"Miếng đánh" đặc biệt giúp TP HCM phản ứng cực nhanh cắt đứt đường lây truyền, "khoá chặt" các ổ dịch

Trong đợt dịch thứ 4, TP.HCM là tỉnh thành tập trung đông dân cư nên được xếp vào nơi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh Covid-19. Trên thực tế khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, thành phố đã phản ứng rất nhanh "khoá chặt" ổ dịch.

Chuẩn bị mọi phương án, luôn có sự kiểm tra giám sát

Theo thông tin cập nhật mới nhất, trưa ngày 29/5, Thành phố đã ghi nhận thêm 22 trường hợp nhiễm mới trong cộng đồng. Tất cả liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng. Trong 22 trường hợp có 18 trường hợp đã được truy vết chuyển cách ly từ trước và 4 trường hợp có triệu chứng bệnh đến bệnh viện khai báo.

Như vậy từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã phát hiện 2 ổ dịch, tổng cộng 90 ca nhiễm. Trong đó chuỗi lây nhiễm huyện liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng là chuỗi lớn nhất với 85 ca bệnh, chuỗi lây nhiễm liên quan đến ca bệnh phát hiện tại BV Hoàn Mỹ có 5 ca.

Trao đổi với Ths.Bs Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM về vấn đề TP HCM đã có chiến lược gì để có thể nhanh chóng khống chế được các ổ dịch, bác sĩ Mai cho biết, trong cuộc chiến với SARS-CoV-2 mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng. Cũng giống như các tỉnh thành khác, TP HCM đã phát huy tinh thần 4 tại chỗ để khống chế dịch một cách nhanh chóng.

Lãnh đạo Sở Y tế xuống thực địa chỉ đạo truy vết.

Bác sĩ Mai cho hay, để có những "miếng đánh" đặc biệt trong cuộc chiến Covid-19 là quá trình chuẩn bị lâu dài của TP HCM. Trong 3 đợt dịch trước đây, TP HCM đã có những đợt tập duyệt, ban chỉ đạo liên ngành liên tục được cập nhật các quy định phòng chống dịch.

 

"Sở Y tế đã có những khuyến cáo phòng chống dịch cho các đơn vị bệnh viện lớn, nhỏ, phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố. Một trong những khuyến cáo đó là các đơn vị khám chữa bệnh phải có khu khám sàng lọc cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, các đơn vị phải chẩn bị sẵn khu cách ly cho tình huống có bệnh nhân nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 trong thời gian chờ kết quả khẳng định", bác sĩ Mai nói.

Trong đợt dịch lần thứ 4 xảy ra tại TP HCM có 4 chuỗi lây nhiễm:

- Chuỗi lây nhiễm tại một công ty ở quận 3 với hai bệnh nhân là BN4514, BN4583. Tất cả mẫu xét nghiệm tiếp xúc, xét nghiệm mở rộng liên quan đã có kết quả âm tính.

- Chuỗi lây nhiễm tại một quán ăn ở quận 3 gồm 5 bệnh nhân: BN4780, BN4781, BN4782, BN5392, BN5463.

- Chuỗi lây nhiễm liên quan đến Hội thánh truyền giáo phục hưng.

- Chuỗi liên quan đến ca bệnh đi khám tại BV Hoàn Mỹ. Các chuỗi lây nhiễm này đều được phát hiện tại bệnh viện.

"Ca bệnh đầu tiên được phát hiện khi tới khám tại BV Vinmec và một số ca gần đây được phát hiện khi tới bệnh viện Hoàn Mỹ. Khi có các ca bệnh nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2 các bệnh viện đều đã thực hiện theo đúng khuyến cáo", bác sĩ Mai nói.

Ứng dụng công nghệ thông tin từ bước khai báo y tế

 

Theo bác sĩ Mai, đợt dịch lần này thành phố có sự phản ứng nhanh nhạy và đã có sự chuẩn bị rất chu đáo. TP.HCM đã áp dụng hệ thống khai báo y tế QR-Code thông qua phần mềm. Thay vì sử dụng bản giấy sẽ mất công phải tập hợp nhập vào hệ thống, nếu có ca bệnh truy vết sẽ chậm.

Để có thể truy vết nhanh "thần tốc", Sở Y tế TP.HCM đã thành lập hệ thống quản lý với hồ sơ khai báo y tế. Người dân quét QR-Code tại nhà, khi vào tới vào bệnh viện, tại khu vực khám sàng lọc nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân nhấn check in (biết được giờ bệnh nhân đến).

"Khi bệnh nhân có check in nếu thuộc vào trường hợp nghi ngờ dương tính, ngành y tế có thể lấy giờ check in đó để truy vết tất cả các camera trong bệnh viện để biết ai đã tiếp xúc gần với bệnh nhân đó.

Điều thứ 2, trên phần mềm QR-Code đã có phân bổ đối tượng nguy cơ theo màu: đỏ, vàng, cam. Ví dụ, đối tượng có yếu tố dịch tễ, có dấu hiệu sốt ho, mất vị giác… sẽ thuộc vào màu đỏ.

Như vậy ngay ở bước ban đầu khi bệnh nhân tới check in viên y tế đã xác định được đây là đối tượng nguy cơ cao và sẽ chuyển ngay tới khu vực khám cấp cứu sàng lọc, không cho bệnh nhân đi lung tung. Nếu xảy ra trường hợp có ca nhiễm sẽ không phải cách ly cả bệnh viện", bác sĩ Mai nói.

Bác sĩ Mai cho biết thêm, khi bệnh nhân được khám sàng lọc nếu có kết quả dương tính do bác sĩ đã có bảo hộ cũng sẽ không phải cách ly. Nếu cứ có 1 ca bệnh, bác sĩ phải cách ly thì không còn người tiếp đón khám và điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Mai nhấn mạnh, phương pháp sử dụng khai báo y tế áp dụng công nghệ thông tin được áp dụng rất hiệu quả trong đợt dịch thứ 4 này tại TP.HCM. Hiện, hệ thống khai báo y tế bằng QR-Code máy chủ đặt tại sở y tế do đó sở sẽ nắm được hết thông tin về các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19.

Tất cả những biện pháp mà Sở y tế đã áp dụng ở trên không chỉ thực hiện ở các bệnh viện lớn, mà thành phố đã triển khai ở cả các phòng khám đa khoa. Để các phòng khám này có thể "bắt" được sớm nhất các trường hợp nghi nhiễm Covid-19. Nhờ đó có thể khoanh vùng và dập dịch nhanh nhất.

  •  

Ngoài ra, TP HCM cũng đã có sự phối hợp điều trị và dự phòng tất tốt. Tại một số bệnh viện khi có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19, một số bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm test nhanh hoặc thậm chí làm xét nghiệm PCR.

"Khi nghi ngờ có ca nghi nhiễm Covid-19, hệ thống y tế dự phòng tại TP HCM đã được "bật" lên, trong lúc đợt kết quả xét nghiệm khẳng định trường hợp đó sẽ được coi là F0. Lúc này Trung tâm kiểm soát dịch bệnh đã tiễn hành truy vết F1, F2, lấy mẫu, cách ly từng khu vực theo quy định của bộ Y tế và chính phủ.

Hiện tại, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM đã được kiểm soát tốt. Các anh em từ sở y tế, CDC, Trung tâm y tế thức cả đêm để tiến hành truy vết với F1, F2. Bệnh cạnh đó, chúng tôi cũng thực hiện lấy mẫu trên diện rộng sớm nhất và nhanh nhất các trường hợp nghi ngờ.

Thành phố tiếp tục tiến hành điều tra truy vết các trường hợp tiếp xúc, lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để đánh giá nguy cơ. Các biện pháp cắt đứt nguồn lây cũng như điều tra nguồn lây của các chuỗi lây nhiễm này đang được tiếp tục triển khai", bác sĩ Mai phân tích.

Ngoài công tác về chuyên môn thì ngành y tế cũng coi trọng vấn đề tuyên truyền cho người dân để người dân biết phòng ngừa dịch bệnh. Đánh giá tình hình thành phố có nguy cơ mầm bệnh đã có trong cộng đồng, người dân cần nâng cao cảnh giác nhưng cũng không hoang mang.

Tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của chính quyền và hợp tác với Ngành Y tế trong thực hiện phong toả, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.

Trung thực trong khai báo y tế về nguy cơ, yếu tố tiếp xúc của bản thân. Khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, mất vị giác, khứu giác… đi khám bệnh ngay và khai báo trung thực khi đến cơ sở y tế.

 

Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/mieng-danh-dac-biet-giup-tp-hcm-phan-ung-cuc-nhanh-cat-dut-duong-lay-truyen-khoa-chat-cac-o-dich-161213005082950505.htm

Theo ttvn.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU