Ảnh minh họa
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại các vị trí như:
- Chuyên gia thiết kế tại các công ty truyền thông, quảng cáo, nhà xuất bản, tạp chí…
- Có thể tự thành lập doanh nghiệp, các công ty thiết kế, dịch vụ studio hoặc tư vấn, giảng dạy tại các trường học, trung tâm, CLB…
- Làm việc với các vị trí thiết kế hoặc quản lý thiết kế tại các công ty trong và ngoài nước.
- Khả năng học tập nâng cao trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ sau khi ra trường và tham gia giảng dạy ở các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành thiết kế đồ hoạ.
> Trường đào tạo: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc TPHCM, Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội,...
Thiết kế nội thất học những gì?
Thiết kế nội thất là ngành tổng hợp của nghệ thuật, mỹ thuật và khoa học kỹ thuật dựa trên sự phối hợp hài hòa màu sắc, ánh sáng, thẩm mỹ kiến trúc, các vật trang trí để tổ chức không gian sống, không gian làm việc, không gian thư giãn,... sao cho đẹp, phù hợp và hiệu quả đối với các hoạt động của con người được xảy ra ở đó, đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng không gian.
Khi học ngành này, sinh viên được đào tạo kiến thức nền tảng về mỹ học, nghệ thuật, văn hóa, lịch sử mỹ thuật Việt Nam và thế giới; kiến thức chuyên sâu về nguyên tắc tổ chức không gian, quy luật thẩm mỹ về hình khối, phối cảnh, phong thủy, bố cục tạo hình, nghiên cứu màu, ánh sáng, âm thanh, phong cách nội thất, vật liệu xây dựng, công nghệ sản xuất,…
Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân thiết kế nội thất có thể đảm nhận những vị trí công tác sau:
- Chuyên viên thiết kế nội - ngoại thất của các dự án: nhà ở, biệt thự, chung cư, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,… tại các công ty thiết kế nội thất, xây dựng, kinh doanh vật liệu nội thất.
- Nhân viên tư vấn thiết kế cho các công trình dân dụng và công nghiệp: nhà ở, khách sạn, trường học, văn phòng, bệnh viện, nhà máy, khu triển lãm,…
- Tự thành lập công ty riêng hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, tư vấn thiết kế và kinh doanh các hạng mục nội - ngoại thất.
> Trường đào tạo: Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Đại học Mỹ thuật TP.HCM, Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH),...
Thiết kế thời trang học những gì?
Thiết kế thời trang là ngành tạo ra quần áo, phụ kiện may mặc nói chung, có thể chuyên về thời trang cao cấp, quần áo may sẵn, quần áo đại trà, quần áo dạ hội, đồ thể thao, giày dép, phụ kiện, trang sức… Người học thiết kế thời trang phải nghiên cứu các xu hướng thời trang để tạo ra các thiết kế tương lai, phục vụ nhu cầu may mặc của cộng đồng. Họ thường dựa vào phần mềm thiết kế để thể hiện ý tưởng của mình ra trang giấy, sau đó lựa chọn chất liệu vải và tiến hành dệt may để tạo ra một thành phẩm hoàn chỉnh.
Sinh viên theo học ngành này, bên cạnh việc được đào tạo khả năng cảm thụ và nắm bắt các xu hướng thời trang đương đại; khả năng hoàn thiện tác phẩm theo một quy trình khép kín: phác thảo ý tưởng, chọn nguyên liệu, thiết kế rập - cắt - may, thiết kế phụ trang, thực hành trang điểm; nắm vững kiến thức quản lý chất lượng, quản lý thương hiệu thì còn được cung cấp những kỹ năng hỗ trợ như trang điểm, nhiếp ảnh, thiết kế và phối hợp phụ trang,… để có thể tự tin làm việc ở tất cả các khâu của lĩnh vực thời trang.
Sinh viên tốt nghiệp có thể:
- Làm chuyên viên thiết kế, quản lý thương hiệu tại các công ty thiết kế, các thương hiệu thời trang trong nước và quốc tế.
- Làm chuyên gia nghiên cứu, quản lý và dự báo xu hướng thời trang; chuyên gia tư vấn tạo mẫu, nhà tạo mẫu độc quyền tại các công ty thời trang.
- Các bạn cũng có thể trở thành Giám sát sản xuất quy trình may công nghiệp tại các công ty, cơ sở may mặc hoặc làm việc ở lĩnh vực tư vấn thời trang, chuyên phụ trách báo thời trang hoặc kinh doanh thời trang...
- Nếu thật sự xuất sắc, bạn sẽ có cơ hội làm việc cho những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới hoặc tạo dựng nhãn hiệu thời trang của riêng mình.
> Trường đào tạo: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Mỹ thuật công nghiệp,...
Thiết kế trang sức học những gì?
Thiết kế trang sức là ngành học về quá trình sáng tạo, phác thảo và phát triển mô hình về mặt chức năng và thẩm mỹ cho trang sức. Cụ thể nhà thiết kế trang sức sẽ nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, khách hàng; nghiên cứu các đặc tính của vật liệu; phác thảo hình dáng chung, kích cỡ, trọng lượng, màu sắc, chất liệu; xây dựng bản vẽ chi tiết; tạo mô hình thực hoặc mô hình trên máy tính. Từ các bản vẽ, mô hình này, trang sức sẽ được làm ra.
Chất liệu sử dụng trong ngành công nghiệp này ngày càng phong phú. Không chỉ từ vàng bạc, kim cương mà còn từ nhiều loại đá quý thiên nhiên và nhân tạo khác, cho đến các loại kim loại, hợp kim, gốm, sành sứ, ngọc trai, vỏ trai, gỗ và hiện xuất hiện xu hướng trang sức từ các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường.
Các thiết kế của nhà thiết kế trang sức có thể được sản xuất với số lượng lớn (thường gọi là trang sức đại trà) hoặc với số lượng giới hạn hoặc duy nhất (trang sức thiết kế) hoặc thiết kế theo đơn đặt hàng riêng.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Thiết kế trang sức có thể đảm nhận các vị trí: Chuyên viên thiết kế trang sức cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang hoặc trang sức; Nghệ nhân trang sức độc lập; Nhà bán buôn hoặc Nhà nhập khẩu đồ trang sức; Nhà phân tích hoặc Nhà giám định đá quý; Đại lý đá quý (hoặc thậm chí là nhà sưu tập); Bán lẻ đồ trang sức chuyên nghiệp; Chuyên gia quản lý trang sức bán lẻ; Tự kinh doanh các món đồ trang sức; Chuyên viên thiết kế trang sức cho các nghệ sĩ hoặc nhân vật của công chúng.
> Trường đào tạo: Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội