Hai người được ghép giác mạc của bé Hải An là người đàn ông 42 tuổi bị đục giác mạc di truyền, không nhìn rõ 8 năm qua. Anh đã điều trị và chờ giác mạc hiến để ghép suốt 5 năm qua.
Người còn lại là cụ bà 73 tuổi trước ghép gần như mù (chỉ phân biệt được sáng và tối) và không đi lại được, nay đã đi lại được và cải thiện nhiều về chất lượng cuộc sống
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Mắt Trung ương, việc ghép 2 giác mạc của bé Hải An cho 2 người lớn có lý do như sau:
- Điều kiện đầu tiên trong việc cấy ghép giác mạc là giác mạc của người cho phải có chỉ số hòa hợp với bệnh nhân được ghép để tránh hiện tượng đào thải sau ghép gây lãng phí nguồn giác mạc. Các chỉ số giác mạc của bé Hải An phù hợp với 2 bệnh nhân đã được ghép.
- Do nguồn giác mạc rất hạn chế, danh sách chờ ghép luôn cao hơn nhiều lần số giác mạc được cung cấp. Vì vậy, theo các tiêu chí của Hội đồng chuyên môn đã thống nhất, khi có giác mạc, những người hỏng cả 2 mắt sẽ được ưu tiên trước theo thứ tự đã đăng ký chờ ghép. 2 bệnh nhân được ghép giác mạc của bé Hải An thuộc số thứ tự chờ lâu nhất trong danh sách chờ ghép. Trong khi đó, các cháu nhỏ trong danh sách chờ ghép chỉ hỏng 1 bên giác mạc.
Ghép giác mạc (hay là thay giác mạc) là phương pháp duy nhất để phục hồi thị lực cho các bệnh nhân mù do sẹo giác mạc. Trước khi ghép, bệnh nhân phải đến khám tại một bệnh viện mắt có bác sĩ chuyên khoa giác mạc để được đánh giá tình trạng sẹo và tiên lượng kết quả phẫu thuật.
Việc có thể ghép giác mạc hay không còn phụ thuộc một số yếu tố như: Kích thước sẹo, sẹo có còn mạch máu tân sinh hay không, có dính mống mắt vào sẹo không, có glaucoma hay bệnh lý đục thủy tinh thể đi kèm không. Do đó, không phải ai bị sẹo giác mạc cũng có chỉ định ghép giác mạc.
Ảnh minh họa.
Đây là một phẫu thuật ghép mô nên mọi nguy cơ sau ghép đều giống như ghép thận, ghép gan... Thành công sau ghép cũng phụ thuộc vào việc cơ địa của bệnh nhân có đáp ứng tốt với mảnh ghép hay không (vì có sự đào thải mảnh ghép), tay nghề của bác sĩ, chất lượng của giác mạc cho (giác mạc người cho đã lớn tuổi thường không tốt bằng người trẻ...), thời gian từ lúc lấy giác mạc mắt đến khi ghép (càng sớm càng tốt, tối đa là 14 ngày)...
Sau khi ghép giác mạc, bệnh nhân cần được theo dõi định kỳ, dùng thuốc đặc trị trong vài tháng đến vài năm để bảo đảm về mặt thẩm mỹ và chức năng (sáng mắt).
Hiện mỗi năm, Ngân hàng Mắt nhận được trên 200 giác mạc từ các nguồn khác nhau. Tính đến nay, cả nước có gần 40.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc. Theo ước tính, Việt Nam hiện có trên 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc. Chỉ riêng tại BV Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc lên tới hàng nghìn người.