Đó là trường hợp của chị Đ.T.N.D. Theo bệnh sử, người phụ nữ lập gia đình đã 5 năm và chưa có con.
Cách đây 2 năm, chị bắt đầu điều trị thường xuyên ở bệnh viện Chợ Rẫy vì được xác định mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Khi phát hiện mình có thai, chị D. rất lo lắng vì tình trạng bệnh tự miễn mình đang mang có nguy cơ ảnh hưởng tới thai và ngược lại cũng làm bệnh nặng hơn.
Một trường hợp đỡ đẻ tại bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM).
Thai được 23 tuần, các bác sĩ thông báo cả 2 bé đều có biểu hiện nhịp tim chậm (block nhĩ thất độ II-III) khiến thai phụ càng thêm hoang mang.
Các cuộc hội chẩn liên viện giữa các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) đều đặn diễn ra từ 2-4 tuần/lần để đánh giá diễn tiến sức khoẻ của 2 bé trong bụng cùng sức khỏe của chị D..
Khi thai càng lớn, cả 2 thai đều biểu hiện kém tăng cân. Chọn thời điểm nào để chấm dứt thai kỳ để vừa an toàn về mặt bệnh lý tim mà phổi bé đủ trưởng thành để an toàn với cuộc sống bên ngoài bụng mẹ là một quyết định cân não đối với các bác sĩ. Bởi theo thành viên kíp mổ, ước lượng bé quá nhỏ so với các bé đơn thai cùng số tuổi thai.
Kip phẫu thuật cho chị D. lên đến 20 y, bác sĩ.
Thời điểm thai được 34 tuần, biểu hiện trên siêu âm cho thấy mức độ chậm tăng trưởng bắt đầu ảnh hưởng tới thai và nhịp tim bé chậm tới ngưỡng đe dọa. Không đợi thêm được nữa, thai phụ được chỉ định mổ lấy thai.
8 giờ sáng ngày 21/5, toàn bộ ekip sản khoa và nhi khoa đã sẵn sàng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cử 8 y bác sĩ, bao gồm cả bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ Tim mạch nhi, bác sĩ gây mê hồi sức, nhân viên phòng mổ, điều dưỡng... Kíp mổ của bệnh viện Từ Dũ lên đến 12 người.
Khi mọi thứ đã sẵn sàng, lập tức kíp sản bắt đầu rạch da. Mẹ bé được gây tê nên lắng nghe được tiếng con chào đời, 2 bé trai nhanh chóng được chuyển qua phòng bên cạnh khi vừa cất tiếng khóc.
Trong khi mẹ được đóng lại vết mổ thì bé trai có nhịp tim thấp hơn, chỉ khoảng 40-50 lần/phút. Bác sĩ nhi đặt catheter tĩnh mạch rốn ngay, sau đó chuyển cho bác sĩ gây mê cho bé ngủ rồi tiếp tục đặt máy tạo nhịp tạm thời nhằm đưa huyết động của bé ổn định, duy trì sự sống.
Hai bé lần lượt được bắt khỏi bụng mẹ.
Cả hai bé trai đều nặng 1,9kg, nhẹ hơn so với cân nặng thông thường của thai 34 tuần (là 2,2-2,4kg). Hiện hai bé được chuyển bệnh viện Nhi Đồng 2 để theo dõi. Dự kiến khi cân nặng bé được 2,5kg, bé sẽ được đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Theo các bác sĩ, bệnh lupus ban đỏ hệ thống là loại bệnh tự miễn, đây có thể là nguyên nhân làm tổn thương đường dẫn truyền nhịp tim dẫn đến rối loạn nhịp tim, khiến nhịp thất còn 40 lần/phút.
Block nhĩ thất trong giai đoạn bào thai chiếm tỉ lệ 1/20.000 trường hợp, làm tăng tỉ lệ tử vong sau sinh.
Một bé sơ sinh được chăm sóc tại bệnh viện.
Việc phối hợp giữa bệnh viện Từ Dũ với các bệnh viện Nhi đồng thời gian qua đã cứu sống rất nhiều em bé bệnh nặng ngay sau sinh.
Trước đó vào đầu tháng 5/2019, một sản phụ chưa đầy 20 tuổi tên Đ.T.T.T. (quê Kiên Giang) đã nhập viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) sau 8 tháng sinh con vì suy đa cơ quan, rối loạn đông máu, xuất huyết nặng, vi mạch huyết khối do căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Dù được điều trị tích cực, lọc thận và thay huyết tương liên tục, sản phụ đã tử vong sau đó vì tình trạng quá nặng.
Sản phụ ở Kiên Giang phát hiện căn bệnh lupus ban đỏ hệ thống sau sinh.
Do đó bác sĩ cảnh báo đối với phụ nữ mang thai, phải khám định kỳ đúng ngày và chú ý kỹ việc đo huyết áp, thử nước tiểu để nhanh chóng phát hiện và xử lý bệnh kịp thời.
Với bệnh nhân đã trị khỏi lupus ban đỏ, khi khỏe lại phải tuyệt đối tránh nắng, tránh nhiễm trùng và phải tuân thủ việc dùng thuốc theo chỉ định của người điều trị.
Theo Trí thức trẻ