Mẹ bầu suýt sẩy thai chỉ vì ham đi bộ "cho dễ đẻ"

Lý thuyết "đi lại nhiều cho dễ đẻ" không sai, nhưng vấn đề là mức độ như thế nào.

Khi bắt đầu mang thai, bạn luôn được khuyến khích nên đi thang bộ thay vì thang máy cũng như  tận dụng mọi cơ hội vận động để việc sinh nở dễ dàng hơn. Tuy nhiên, nếu đi bộ không đúng cách, mẹ bầu rất dễ đối diện với nguy cơ sinh non, thậm chí sẩy thai.

Trên VnExpress, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết cơ sở này từng tiếp nhận nhiều trường hợp có nguy cơ sẩy thai hoặc đẻ non do vận động, đi lại quá mức. Theo ông Tuấn, lý thuyết "đi lại nhiều cho dễ đẻ" không sai, nhưng vấn đề là mức độ như thế nào. Nếu thấy mệt thì đó là lúc nên dừng lại nghỉ ngơi, việc cố thêm sẽ dẫn đến quá sức.

Sự thái quá sẽ khiến cơ thể mỏi mệt, lợi bất cập hại, thậm chí gây chấn động cho thai nhi. Đặc biệt, ở những thời điểm nhạy cảm như tháng thứ 3, thứ 7, nguy cơ hỏng thai cao nên sự vận động cần nhẹ nhàng cẩn thận hơn. Vì vậy, tuy đi bộ là bài tập tim mạch tốt nhất cho phụ nữ mang thai, mang lại sự dẻo dai cho đầu gối, mắt cá chân, giúp mẹ bầu khỏe mạnh toàn diện nhưng mẹ bầu vẫn cần lưu ý những điều sau:

3 tháng đầu

Nếu chưa quen đi bộ trước đó, bạn hãy bắt đầu bằng những bước đi chậm rãi khoảng 20-30 phút mỗi ngày. Chỉ cần lưu ý mang giày đi bộ vừa chân và đem theo nước uống để tránh mất nước. Việc chọn không gian đi bộ cũng rất quan trọng. Hãy chọn nơi có không khí trong lành, nhiều cây xanh hoặc trong một khu trung tâm có điều hòa nhiệt độ.

3 tháng giữa

Giai đoạn giữa thai kì, cân nặng của mẹ bầu đã tăng lên đáng kể, vì vậy dáng đi cũng trở nên nặng nề hơn. Để tránh mỏi và đau lung, hãy giữ cằm thẳng, hướng nhìn về phía trước, giữ dáng người thẳng khi đi bộ để trọng lượng cơ thể được chia đều chứ không dồn về lưng gây đau mỏi.

3 tháng cuối

Khi gần đến ngày sinh nở, bạn vẫn có thể đi bộ nếu muốn, nhưng hãy đi gần hay xung quanh nhà để cảm thấy an toàn hơn khi biết rằng bạn sẽ không gặp khó khăn để gọi người thân trong trường hợp khẩn cấp.

Chú ý quan trọng

Hãy tự đưa ra một giới hạn phù hợp với cơ thể đang mang bầu khi đi bộ, không bao giờ đi bộ đến mức thở gấp hay khó thở. Tập hít vào sâu hơn không chỉ ở phần ngực mà cả ở phần bụng vì khi này lượng oxy đều đặn không chỉ cho cần riêng bạn mà cần cho cả thai nhi nữa.

Nếu bạn bị xuất huyết âm đạo, đau hoặc sưng bắp chân, chóng mặt, khó thở, co thắt sớm, nhịp tim nhanh bất thường, hoặc rò rỉ chất lỏng, hãy dừng bước ngay lập tức và gọi cho bác sĩ.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU