Trẻ chuyển từ ăn cháo sang cơm là một bước tiến chứng tỏ bé đã lớn. Con đang dần hoàn thiện hệ tiêu hóa. Việc tập cho trẻ ăn cơm cũng giúp các chị em bỉm sữa được nghỉ ngơi hơn, khi mà không phải lích kích nấu đồ ăn dặm riêng cho bé nữa.
Tuy nhiên việc tập cho trẻ ăn cơm chưa bao giờ là điều dễ dàng. Bài viết dưới đây sẽ mách các mẹ bí quyết luyện con ăn cơm hiệu quả.
1, Giai đoạn phù hợp để bé bắt đầu tập ăn cơm
Việc đầu tiên và cũng quan trọng nhất là mẹ phải xác định thời điểm tập cho bé ăn cơm khi nào để chuyển từ ăn cháo sang cơm. Việc ăn muộn hoặc sớm quá đều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì khi đó con chưa có đủ răng để có thể nhai và nghiền nát thức ăn. Việc ăn cơm sẽ làm cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ bị tổn thương. Còn nếu ăn muộn quá bé sẽ khó thích nghi với việc nhai và trở nên biếng ăn, nhiều trường hợp còn ngậm cơm trong miệng lúc lâu mà không biết nhai, nuốt.
Khi trẻ được 12 tháng tuổi, song song với việc cho bé ăn cháo đặc, mẹ có thể tập dần cho bé ăn vài muỗng cơm trước bữa cháo. Các loại thức ăn như rau, cá, thịt, trứng… có thể cho bé tập nhai và làm quen dần. Đến 19 tháng tuổi, khi mà trẻ có từ 16 răng sữa trở lên, mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ làm quen với cơm nhão để bé cứng cáp, khỏe mạnh. Khi bé mọc hoàn thiện được khoảng 20 chiếc răng sữa bạn có thể bắt đầu cho bé ăn cơm mềm.
Sau khi trẻ được 30 tháng tuổi, phụ huynh có thể cho trẻ ăn cơm hạt bình thường. Tuy nhiên bạn nên chọn lọc các loại thức ăn dễ nhai nuốt hoặc băm nhỏ thức ăn cho trẻ.
2, Cách tập cho trẻ ăn cơm dễ dàng, đơn giản
+ Tạo không khí ăn cơm vui vẻ cho con
Nhiều mẹ chuyển đột ngột từ cháo sang sớm khiến bé chưa thể thích nghi dẫn đến việc sợ ăn. Mẹ hãy thêm vào cháo đặc 1-2 muỗng cơm. Càng về sau càng tăng dần lượng cơm lên một chút và bớt lượng cháo lại. Nên cho trẻ ăn cơm khi trẻ còn đói.
Những dụng cụ ăn của bé cần là loại nhựa tốt, an toàn và có hình thù ngộ nghĩnh để bé có hứng thú với bữa ăn hơn. Mẹ không nên xúc mà để bé tự lập. Nếu con lỡ tay làm rơi chén, hoặc ăn uống vương vãi, bẩn quần áo, mặt mũi... thì các bậc phụ huynh không nên nóng giận, la mắng bé. Thay vào đó, mẹ nên nhẹ nhàng, ân cần và dạy trẻ thói quen cẩn thận hơn những lần sau. Theo các chuyên gia, không nên để không khí gia đình quá căng thẳng vào những lúc bé ăn, để cho con tự lựa chọn thứ mà mình thích.
+ Tạo sự thích thú cho con trong bữa ăn
Mẹ cần thường xuyên thay đổi món để trẻ có cơ hội khám phá nhiều đồ ăn ngon, bên cạnh đó con sẽ không cảm thấy nhàm chán vì chỉ ăn mãi một món. Mỗi bữa ăn của trẻ nên có đủ tinh bột (cơm), chất đạm (thịt, cá, trứng, tôm, cua, đậu hũ...) và rau xanh. Sai lầm phổ biến mà nhiều bà mẹ mắc phải đó là thường nghiền cơm thật nhuyễn rồi chan nước canh vào. Cách làm này khiến cho trẻ rất dễ chán và không khuyến khích được cử động nhai ở trẻ.
Mẹ hãy để bé tự do lựa chọn món ăn ưa thích. Việc này sẽ tạo hứng thú giúp bé ăn ngon hơn và ăn nhiều hơn. Lưu ý: phải nấu thức ăn chín, kỹ, mềm. Những loại thịt như heo, bò, gà… thì phải băm nhỏ ra.
Với thức ăn kèm không nên lạm dụng quá nhiều đồ bổ dưỡng dễ gây các vấn đề tiêu hóa cho bé. Đặc biệt mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều. Vào giai đoạn mới tập cho bé ăn cơm, chỉ nên cho con ăn với lượng ít, giữ nguyên 2 bữa cháo, chỉ nên ăn một bữa cơm. Sau đó liên tục thay đổi bữa cơm, bữa cháo đặc để thay đổi cho bé dễ ăn.
Một bữa ăn chỉ kéo dài 30 phút, khi trẻ ngậm và không nhai thì nên kết thúc bữa ăn.