Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu dự họp cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận như trên.
Việt Nam đang tiến tới những bước cuối cùng để mua được vắc xin của Pfizer
Theo thông tin từ văn phòng Chính phủ, chiều ngày 17/5/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer.
Tham dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp.
Vắcxin Covid-19 do Pfizer và BioNTech phối hợp phát triển.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế đã báo cáo về phương án mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer; Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định là Công ty Pfizer không chấp nhận đàm phán về giá, các điều kiện hợp đồng và bên Việt Nam phải trả lời Công ty Pfizer chậm nhất trong ngày 18/5/2021.
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận: Trong điều kiện "chống dịch như chống giặc", khan hiếm vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn cầu, để sớm có vaccine và tiêm cho nhân dân theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế và các Bộ, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm vì sức khỏe nhân dân, sức khỏe cộng đồng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cùng cộng đồng trách nhiệm, thống nhất thực hiện các giải pháp để có vaccine sớm nhất.
Đây là tình huống cấp bách, vì thế việc mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay.
Tất cả những thông tin về việc Việt Nam liệu có đạt được hợp đồng với mua vaccine phòng COVID-19 của Công ty Pfizer hay không, đến nay vẫn đang rất được chờ đợi.
Con đường mua vắc xin phòng Covid-19 của Việt Nam
Trước khi có thêm bất kỳ nguồn cung vắc xin nhập khẩu nào đó, người Việt Nam đang coi tin mới nhất về vắc xin Covid-19 trong ngày 16/5 là một tin vui.
Kho lạnh của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa tiếp nhận 1.682.400 liều vắc xin Covid-19 do COVAX Facility tài trợ cho Việt Nam.
GS. TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW bình luận về sự kiện này: "Đây là cả một niềm vui bởi lúc này vắc xin về được bao nhiêu quý bấy nhiêu".
"Nhưng con số này vẫn chẳng là gì so với nhu cầu được tiêm chủng của cả trăm triệu dân", PGS, TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia cho biết.
Trong bối cảnh cả thế giới cùng tìm kiếm vắc xin tại cùng một thời điểm như hiện nay, ngay từ đầu Việt Nam đã chọn song song hai con đường để tiếp cận vắc xin phòng Covid-19.
Thứ nhất, Bộ Y tế tăng cường đàm phán với các đối tác, quốc gia sản xuất và cung ứng vắc xin khác nhau trên thế giới nhằm hiện thực hóa khả năng nhập khẩu vắc xin về Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Thứ hai, thúc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước. Thậm chí Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 và bố trí nguồn lực thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tuy nhiên, so với dự kiến ban đầu, nhiều nguồn cung bên ngoài đang trễ hẹn", một nguồn tin từ Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay. "Mặc dù Chính phủ đã huy động được nguồn kinh phí rất lớn để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu vắc xin, số tiền ước lên tới 600 triệu USD".
Chẳng hạn, lô vắc xin đầu tiên trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều của COVAX Facility sẽ về Việt Nam vào cuối tháng 3-2021 nhưng khi nguồn cung vắc xin trên toàn cầu gặp khó khăn, việc xuất khẩu ở các nước sản xuất vắc xin bị hạn chế nên lô này dự kiến phải lùi đến năm 2022.
Vắc xin AstraZeneca hiện đang được triển khai tiêm ở Việt Nam
Trước bối cảnh các nguồn cung ứng vắc xin từ nước ngoài trễ hẹn, Bộ Y tế đã mở ra một hướng mới cho mục tiêu nhập khẩu vắc xin COVID-19. Tháng 3/2021, Bộ Y tế thông báo chỉ đặt mua các loại vắc xin đã được Tổ chức Y tế thế giới thẩm định và cấp phép nhưng đến nay Bộ này đang tìm nguồn cung ở nhiều nơi thay vì chỉ 2 nguồn chính như trước đây là COVAX Facility và hãng AstraZeneca.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có 3 cuộc làm việc riêng rẽ với 3 đại sứ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng khuyến khích tất cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ điều kiện đàm phán với các đối tác nước ngoài để nhập khẩu vắc xin tham gia.
Ngoài VNVC - doanh nghiệp đang phát triển hệ thống tiêm chủng VNVC khắp cả nước là đơn vị duy nhất được hãng AstraZeneca (Anh) lựa chọn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 về Việt Nam, Bộ Y tế cho biết trong nước hiện có các công ty như AMV, Vabiotech, Vimedimec (thuộc Bộ Y tế) cũng đang tiếp cận với các đối tác khác từ Mỹ và Ấn Độ.
Trả lời báo Tuổi trẻ, đại diện VNVC cho biết họ đang chủ động làm việc với hãng Pfizer (Mỹ). Đây là đối tác truyền thống của VNVC chuyên cung ứng nhiều loại vắc xin thông thường mà đơn vị đang tiêm chủng tại thị trường Việt Nam. "Nhưng với mặt hàng này Pfizer lại muốn ký với Chính phủ hoặc ít nhất với Bộ Y tế, do đó còn một số khó khăn cần tháo gỡ", đại diện VNVC nói.
Theo VNVC, khó khăn nhất bây giờ là cơ chế và các đơn vị đang rất nỗ lực đàm phán để tháo gỡ.
Công ty Vabiotech trực thuộc Bộ Y tế được giao là đơn vị chịu trách nhiệm trao đổi, đánh giá nguồn lực, khả năng cung ứng vắc xin của đối tác Trung Quốc cho nhu cầu sử dụng vắc xin trong nước. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã để ngỏ cơ hội nhập khẩu vắc xin này khi cho hay nếu "nhận được hồ sơ đăng ký vắc xin đầy đủ điều kiện, Bộ có thể cấp phép trong vòng 2 tuần".
Với Ấn Độ, hiện nước này đang sản xuất 2 loại vắc xin ngừa COVID-19, trong đó có sản phẩm của hãng AstraZeneca và của Công ty Bharat Biotech sản xuất có tên Covaxin. Công ty Đức Minh (một công ty có xuất nhập khẩu vắc xin ở Việt Nam) đã nộp hồ sơ lên Bộ Y tế xin cấp phép cho vắc xin Covaxin.
Với nhiều động thái khẩn trương đang triển khai, Bộ Y tế trong ngày 16/5 công bố Việt Nam đã mua, đăng ký được khoảng 170 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Trong đó số đã ký kết, có cam kết là khoảng 110 triệu liều gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình COVAX Facility, 30 triều liều từ Astra Zeneca, 31 triệu liều từ Pfizer/BioNTech. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đăng ký với COVAX để mua thêm khoảng 10 triệu liều vắc xin theo cơ chế chia sẻ chi phí (cost share).
Thực tế, Việt Nam đã có được bao nhiêu liều vắc xin?
Tuy nhiên, tất cả đều chưa chắc chắn về tiến độ cung cấp do phụ thuộc vào nhà sản xuất, đối tác cung cấp vắc xin.
Chính vì lẽ đó mà thực tế sở hữu vắc xin trên lãnh thổ Việt Nam đang cho thấy một bức tranh khác. Đến thời điểm hiện nay, tức là thời gian của năm 2021 trôi qua gần 6 tháng, Việt Nam có 4 lô vắc xin phòng COVID-19 về đến nội địa.
Lô thứ nhất gồm 117.600 liều về ngày 24/2/2021.
Lô thứ hai là 811.200 liều qua nguồn COVAX facility về đến Việt Nam ngày 1/4/2021.
Thêm một lượng vắc xin với ý nghĩa "Chính phủ Nga tặng Chính phủ Việt Nam để sử dụng trong cuộc chiến chống Covid-19", một nguồn tin từ Bộ Y tế cho hay, gồm 2.000 liều.
Lô thứ 4 chính là 1.682.400 liều vừa về đến Việt Nam vào lúc 20h ngày 16/5.
Hình ảnh tiêm vắc xin Covid-19 ở Việt Nam
Như vậy, chính xác đất nước đã có khoảng 2.613.200 liều vắc xin phòng COVID-19.
"COVAX đúng là đã hứa sẽ phân bổ cho Việt Nam 30 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021. Tuy nhiên, thời gian có thể chậm lại chút so với kế hoạch vì nhiệm vụ của họ là phải đảm bảo tiếp cận công bằng cho cả thế giới", GS. Đặng Đức Anh giải thích cho lý do nguồn cung vắc xin từ chương trình COVAX facility về chậm so với tiến độ.
"Thực ra, mình phải hết sức bình tĩnh. COVAX cam kết chuyển cho mình từng này liều nhưng thời điểm họ định chuyển thì nước khác lại lâm vào trình trạng khẩn cấp hơn. Vậy là họ phải cân đối và chia sẻ cho những địa chỉ cấp bách đó".
Được biết trước thời điểm Việt Nam lâm vào đợt bùng phát dịch trong cộng đồng lần 4 thì Campuchia - quốc gia láng giềng đang phải đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia do dịch COVID-19, khi số ca lây nhiễm trong cộng đồng cũng như số ca tử vong bất ngờ tăng cao. Cho tới nay, quốc gia Đông Nam Á với gần 16 triệu dân này đã ghi nhận hơn 21.141 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 142 trường hợp tử vong. Do đó, mặc dù COVAX hứa sẽ giúp Việt Nam 30 triệu liều vắc xin trong năm 2021 nhưng khi Campuchia bùng phát dịch, cơ quan này đã phải chuyển cung ứng vắc xin cho Campuchia.
Việt Nam đã phát triển vắc xin được đến đâu?
Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo điện tử hàng đầu nước Úc - The Sydney Morning Herald, Giám đốc nghiên cứu và phát triển Công ty Nanogen, Tiến sĩ Đỗ Minh Sĩ cho biết ông hy vọng loại vắc xin do doanh nghiệp này nghiên cứu và phát triển sẽ sớm được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp ở Việt Nam.
Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen cũng đang gấp rút triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho vắc xin Nano Covax. Một số thử nghiệm trong giai đoạn này được ông Sĩ chia sẻ sẽ tiến hành ở Philippines và Bangladesh. Lý do vì Việt Nam có số ca mắc thấp nên rất khó để chứng minh đầy đủ hiệu quả của vắc xin nếu chỉ thử nghiệm ở trong nước.
Nanogen có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh với khả năng sản xuất 120 triệu liều thuốc mỗi năm đang đồng thời đàm phán các nhà máy sản xuất của Ấn Độ và Hàn Quốc để hợp tác nhằm mở rộng công suất sản xuất vắc xin của mình.
Vắc xin COVID-19 do Nanogen sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
"Chúng tôi có thể sản xuất vắc xin của mình ở đó và sau đó bán ra thế giới. Đây là kế hoạch của chúng tôi. Chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ công nghệ của mình với các quốc gia có thu nhập thấp ", ông Sĩ nói với tờ The Sydney Morning Herald.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, vắc xin Nano Covax chính thức bước vào nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5/2021. Thời gian nghiệm thu kết quả dự kiến vào khoảng tháng 9/2021.
Ngoài Nano Covax, Việt Nam cũng đang đồng thời tiến hành thử nghiệm lâm sàng các giai đoạn cho 2 loại vắc xin khác do các nhà sản xuất trong nước phát triển. Vắc xin COVIVAX sẽ kết thúc quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vào cuối tháng 5/2021. Và nếu vượt qua các giai đoạn thử nghiệm tiếp theo, dự kiến đến cuối năm 2021, COVIVAX sẽ kết thúc thử nghiệm lâm sàng, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu Y sinh học quốc gia thông qua.
"Cho đến thời điểm này, tất cả các tình nguyện viên tham gia tiêm cả 2 mũi vắc xin COVIVAX đều an toàn, không có phản ứng phụ nặng sau tiêm. Chúng tôi đang nhìn thấy triển vọng được sử dụng ở Việt Nam trong thời gian tới của loại vắc xin này là rất lớn. Tất nhiên muốn được thông qua, bất kỳ vắc xin nào cũng đều phải thực hiện nghiêm ngặt các giai đoạn thử nghiệm bắt buộc theo đúng quy định", GS. Đặng Đức Anh chia sẻ.
Như vậy mặc dù chưa có bất kỳ số liệu nào cụ thể về nguồn cung vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước, song đây lại là cơ sở rất quan trọng cho chiến dịch phòng chống Covid-19 của Việt Nam về lâu về dài.
Link gốc: https://doanhnghieptiepthi.vn/mua-vac-xin-covid-19-day-la-tinh-huong-cap-bach-va-phai-duoc-thuc-hien-ngay-161211805183231959.htm
Theo ttvn.vn