Mùa Hè ở Hà Nội mà không đi ăn những món này thì ôi thôi thật phí!

Giữa tiết trời mùa hè oi nồng của Hà Nội, nếu còn băn khoăn chẳng biết ăn gì thì đây chính là gợi ý dành cho bạn đó.

Đặc sản những ngày đầu hè của Hà Nội là oi. Oi từng góc, oi khét mù, oi đến độ chỉ từ phòng điều hoà đi ra thang máy cũng đủ để bạn vắt được một xô nước mồ hôi vắt ra ở lưng áo. 

Cũng vì oi, người ta lười ăn hơn hẳn. Kể cả cộng đồng không ngớt nổi miệng mồm cũng phải dè chừng mỗi khi tính đi ăn cái gì đó. Phần vì trời nóng cháy da cháy thịt, phần vì không biết nên ăn món gì cho đỡ cảnh lấm tấm mồ hôi. 

"Thời tiết này, trừ kem trừ chè ra, biết ăn cái gì cho mát?" vẫn luôn là câu hỏi thường trực của tất cả mọi người. Chúng ta không thể ăn chè, ăn kem vào bữa sáng bữa trưa rồi đợi tới tối mát mới ăn cơm được. 

Mùa Hè là mùa của những thức ăn chơi, nhất là ở cái xứ Hà Thành này. Tạm gác lại nem rán, thịt xiên ăn mãi cả năm rồi, Hà Nội mùa hè có lắm thứ ăn vui mà nếu như không tìm hiểu kỹ càng, chịu khó lội từng con ngõ nhỏ thì nhiều người cũng chẳng biết đâu. Nên lần này, hãy lang thang phố cổ, tìm đến các hàng quán nhỏ nhỏ thôi, ăn mấy món nhẹ nhàng rất Hà Nội này nhé. 

Nói không phải quá chứ ở Hà Nội bây giờ có ối người còn chẳng biết bánh đúc nộm là gì. Bánh đúc người ta chỉ nhớ mỗi bánh đúc chấm tương, hay bát bánh đúc nóng hôi hổi Lê Ngọc Hân hay Nghĩa Tân thôi chứ.

Bánh đúc, mà lại còn làm nộm, nghe lạ tai, mà thực cũng chẳng lạ lùng.

Dạo hai mươi hay ba mươi năm về trước, khi phố phường Hà Nội vẫn chưa ngập tràn hàng quán ăn uống tấp nập như bây giờ, người ta vẫn còn quen thuộc với những gánh bánh đúc nộm giữa ngày hè. 

Gánh bánh đúc nộm, bên nồi nước dùng, bên miếng bánh đúc trắng ngần cùng thật nhiều rau sống, mấy cái bát, vài đôi đũa... cứ thẩn tha đi dọc hết con phố này qua đến con phố khác. 

Bây giờ, tuy chẳng còn những gánh hàng giống hồi trước, nhưng nhiều hàng bánh đúc vẫn bán món này để phục vụ cho những thực khách yêu thích món ăn dân dã thời xưa, hay là cho những ai suốt ngày băn khoăn chẳng biết trời nắng nóng thế này nên ăn gì?

Ừ thì, bánh đúc nộm trông như thế này đây. 

 

Nghe thì tưởng món gì lạ lùng lắm, nhưng kỳ thực, bánh đúc nộm đơn giản vô cùng. Vẫn là những miếng bánh đúc trắng ngần, thay vì để cả miếng bẻ ăn thì sẽ được cắt nhỏ ra, rồi cho vào chiếc bát cùng thật nhiều giá đỗ luộc sẵn, sau ấy mới rưới lên mấy muôi nước dùng trắng đục mát lành, thơm thơm mùi vừng xay lại quyện thêm ít hơi của rau thơm rau sống. 

 

Chưa hết, bát bánh đúc nộm còn phải rắc thêm ít lạc rang lên trên, vừa để trang trí cho đẹp mắt, mà đặc biệt là khiến cho hương vị thơm hơn, trở nên hấp dẫn và đưa vị hơn.

Một chút sần sật, một chút thơm thoảng, một chút hăng chát nhẹ, lại có thêm vị bùi bùi. Cả mùa hè quyện hoà trong từng thìa nộm bánh đúc là đấy chứ đâu. 

Bánh đúc nộm ăn chẳng để no, mà để ăn chơi, ăn hương ăn hoa, ăn cho nịnh nọt cái dạ dày đang phát điên vì oi bức. Ngồi xuống gánh bánh đúc nộm, đợi cô chủ hàng cắt cho xong một suất, cứ đủng đỉnh gắp ăn, rồi ngắm đường ngắm phố, hóng chút gió trời thi thoảng phẩy qua, chép miệng nhìn mấy anh chị đang nhăn mặt vì nóng, thế thôi là thấy cưng mùa Hè thêm mấy tí.

Trời nóng làm người ta thấy lười khi nhắc đến các món nước. Và nếu muốn ăn, 10 người thì hết 8 người sẽ hô to ăn bún!

Ở Hà Nội có vô vàn loại bún. Bún thang, bún đậu, bún bung, bún bò, bún chả, bún ngan, bún riêu, bún cá... tràn ngập trong các hàng quán trên khắp các mặt phố. 

Và món bún đắt hàng nhất khi tiết trời đã nắng chói chang phải là món nào có vị chua chua thanh thanh để gột đi phần nào sự oi bức hằm hè. Bún ốc bởi thế cũng thành vedette của ẩm thực mùa hè. 

Tuy nhiên, giời này, hãy đi ăn một bát bún ốc nguội. 

Người ta gọi bún ốc nguội là "món quà trứ danh đất Hà Thành" không phải để cho vui miệng. Nhìn tô bún giản đơn thế thôi, nhưng chứa đựng bao nhiêu tinh hoa của tính cách con người nơi Thủ Đô ngàn năm văn hiến đấy.

 

Và cho đến bây giờ, bát bún ốc nguội không chỉ là để ăn cho no hay cho bõ cơn thèm. Bún ốc nguội còn là để hồi tưởng, để thêm yêu thương cái nền ẩm thực phong phú, tinh tế của mảnh đất thủ đô ngàn năm văn hiến.

 
Bát bún ốc nguội vốn chẳng cầu kỳ. Không ngổn ngang những thịt thà giò chả như bún ốc nước bây giờ, một tô bún ốc nguội nhìn qua có vẻ hơi nhàm chán với chỉ loe ngoe vài ba con ốc béo, nằm chơi vơi giữa mấy muôi nước dùng thẫm màu, thi thoảng thấy "chạy qua hàng cà chua" cho có màu, có vị. 

Nước dùng chính là nước luộc ốc thanh thanh, thêm chút vị dấm bỗng và ít ớt chưng thôi nhưng tạo nên hương vị vô cùng đặc biệt. Chính để bù đắp cho sự nghèo nàn trong phần "nhân" ấy, người ta tập trung thật nhiều vào phần nước dùng. Bao nhiêu cái tinh tế của người Hà Nội thể hiện hết trong cái cách họ gia giảm gia vị, thêm tí ớt, bớt chút giấm đi, rồi nêm nếm một hồi, đưa ra một bát nước vừa thơm, vừa ngọt, xíu cay, lại có chút ngậy.

Một điểm quan trọng nữa, ấy chính là nước dùng phải nguội chứ chẳng nóng hôi hổi để "vừa thổi vừa ăn" như bao loại bún khác. 

Chẳng thế mà người ta yêu thích món bún này vào mùa hè, và cũng gọi bằng cái tên là bún ốc nguội.

Một thứ không thể thiếu nước chính là đĩa bún rối cùng đĩa rau sống đi kèm. Ít xà lách, ít rau thơm, ít rau chuối thái rối... vừa làm dậy hương vị của món bún ốc, cũng vừa tạo cho người ta cái cảm giác mát lành hơn khi ăn một món ăn giữa buổi trưa hè oi nồng.

Một trưa hè nóng sực, lại băn khoăn chẳng biết ăn gì, sao không ghé một bún ốc nguội và gọi một suất. Trông thế mà ngồi xì xúp chấm chấm húp húp cũng có ối điều hay đó.

Trời nóng, nhắc đến đậu xanh là đã thấy mát rồi!

Ngày xưa, thời còn chưa khá giả gì, người ta chẳng có nhiều món ăn "xôi thịt" như bây giờ. Những món như cháo gà, cháo tim, cháo sườn... được xem như một thứ vô cùng xa xỉ, chỉ nhà giàu mới có mà ăn.

Người không giàu thì ăn cháo đâu xanh là nhiều. 

Cháo nấu đơn giản lắm. Cứ bỏ gạo và đậu xanh vào ninh nhừ cho đến khi bát cháo đặc keo lại và toả ra thứ mùi hương thơm lừng hấp dẫn. Gạo nở thơm, đậu xanh bở và nhuyễn thì nồi cháo gọi là ngon. Ngoài đậu xanh, các hàng cháo còn thường nấu thêm cả đậu đen để cho thực khách có thêm nhiều lựa chọn.

Điểm đặc biệt nhất của món cháo này chính là những thứ ăn kèm. Lần đầu tiên ăn, chắc nhiều người sẽ thấy bất ngờ khi lại ăn cháo đậu với... đậu tẩm hành và cà muối.

 

 

Cháo đậu, vì khi nấu chẳng cho gia vị gì nên nếu ăn không thì sẽ thấy nhạt. Bởi vậy mà người ta cần đến những thứ ăn kèm này. Vẫn toàn là những thứ thật bình dị: đậu rán rồi tẩm gia vị và ít hành tươi, mấy quả cà nén kỹ, tựu chung cũng chỉ là lấy hết những món còn trong mâm để ăn cho hết cháo, vậy mà kết hợp với nhau lại ra hương vị ngon không ngờ. 

Cho tới bây giờ, phần "topping" ăn kèm đã trở nên phong phú hơn. Một số hàng cháo sẽ có  trứng vịt muối, hay trứng bắc thảo để khách có thêm nhiều lựa chọn ăn kèm khác. 

Mùa này, có bát cháo đậu nguội ăn với cà nén và đậu tẩm hành thì cứ gọi là nhất. Vừa ngon, vừa dễ ăn, lại mát, hấp dẫn chẳng thể chối từ.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU