Nhà nhân chủng học người Mỹ Melvyn C. Goldstein đã có dịp sống và nghiên cứu nhiều cộng đồng dân cư trên dãy Himalaya và ông đã tiết lộ nhiều điều hết sức thú vị xoay quanh phong tục kỳ lạ này.
Lấy chung vợ để... kiểm soát dân số
Trên thế giới, nhiều nơi còn tồn tại phong tục đàn ông năm thê bảy thiếp, nhưng có lẽ chuyện một người phụ nữ được lấy nhiều chồng, và những người chồng này thường là các anh em ruột thì không có nhiều.
Đất đai khan hiếm và thời tiết khắc nghiệt là những nguyên nhân chính của chế độ đa phu ở dãy Himalaya
Một trong số ít những nơi như vậy là các cộng đồng sống trên dãy Himalaya.
Theo khảo sát của nhà nhân chủng học Goldstein, tỷ lệ trung bình giữa phụ nữ và nam giới trong các cuộc hôn nhân ở đây là 1/2,35.
Với diện tích đất canh tác hết sức khan hiếm, nếu chia đất cho các anh em trai thì mỗi người chỉ được một khoảnh rất nhỏ. Ngoài ra, mùa đông khắc nghiệt của nơi đây khiến cho công việc đồng áng trở nên rất khó khăn, cần sự hợp sức của nhiều người.
Và đó là lý do ra đời chế độ đa phu, tức một người phụ nữ lấy nhiều chồng, và những người này thường là các anh em ruột của nhau.
Theo người dân địa phương, chế độ này còn có mục đích như một biện pháp tránh thai, kiểm soát số con sinh ra, để phù hợp với điều kiện hạn chế của các các tài nguyên thiên nhiên ở đây.
Vì nếu một người đàn ông có nhiều vợ, số con cái của anh ta chắc chắn sẽ nhiều hơn so với việc một người phụ nữ có nhiều chồng.
Ngoài ra việc nhiều anh em ruột lấy một người phụ nữ còn có mục đích bảo vệ tài sản gia đình gồm đất đai và gia súc không rơi vào tay người ngoài.
Nhà nhân chủng học người Mỹ Melvyn C. Goldstein. (Ảnh: Internet)
Trong suốt cuộc đời nghiên cứu của mình, có lúc nhà nhân chủng học Goldstein từng chứng kiến một người phụ nữ ở thung lũng Limi, phía Tây Bắc Nepal đã lấy tới năm người chồng, tất cả đều là anh em ruột với nhau.
Nam giới thường có bản năng sở hữu rất mạnh mẽ và không thích chia sẻ. Vậy những cuộc hôn nhân như thế này liệu có êm đẹp?
Tuy nhiên, người dân địa phương cho biết đó là điều tốt nhất cho sự tồn tại của họ, nên họ chấp nhận và không hề có chuyện ghen tuông hay mâu thuẫn giữa các ông chồng lấy cùng một người vợ.
Những chuyện không đâu có: "Lịch chăn gối", con gọi bố là chú...
Có lẽ không ở đâu khác mà phụ nữ có gia đình lại phải làm thêm một công việc này, đó là xếp lịch chuyện ân ái với nhiều người chồng sao cho công bằng nhất để không ai cảm thấy mình là người "bị bỏ rơi".
Những người phụ nữ sống trên dãy Himalaya thường phải quyết định xem mỗi tháng họ sẽ muốn quan hệ vào bao nhiêu ngày, rồi chia cho số chồng mà họ có sao cho đạt được sự công bằng nhất có thể.
Sau đó, họ phải nói chuyện với từng người chồng để khớp lịch với họ và có những thay đổi cho phù hợp.
Cũng có những trường hợp người vợ ngủ lần lượt với nhiều người chồng trong một đêm.
Tuy nhiên có một điều mà tất cả đều ngầm hiểu với nhau, đó là sự khoan dung, nhường nhịn và thấu hiểu giữa những người chồng với nhau và với người vợ. Đây cũng chính là bí quyết để họ có một cuộc hôn nhân êm đẹp.
Một gia đình tiêu biểu ở Nepal, với một bà vợ và hai ông chồng.
Chính vì chế độ đa phu nên người dân nơi đây cũng có những chuyện khó nói không giống ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Ví dụ như khi bạn đến chơi một người dân ở dãy Himalaya, đừng dại dột mà hỏi người phụ nữ chủ nhà rằng đâu là bố của từng đứa con của họ. Có thể họ biết, cũng có thể họ không biết, nhưng có một điều chắc chắn là họ sẽ không muốn nói cho bạn.
Ngoài ra, tất cả những đứa con của họ, dù bố đẻ của chúng là ai đi chăng nữa, cũng chỉ được gọi người chồng lớn tuổi nhất của mẹ chúng là bố, còn những người chồng sau đều chỉ được gọi là chú.
Xã hội thay đổi: Không cần chung vợ nữa
Ớ làng Tholang, thuộc thung lũng Lahaul, một trong những vùng đất xa xôi cách biệt nhất của Ấn Độ nằm trên dãy Himalaya, ông Sukh Dayal Bhagsen, 60 tuổi, đã cùng các anh trai mình làm chồng của một phụ nữ tên là Prem Dasi.
"Nếu lấy một người phụ nữ khác thì mâu thuẫn gia đình dễ xảy ra hơn" - ông Sukh chia sẻ.
Thế nhưng, đến thế hệ của các con ông Sukh, truyền thống "chung vợ" đang dần biến mất cùng với sự xuất hiện của giáo dục và các phương tiện thông tin đại chúng.
Những gia đình một vợ, nhiều chồng như thế này đang dần biến mất ở Himalaya. (Ảnh: Internet)
Neelchand Bhagsen, người con trai 40 tuổi của ông Sukh Dayal Bhagsen đã học lên cao, trở thành giáo viên, tự mua đất, xây nhà rồi lấy một người vợ và có cuộc sống riêng, không hề "chung đụng" với những người anh em khác của mình.
Anh Bhagsen cho biết: "Hệ thống đó (chế độ đa phu) đã có ích trong một thời gian. Nhưng với điều kiện hiện tại nó đã không còn phù hợp. Thế giới đã thay đổi".
Ở những nơi khác, ví dụ như Upper Dolpa, Nepal, sự thay đổi cũng đang diễn ra. Các gia đình sinh ít con hơn, và thường chỉ có một con trai nên tục lệ các anh em lấy chung một vợ cũng không còn tồn tại.
Theo soha.vn