Trễ giờ phỏng vấn xin việc, làm gì để cứu vãn?

(lamchame.vn) - Khi tham gia phỏng vấn xin việc bạn thường được khuyên nhất định không nên đến muộn. Bởi đến muộn, không những bị mất điểm trước nhà tuyển dụng mà bạn cũng không giữ được phong độ tốt nhất. Điều này khiến nhiều ứng viên lo sợ đến mức khi có nguy cơ đến muộn thì hủy luôn buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên, đến phỏng vấn muộn không đáng sợ như vậy. Bạn hoàn toàn vẫn có những cách xử lý cứu vãn tình hình để không bỏ lỡ cơ hội tìm việc theo ngành nghề yêu thích. Dưới đây là 5 bước, bạn có thể tham khảo.

Gọi điện sớm nhất có thể

Chắc chắn nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng không tốt với ứng viên khi đi muộn trong buổi phỏng vấn. Điều đó cho thấy, bạn chưa chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn.

Tuy nhiên, ngay khi biết mình sẽ đến muộn, bạn hãy gọi điện sớm nhất có thể để thông báo. Để ít nhất, nhà tuyển dụng sẽ không quá bực bội khi ngồi chờ bạn mà không rõ lý do là gì. Hoặc họ sẽ tận dụng khoảng thời gian “trống” đó để sắp xếp phỏng vấn ứng viên tiếp theo nếu có hay làm một công việc khác để không bỏ phí thời gian.

Nếu không có số điện thoại nhà tuyển dụng, bạn hãy gọi số hotline để kết nối với họ và thông báo đến muộn.

Cung cấp thời gian bạn sẽ tới

Sau khi thông báo đến muộn thì điều bạn cần làm tiếp theo không phải trình bày lý do đến muộn để thanh minh cho mình. Điều bạn cần làm là đưa ra khoảng thời gian sẽ đến. Nếu bạn chỉ muộn 5-10 phút nhà tuyển dụng sẽ chờ bạn. Nếu nhiều hơn, họ sẽ có phương án khác.

Việc của bạn là cung cấp khoảng thời gian và đó phải là thời gian sớm nhất có thể. Nhưng không có nghĩa, thời gian bạn có thể tới được nhà tuyển dụng chấp nhận. Họ còn phỏng vấn ứng viên khác. Kể cả không có lịch phỏng vấn thì họ cũng có công việc riêng. 

Do đó, khi đưa ra thời gian bạn có thể tới thì hãy hỏi nhà tuyển dụng liệu thời gian đó có phù hợp không. Đồng thời bạn cần thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy tinh thần sẵn sàng tham gia buổi phỏng vấn xin việc mới theo sự sắp xếp của họ.

Xin lỗi chân thành

Khi điện thoại thông báo tình hình, bạn cũng nên đưa ra lời xin lỗi ngắn gọn với nhà tuyển dụng vì sự cố không mong muốn. Nhưng khi gặp và đối diện với họ trong buổi phỏng vấn, bạn nên xin lỗi thêm lần nữa. Đồng thời, có thể trình bày lý do đến muộn nếu nguyên nhân đến từ yếu tố bất ngờ. Điều này giúp bạn được thông cảm hơn.

Các lý do như xe hỏng, tắc đường, va chạm giao thông... Đây là lý do khách quan nên bạn chỉ cần đưa thông tin ngắn gọn mà không nên giải thích thêm. Đừng đưa lý do như ngủ quên, không nhớ giờ phỏng vấn… Nó cho thấy bản thân bạn không coi trọng và nghiêm túc với cơ hội việc làm này.

Thực tế, nhà tuyển dụng không để ý quá nhiều đến lý do cụ thể. Nhưng họ lại quan tâm tới cách bạn xử lý một vấn đề cũng như cách nhận lỗi. Do đó, bạn tuyệt đối không nên đổ lỗi cho bên nào đó chỉ để chứng tỏ mình không có lỗi trong chuyện đi muộn. Bạn cũng không nên xin lỗi quá nhiều, vì tâm lý có lỗi cản trở bạn “thể hiện” trong buổi phỏng vấn xin việc. 

Tự tintập trung thể hiện

Chắc chắn bạn sẽ vội vã, lo lắng và có tâm lý có lỗi vì đến muộn. Điều này khiến bạn mất phần nào sự tự tin. Tuy nhiên, hãy dành ra một vài phút, hít thở thật sâu và lấy lại tinh thần. Bạn chỉnh trang lại quần áo, diện mạo và đối diện với nhà tuyển dụng với nụ cười tươi.

Ngay sau đó, hãy sử dụng kỹ năng giao tiếp và tập trung thể hiện bản thân để chuyển đổi trạng thái, chuyển sự chú ý nhà tuyển dụng vào năng lực của bạn.

Chắc chắn với màn thể hiện xuất sắc thì việc đi muộn của bạn sẽ “mờ nhạt” hơn thậm chí được nhà tuyển dụng bỏ qua.

Gửi thư cảm ơn sau phỏng vấn

Sau buổi phỏng vấn, bạn vẫn còn một cơ hội để ghi điểm với nhà tuyển dụng. Vậy nên thay vì bi quan và lo lắng vì lỗi đến muộn, bạn hãy tận dụng cơ hội này một cách tốt nhất.

Hãy soạn lá thư cảm ơn sau phỏng vấn thật súc tích và gửi tới nhà tuyển dụng sớm nhất có thể. Trong đó, bày tỏ sự biết ơn chân thành của bạn tới họ vì đã thông cảm, dành thời gian và cho bạn cơ hội tham gia buổi phỏng vấn. Trân trọng cơ hội này, bạn sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp cho doanh nghiệp nếu trúng tuyển.

Với 5 bước xử lý như vậy thì dẫu đi phỏng vấn xin việc muộn giờ, bạn vẫn còn đầy đủ cơ hội để trở thành người chiến thắng. Biết đâu, chính nhờ kỹ năng xoay sở khéo léo đó mà bạn lại gây ấn tượng mạnh và được nhà tuyển dụng lựa chọn.

           Nam Khánh

Gửi bình luận

(0) Bình luận

Xếp theo: Thời gian Số người thích

Bài viết chưa có bình luận nào.

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU

lên đầu trang