Nếu là người thích ăn cơm chan canh thì đừng bỏ qua phần “canh" ít ỏi của món ăn này. Đem chan vào với cơm gạo dẻo thì đúng kiểu một cái kết hoàn mĩ.
Vẫn còn rất nhiều phiên bản khác hoặc các món khác gần giống Canh thang mực
Trong bài phỏng vấn Tết, NSND Lê Khanh có kể về một món ăn quen thuộc của nhà cô, gọi là canh bóng mực. Phần nước canh được gia đình cô đặc biệt chú trọng: nước xương gà đun xong thì phải để cho nguội, cho vào tủ lạnh để mỡ nổi lên rồi hớt hết ra, sau đó thả mực khô đã nướng vào nồi nước. Tiếp đến, măng khô xé thật nhỏ, su hào, cà rốt thái hoa vuông hoặc hoa tròn cho vào. Một vài cánh đậu Hà Lan, bóng thái ô quả trám vừa gắp và vừa đúng một miếng cho đỡ phải cắn. Sợi mực sau đó mình thái chỉ nhỏ ra, xong xào qua lên, rắc ở trên cùng một chút trứng tráng mỏng và vẩy thêm một chút lá mùi.
Hay cũng trong dịp Tết vừa rồi, có một tài khoản Tik Tok chia sẻ về món ăn gọi là Canh mực nấu rối hay còn gọi là Mực nấu thượng thang - đây là một món nước. Bao gồm: gà luộc xé nhỏ, giò lụa thái chỉ, trứng tráng mỏng thái sợi, su hào - cà rốt thái chỉ. Nước dùng gà thì cho thêm gừng đập dập, râu mực nướng chín và một chút nấm hương. Còn với mực khô thì cũng ngâm mềm, thái chỉ và xào qua. Sau đó, xếp mỗi thứ vào một góc bát rồi chan nước là xong.
Qua đó, để thấy được rằng, kho tàng ẩm thực của Việt Nam nói chung và người Hà Nội xưa nói riêng thật phong phú. Dù cho thế nào thì mỗi món ăn đều mang trong mình sự tinh tế, đẹp mắt nhưng lại vô cùng ý nhị - hãy cứ dùng điều này để soi chiếu xem các món ăn có phải là nguyên bản hay không.
Và xin được dùng chia sẻ của bếp trưởng Sam Trần (một trong số 4 người nhận sao Michelin đầu tiên ở Việt Nam) để thay cho lời kết: “Các món ăn truyền thống là một cái gì đấy rất thiêng liêng và bản thân nó đã cực kì tròn trịa, đủ đầy ý nghĩa văn hóa. Tất cả mọi thứ đã ở ngưỡng đỉnh cao của sự hoàn hảo rồi”. Chúng ta nên trân trọng, giữ gìn, chứ đừng biến nó thành một cái gì khác.