Bắt nạt học đường từ bao thế hệ nay vẫn luôn là một vấn nạn dường như không thể chấm dứt hoàn toàn trong trường học. Không phải đến thời đại bây giờ bạo lực học đường mới xuất hiện, thế nhưng nó đã khác biệt rất nhiều so với thế hệ trước. Điều đáng nói là học sinh - những “nhân vật chính” và phụ huynh, thầy cô - những người có trách nhiệm lại có góc nhìn khác nhau trước câu chuyện bạo lực học đường này.
Trường học cũng là xã hội thu nhỏ
Cách giải quyết nạn bạo lực học đường vô cùng phức tạp, dù cho báo chí, các chuyên gia có đưa ra bao nhiêu gợi ý. Thực tế trong môi trường học tập cũng là một xã hội thu nhỏ, mà các nhân vật chính là những em học sinh ở lứa tuổi còn nhỏ, có thế giới quan và những tư tưởng khác với người lớn. Ở đây cũng có rất nhiều sự cạnh tranh, thất vọng và bất công như thế giới người lớn.
Những đứa trẻ dễ bị bắt nạt thường là “thế yếu” như có ngoại hình không đẹp, gầy yếu, tính tình nhút nhát, thành tích học tập không tốt, khả năng giao tiếp vụng về và quan trọng nhất là không có khả năng phản kháng.
Ảnh minh họa
Trong thế giới tưởng như hồn nhiên và ngây thơ của trẻ thơ, hóa ra từ rất sớm các em cũng đã phân chia chơi theo nhóm, khối, lớp và rất dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè mình. Hầu hết nạn nhân bạo lực học đường đều đã không dũng cảm đứng lên, và cả những người chứng kiến cũng không hành động vì lẽ công bằng. Các học sinh có thể thì thầm riêng về những vụ bắt nạt xảy ra xung quanh, nhưng hiếm khi nói với giáo viên của mình.
Khi những người xung quanh thờ ơ, ít đồng cảm và không lên tiếng, lâu dần tình trạng bắt nạt trở thành bầu không khí tự nhiên trong trường lớp. Thậm chí có em còn nảy sinh tâm lý thích thú khi thấy nỗi bất hạnh của người khác hay coi thường những bạn cùng lớp bị bắt nạt. Dưới sức ép như vậy, những đứa trẻ bị bắt nạt cũng cảm thấy “thấp kém”, hoang mang liệu có phải mình có lỗi và bất lực đến tận cùng.
Tâm lý từ bỏ phản kháng của nạn nhân cũng là một nguyên nhân tạo ra sự bắt nạt lặp đi lặp lại. Những đứa trẻ bị bắt nạt trong một thời gian dài thường bất lực, thu mình, tự ti. Chúng không chỉ lo lắng và sợ hãi trước sự tấn công của người khác mà nghiêm trọng hơn là tự ghê tởm và tấn công bản thân. Và trải nghiệm tinh thần tồi tệ này trên con đường trưởng thành có thể sẽ thay đổi hoàn toàn nhận thức về bản thân của một người trong tương lai.
Trong Doraemon, theo thống kê, Nobita đã bị Jaian đánh 1.173 lần, bị thầy giáo mắng 320 lần và 927 lần bị mẹ mắng. Từng có một câu chuyện cười lan truyền trên mạng nói rằng tập cuối của Doraemon là Nobita đang nằm trên giường tỉnh dậy và thấy mọi thứ chỉ là một giấc mơ. Không có chong chóng tre, không có cỗ máy thời gian, Doraemon chỉ là một anh hùng do cậu bé Nobita đen đủi tưởng tượng ra để cứu vớt tuổi thơ đau khổ của mình.
Có thể mọi đứa trẻ bị bạo lực học đường đều từng có một giấc mơ như vậy.
Dạy cho trẻ không bị bắt nạt
Trước khi cho con đi nhà trẻ, cha mẹ nào cũng ít nhiều lo lắng con mình sẽ bị các bạn mới bắt nạt. Mỗi vị phụ huynh sẽ lại có cách dạy con khác nhau trong lúc chúng còn là “trang giấy trắng”. Trong trường hợp con bị bạn đánh, có người khuyến khích con đánh trả, có người dạy con mách thầy cô, có người cho rằng đó là chuyện trẻ con không đáng đoái hoài.
Một đứa trẻ đau khổ và bất lực sau khi bị bắt nạt cần được gia đình an ủi và che chở, nhưng không phải ai cũng nhận được điều này. Chúng tiếp tục bị tổn thương một lần nữa bởi sự thờ ơ của gia đình. Đặc biệt, những câu nói như “Vì con nhát nên mới bị bắt nạt”, “Sao con không đánh trả?” hay "Tại sao bên kia chỉ bắt nạt mình con mà không bắt nạt người khác?" càng làm chúng thêm gục ngã.
Ảnh minh họa
Ngăn chặn bắt nạt và dạy trẻ em phải làm gì khi đối mặt với bắt nạt thực sự là một hành trình dài khó khăn. Nhưng có một cách có thể giải quyết nguyên nhân gốc rễ, đó là rèn luyện cho trẻ không dễ bị bắt nạt. Nói một cách đơn giản, con có thể không mạnh mẽ về thể chất như bạn, nhưng phải rất mạnh mẽ về tinh thần.
Trước hết, người lớn cần rèn luyện cho trẻ lòng tự tin. Khi đứa trẻ tin vào giá trị của bản thân, biết ưu điểm của mình thì sẽ không nhút nhát, dễ sợ sệt. Thứ hai, cần trau dồi kỹ năng giao tiếp của trẻ. Một đứa trẻ vui vẻ, chân thành, hay giúp đỡ, có một nhóm bạn thân, quan hệ tốt với mọi người sẽ khó là đối tượng bắt nạt. Ngoài ra, cha mẹ nên làm gương và trau dồi cho con cái kỹ năng cư xử với người khác và giải quyết xung đột. Hãy để trẻ phát triển ý thức về quy tắc, phân biệt đúng sai, không gây rắc rối.
Tất nhiên, ngay cả khi con cái của chúng ta phát triển toàn diện và cư xử tốt, chúng cũng chưa chắc an toàn. Bởi vì bạn không thể kiểm soát được sự độc ác của kẻ bắt nạt, chẳng hạn như các bạn có thể ghen tị với điểm số của con, không thích ngoại hình của con hoặc tẩy chay chỉ vì con là học sinh chuyển trường.
Dạy cho trẻ không bắt nạt người khác
Ngoài việc ngăn trẻ khỏi bị bắt nạt, việc ngăn trẻ trở thành kẻ bắt nạt cũng rất cần thiết.
Trên thực tế, các vụ bắt nạt cũng có thể gây hại cho những kẻ bắt nạt, và nhiều tội phạm vị thành niên bắt đầu từ bắt nạt học đường.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự chiều chuộng thường có xu hướng coi mình là trung tâm và do đó thiếu sự đồng cảm với bạn bè đồng trang lứa. Trong quá trình tương tác với người khác, chúng trở nên độc đoán hơn và họ có xu hướng dùng đến bạo lực hơn khi hành vi của người khác không phù hợp với mong muốn của họ.
Ảnh minh họa
Nhiều lúc, chúng chính là bản sao của cha mẹ. Khi lớn lên trong môi trường mà người lớn đã quen trút những cảm xúc không tốt của mình lên người khác, trẻ sẽ bắt chước và học theo. Ngoài ra, đối với những trẻ có ý thức đạo đức yếu kém, lệch lạc về giá trị, bắt nạt có thể phát triển thành một phương thức thể hiện bản thân. Các em sẽ nghĩ rằng việc bắt nạt người khác là rất quyền lực, qua việc bắt nạt, các em sẽ cảm thấy mình vượt trội hơn người khác.
Nhiều hành vi lệch lạc nghiêm trọng của trẻ cũng bắt nguồn từ sự đồng lõa của cha mẹ. Ở trường mẫu giáo, khi hay tin con bắt nạt bạn, nhiều phụ huynh sẽ cảm thấy đây như một câu chuyện cười và thậm chí còn đi “khoe” rằng còn mình mạnh mẽ, lanh lợi. Và để nạn bạo lực học đường chấm dứt, người lớn cần cố gắng tìm hiểu sâu hơn nữa thế giới của con trẻ thay vì cho rằng tất cả chỉ là “chuyện trẻ con mà thôi”.
Nguồn: Douban