Anh Huỳnh Chí Viễn, tác giả sách, giáo viên tiếng Anh ở TP HCM
"Nhiều người Việt ở nước ngoài lâu năm nói rất tốt nhưng bảo viết một câu đúng ngữ pháp vẫn không viết được. Thậm chí, người Việt nói tiếng Việt thành thạo, sử dụng hàng ngày trong giao tiếp nhưng đụng tới viết thì vẫn viết sai cấu trúc câu như thường. Nhưng chúng ta không thể nói rằng người Việt nói tiếng Việt hàng ngày thành thạo nhưng không viết tốt tiếng Việt là đang nói "tiếng Việt bồi" được.
Các bạn trẻ ngày nay học tiếng Anh qua phim ảnh, video clip của người bản ngữ trên mạng nên sẽ không nói tiếng bồi đâu mà đôi khi còn nói giỏi hơn những thầy cô trước giờ chỉ biết dạy trong sách giáo khoa nhưng không hề có trải nghiệm giao tiếp thực tế", anh Viễn nói.
Khi nào nên chú trọng việc học ngữ pháp?
Trên thực tế, nghe, nói, đọc và viết là bốn kỹ năng mà bất kỳ ai học tiếng Anh cũng cần phát triển. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc học chú trọng về ngữ pháp hiện nay làm người Việt yếu kém trong giao tiếp tiếng Anh, chỉ một tỷ lệ nhỏ cho rằng vẫn cần đầu tư mạnh cho ngữ pháp và kỹ năng đọc, viết.
Theo thầy Viễn, đối với trẻ em thì mục tiêu học tiếng Anh lúc đầu là nghe nói tốt, nhưng nếu muốn học tiếng Anh để đi du học hoặc làm những công việc cần viết nhiều thì lúc này phải học ngữ pháp nghiêm túc.
Và độ tuổi thích hợp là từ 15-18 tuổi khi tư duy logic về ngôn ngữ đã tương đối ổn định để có thể hiểu được những cấu trúc ngữ pháp phức tạp. Còn sớm hơn thì sẽ hơi khó với các bé để có thể tiếp thu ngữ pháp một cách bài bản.
Đồng thời, nếu học ngữ pháp thì nên học bằng cách hiểu rõ logic ngữ pháp để viết và phải thực hành viết nhiều, đọc nhiều chứ đừng học theo kiểu học mẹo để làm trắc nghiệm trong các kỳ thi. Những mẹo này không thể giúp ích gì cho việc sử dụng ngữ pháp tốt để viết mà trái lại, đôi khi còn khiến người học hiểu sai bản chất của ngữ pháp.