Một lần say gây tội và nỗi ân hận muộn màng của nữ tài xế BMW: "Nếu quay lại từ đầu, tôi sẽ không bao giờ lái xe"

Ngày thi hành án xong bị cáo sẽ đến từng nhà xin lỗi mọi người. Mong mọi người không sử dụng rượu bia, không nên đi giày cao gót khi lái xe", bị cáo Nga nói trước tòa.

"Để chị lo" và 8 tháng dư luận mong chờ một bản án công minh

Đêm 21/10/2018, chiếc ô tô của bà Nguyễn Thị Nga (46 tuổi, ngụ quận 12) đang chạy theo hướng Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Sài Gòn, khi đến vòng xoay Hàng Xanh đã tông liên hoàn vào 5 xe máy đang dừng đèn đỏ. Chiếc xe sau đó tiếp tục lao thẳng vào 1 chiếc taxi rồi mới dừng lại.

Hiện trường vụ tai nạn ở ngã tư Hàng Xanh.

Hậu quả khiến 1 phụ nữ tử vong tại chỗ, nhiều người khác bị thương cùng hàng loạt phương tiện nằm la liệt trên đường. Tại cơ quan công an khi đó, bà Nga có biểu hiện say xỉn, tới sáng hôm sau mới lấy được lời khai.

Thời điểm khi vừa xuống khỏi chiếc xế hộp đắt tiền sau khi gây tai nạn, nữ tài xế này rút điện thoại gọi cho người thân đồng thời nói "để chị lo". Câu nói này lập tức khiến những người chứng kiến vụ việc và cả dư luận phẫn nộ, cho rằng nữ tài xế có thái độ thờ ơ, cậy có tiền mà nghĩ có thể "một tay che trời".

Nguyễn Thị Nga sau khi gây tai nạn kinh hoàng hồi tháng 10/2018.

Dẫu những mát mát, đau đớn của những người ở lại vẫn còn âm ỉ khôn nguôi, nhưng rồi hơn nửa năm trôi qua, sự việc từng gây đau thương lớn trong dư luận, khiến cả xã hội dậy sóng phẫn nộ cũng gần như trôi vào quên lãng, chẳng mấy ai còn nhớ tới cái đêm kinh hoàng đó nữa. 

Cho tới khi cơ quan công an thông báo bắt tạm giam Nguyễn Thị Nga, dư luận một lần nữa được nhắc nhở về nỗi ám ảnh mang tên say xỉn lái xe và mong ngóng về một phiên tòa công bằng cùng hình phạt đủ tính răn đe nhằm phần nào đó giành lại công bằng cho những nạn nhân xấu số.

Sáng 17/06, TAND quận Bình Thạnh (TP. HCM) mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Thị Nga về hành vi "vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ". Trái với những nhìn nhận ban đầu của số đông dư luận, bị cáo Nga tỏ ra thành khẩn, thừa nhận hành vi lái xe sau khi đã uống rượu bia tại một buổi tiệc sinh nhật trước đó. Lý giải về nguyên nhân gây tai nạn, bị cáo nói do đi giày cao gót nên khi lái xe, gót giày đã vướng vào chân ga thay vì chân phanh khiến chiếc xe vọt đi mất kiểm soát. 

Trần tình về câu nói "để chị lo" từng khiến dư luận dậy sóng phẫn nộ, bị cáo Nga nói trước tòa rằng mình không hề có ý cậy có tiền, hay vô cảm trước nỗi đau của các bị hại.

"Thời điểm bước xuống gọi điện thoại cho người thân, bị cáo không hề biết có người nằm chết dưới xe mình, tâm trí bị cáo không nghĩ đến gì khác, câu nói đó chỉ là muốn nói sẽ có trách nhiệm với những gì mình đã gây ra".

Nói đến đây, bị cáo Nga bật khóc.

Bởi vì quá muộn để trở lại, để nói "giá như"

Trong suốt quá trình xét xử, bị cáo Nga tỏ ra vô cùng hối hận, luôn cúi gằm mặt, thi thoảng lại quay xuống nhìn người nhà nạn nhân và nhiều lần rơi nước mắt.

Tuy nhiên, tất cả đều đã quá muộn màng.

Bị cáo Nga bật khóc trước tòa.

Sau hơn 3 giờ đồng hồ luận tội, HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là cố tình, gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm tới tính mạng của người khác. Mặc dù gia đình nạn nhân đã có đơn xin bãi nại, tuy nhiên xét thấy bị cáo có tình tiết tăng nặng do lái xe trong tình trạng say xỉn, dù biết trước việc vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm. Hậu quả để lại cho gia đình nạn nhân là rất lớn, cần phải cách ly bị cáo ra khỏi xã hội 1 thời gian mới đủ tính răn đe.

Bên cạnh đó, Tòa cũng nhận định không đủ cơ sở để xem xét cho bị cáo hưởng án treo như đề nghị của luật sư bào chữa.

Từ những phân tích trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Nga 3 năm 6 tháng tù giam.

Cũng tại phiên tòa, Chủ tọa công bố người thân của bị cáo đã bồi thường cho gia đình chị P., anh D. mỗi trường hợp 1 tỷ đồng, anh T. 800 triệu đồng. Ngoài ra, một số bị hại khác cũng đã được bồi thường và có đơn xin bãi nại cho bị cáo.

"Bị cáo biết hành vi của mình và tiền không thể nào bồi thường được tính mạng, sức khỏe cho bị hại… Tiền đó chỉ mong bù đắp cho gia đình bị hại chút tinh thần, bị cáo mong sau này trở về có thể là một thành viên trong gia đình của họ", bị cáo Nga nói trước tòa.

Khi được nói lời sau cùng trước khi nghị án, bị cáo xin lỗi gia đình các bị hại, xin lỗi dư luận xã hội vì tai nạn kình hoàng do mình gây ra. Bị cáo cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để sớm được về với gia đình, có cơ hội để bù đắp cho người thân các nạn nhân.

"Sau khi thụ án xong, bị cáo sẽ đến từng nhà nạn nhân để xin lỗi", bị cáo Nga nghẹn ngào.

Trong ánh mắt như mờ đục đi vì những giọt nước mắt ân hận xuyên suốt phiên tòa của bị cáo, người từng là doanh nhân thành đạt, ở nhà lầu, đi xe sang và cuộc sống gia đình hạnh phúc bên chồng con, người ta thấy khắc khoải rất nhiều cái "giá như".

Giá như sau chầu nhậu đêm hôm ấy bị cáo đi taxi về nhà, giá như bị cáo ý thức được hành vi sai trái của mình thay vì tự nhủ "không sao đâu, mình lái được mà"... thì có lẽ mọi việc đã khác. Đã không có ai phải bỏ mạng oan ức, không người nào phải chịu đau đớn hay mất mát, không ai phải xin lỗi ai.

Tất nhiên, như 1 quy luật bất biến của không-thời gian, "giá như" chẳng hề tồn tại, có chăng nó chỉ leo lắt trong tâm trí mỗi người khi nhắc tới những chuyện đáng tiếc trong quá khứ mà thôi.

Trước mắt bị cáo bây giờ là chuỗi ngày dài trong trại giam để suy nghĩ về những mất mát không thể bù đắp mà bị cáo gây ra cho gia đình bị hại. Trong suốt thời gian đó, chồng và con của bị cáo sẽ không có được sự quan tâm, săn sóc từ người vợ, người mẹ. Đó cũng là một mất mát không hề nhỏ, là bản án lương tâm sẽ giày vò tâm trí bị cáo suốt thời gian thụ án.

"Mong mọi người không uống rượu bia, không đi giày cao gót khi lái xe"

Không riêng gì vụ việc lần này, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm mà nguyên nhân là do lái xe khi say xỉn, nhan nhản xuất hiện trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, báo đài, mạng xã hội... không thể biện minh rằng các bị cáo không nắm được những thông tin đó. Vậy mà, tình trạng lái xe khi vừa uống rượu bia vẫn cứ diễn ra hàng ngày, hàng giờ và dân trở thành một vấn nạn của xã hội.

"Không bao giờ bị cáo muốn đứng ở phiên tòa hôm nay. Ngày thi hành án xong bị cáo sẽ đến từng nhà xin lỗi mọi người. Mong mọi người không không sử dụng rượu bia, không nên đi giày cao gót khi lái xe. Mong tòa khoan hồng cho bị cáo mức án nhẹ để sớm trở về lo cho con cái và nhân viên của mình", bị cáo Nga nói trước tòa.

Có lẽ không có ai trong phiên tòa sáng 17/06 phù hợp hơn chính bị cáo để nói về tác hại, và những hệ lụy đau lòng mà việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia gây nên. Việc say xỉn khi lái xe có thể biến một công dân bình thường, 1 nữ doanh nhân, 1 người vợ, người mẹ... thành 1 phạm nhân, khiến một gia đình mãi mãi không bao giờ trọn vẹn nữa. Chính vì vậy, cần xem việc lái xe khi đã sử dụng rượu bia là một tội ác. 

Thiết nghĩ, phiên tòa hôm nay không chỉ của riêng bị cáo Nga, mà mỗi chúng ta đều cần nhìn vào đó để tự vấn chính mình, về trách nhiệm với xã hội mỗi khi ngồi trước vô lăng.

Khi mà thái độ bất chấp, những cái "tặc lưỡi" kiểu "tôi không say đâu, tôi lái được" tuôn ra một cách vô trách nhiệm vẫn còn đó thì những tai nạn thương tâm như một mối tai ương, rình rập chính chúng ta mỗi khi ra đường.

Say xỉn lái xe là tội ác - Thông điệp đang được huởng ứng mạnh mẽ trên MXH cũng chính là tên chuyên đề của Kenh14 nhằm kêu gọi bất kỳ ai trong số chúng ta: Không lái xe sau khi uống bia, rượu.

Trong chuyên đề lần này, chúng tôi đưa đến những câu chuyện của chính người trong cuộc, những chia sẻ đau lòng và bao nỗi mất mát tang thuơng mà người ở lại phải gánh chịu, cùng với những thông điệp mà các nhà báo, chuyên gia giao thông muốn gửi gắm, để góp phần thay đổi nhận thức mỗi người. Bởi chính chúng ta - không chỉ trở thành nạn nhân mà còn có thể gây tội ác từ việc cầm lái trong cơn say.

 

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU