền là quá đủ những gì mà bố cần làm cho con. Còn lại, đều là trách nhiệm của mẹ!
Có con, bố vẫn là một chàng trai tự do, ăn đúng giờ và ngủ no giấc. Bố còn vuốt keo lên tóc và dùng nước hoa thơm lừng. Bố vẫn có mặt đầy đủ trong các cuộc vui bạn bè và không ngại quá chén!
Sau mỗi cuộc vui trở về, con đã ăn no, sạch sẽ và đang ngủ, bố chỉ nhẹ nhành thơm vào má con rồi chìm vào giấc ngủ, hơi thở nồng mùi bia rượu. Mẹ ước gì mình cũng được như thế.
Có con, vợ thành "osin cao cấp", chồng vẫn nhàn hạ như thanh niên (Ảnh: NVCC)
Nhưng đâu có dễ dàng như vậy, trước khi con ngủ, mẹ và bà bế rong rả nhiều tiếng đồng hồ, con quấy, khóc ngằn ngặt! Con hờn không bú mẹ, sữa chảy đầy quanh miệng, chảy ướt áo mẹ, ướt cả áo của con.
Đêm đến, bố nằm ép vào tường ngủ. Mẹ và con lục sục suốt đêm vừa bú mớm, vừa thay rửa. Nếu con nằm ngủ ngoan, bố lại thơm vào má con rồi chìm vào giấc ngủ, nếu con quấy khóc, bố có quyền cho rằng việc dỗ dành con là trách nhiệm của mẹ. Mẹ bế con ra khỏi giường, rong rả trong ánh đèn ngủ mờ mờ, bố ôm gối quay vào trong ngủ.
Đêm rồi cũng qua!
Ngày sang, bố bế con trên tay chốc lát, con quấy khóc không chịu chơi, bố gọi mẹ. Phải rồi, đó là trách nhiệm của riêng mẹ mà!
Rồi con sẽ cứng cáp và khôn lớn dần. Con sẽ yêu thương bố thật nhiều như bao đứa trẻ khác. Con sẽ lại mừng quýnh khi bố đi làm về và luôn tự hào về người đàn ông ấy.
Thực lòng mẹ sẽ lại vui vì điều đó, mẹ cũng cần dạy dỗ con hiếu thảo như vậy! Bởi vì mẹ cũng như bao người phụ nữ khác, có những thứ không thể lựa chọn và những chuẩn mực không thể làm khác"
Có con, vợ thành "osin cao cấp", chồng vẫn nhàn hạ như thanh niên
Đây là cảm nhận của nhiều người sau khi sinh con. Do đó, những tâm sự chân thật của chủ nhân bài viết trên được hội các bà mẹ bỉm sữa gật gù tán thành, thể hiện ở con số hơn 20 nghìn lượt thích và chia sẻ bài viết.
Chị Mơ chia sẻ niềm may mắn và hạnh phúc khi có người chồng biết đỡ đần, sẻ chia với vợ (Ảnh: NVCC)
Chủ nhân bài viết đang gây "bão" này cũng cho biết: "Mình viết những dòng này vì cảm thấy thực sự đồng cảm và khâm phục người làm mẹ, làm bà.
Mình biết chắc rằng có những người bố vẫn đang hy sinh cho con, chia sẻ cùng vợ bằng tất cả tấm lòng. Mọi khó khăn có là gì khi những thành viên trong gia đình biết xót xa nhau đến từng chút một.
Chỉ thương cho những người bố đang đứng ngoài tất cả. Họ cũng chỉ có được niềm hạnh phúc hời hợt mà chẳng bao giờ hiểu được ý nghĩa thực sự của việc làm "bố"
Và chị Ngô Thị Mơ - 23 tuổi, đến từ Sóc Sơn, vừa sinh con đầu lòng được 2 tháng cũng đã chia sẻ may mắn khi có được người chồng biết hi sinh cho con cái, chia sẻ cùng vợ bằng cả tấm lòng.
"Sau sinh nhiều lúc mình stress, mệt mỏi lắm, không tránh khỏi những suy nghĩ, so sánh với chồng, vì anh vẫn đi làm, còn mình thì ở nhà lọ mọ suốt ngày.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, lần đầu làm mẹ, lại trẻ tuổi, nên mình cũng vụng về. May sao có chồng và gia đình giúp đỡ nhiều nên thoải mái hơn, và chỉ cần nhìn thấy con là hạnh phúc lắm rồi.
Mặc dù chồng cũng chỉ bằng tuổi mình thôi, lại đi làm bận rộn nhưng từ lúc mình mang thai anh đỡ đần nhiều lắm, cuộc sống khi ấy khá vất vả, may mắn là hai vợ chồng đồng lòng nên vượt qua được.
Lúc sinh xong mình vẫn bị đau vết khâu cả tháng trời, với nhiều thứ thay đổi, con thì khôngchịu bú mẹ nên phải dùng sữa ngoài, đêm hôm con đói chồng mình đều phải dậy pha sữa cho con mấy lần, nghe tiếng con khóc là bật dậy luôn.
Quần áo bẩn của con chồng mình cũng giặt, có hôm con thức đêm, anh ấy trông con để mình ngủ, cơm ở cữ anh cũng lo tươm tất.
Mình sinh con đúng mùa gặt nên anh vất vả nhiều, gầy đi trông thấy, mình rất thương và tự hào"
Sau khi trải qua một cuộc vượt can, phụ nữ cần sự giúp đỡ cả về thể chất lẫn tinh thần (Ảnh minh họa)
Thế mới biết, đối với một người phụ nữ mới làm quen với thiên chức làm mẹ, thì sự động viên, chia sẻ của người bạn đời đóng vai trò vô cùng quan trọng và không thể thay thế.
Sự xuất hiện của thành viên mới – một đứa con – sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc sống của những cặp vợ chồng mới cưới.
Sự xáo trộn cuộc sống sau sinh dễ dẫn đến chứng bệnh trầm cảm sau sinh. Do đó, sau khi trải qua một cuộc vượt can, phụ nữ cần sự giúp đỡ cả về thể chất lẫn tinh thần.
Các bà mẹ trẻ có thể cảm thấy "ghét" chồng, gắt gỏng nhiều hơn, phẫn nộ khi chồng ra ngoài đi làm còn mình phải ở nhà chăm con.
Chăm sóc con cái suốt 24 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần là một việc không hề nhẹ nhàng. Nhiều bà mẹ còn cảm thấy khá cô đơn khi phải vò võ chăm con một mình suốt ngày, không có ai để tâm sự.
Vì thế sau khi đi làm về, người vợ cần sự giúp đỡ của chồng. Bởi khi đàn ông ra ngoài đi làm, đó là công việc ban ngày. Còn người vợ ở nhà chăm sóc em bé lại chiếm mất 24/24 giờ mỗi ngày. Nhiều bà mẹ còn phải tự chăm sóc con một mình và bận rộn đến nỗi không ăn được một bữa ăn tử tế, không có thời gian nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
Do đó khi vợ chồng cùng ở nhà, chăm sóc bé là việc cả hai cần chia sẻ với nhau. Bằng cách quan tâm, hỗ trợ vợ sau khi sinh, các đức ông chồng sẽ giúp người bạn đời có thêm nhiều năng lượng để chăm sóc thiên thần nhỏ của hai bạn.