Tết Nguyên đán đã đến rất gần, người người nhà nhà đang háo hức và tất bật chuẩn bị cho dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Ngoài Việt Nam, còn có một số quốc gia châu Á khác cũng đón Tết âm lịch vào thời điểm này đó là Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên và Mông Cổ. Cùng khám phá xem tại những đất nước này có những phong tục gì độc đáo và khác nước mình không nhé!
Singapore
Diễn ra cùng thời điểm với Tết Nguyên đán ở Việt Nam, ngày Tết ở đảo quốc sư tử thường diễn ra lễ hội mùa xuân với 3 sự kiện nổi bật: lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.
Vào dịp Tết cổ truyền, mâm cỗ của người Singapore có rất nhiều món ăn truyền thống, giàu ý nghĩa cho gia đình, có thể kể đến như gỏi Yu Sheng, các loại bánh, thịt khô Bak Kwa, mì trường thọ. Tuy nhiên, món ăn không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết của người dân nơi đây lại chính là món cá. Người ta cho rằng ăn cá vào đầu năm sẽ mang lại may mắn. Ngoài ra, tất cả những món quà được trao đi trong dịp này đều phải có đôi, có cặp, bởi người Singapore tin rằng số lẻ sẽ đem về sự xui xẻo.
Cá đuối nướng Sambal
Trung Quốc
Ở Trung Quốc, Tết cổ truyền là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Người dân nơi đây đã rục rịch chuẩn bị Tết từ ngày 8/12 âm lịch. Tết Nguyên đán ở đất nước tỉ dân kéo dài đến hết 15/1 âm lịch. Ngoài những phong tục như cúng tổ tiên, tặng lì xì, người Trung Quốc còn có tục lệ dán/treo chữ "Phúc" ngược để cầu may. Được biết, theo quan niệm xưa của người Hoa, chữ "Phúc" dán ngược có nghĩa là "Phúc đảo". Đây là phép chơi chữ trong tiếng Hán, "đảo" đồng âm với "đáo", "Phúc đáo" có nghĩa là phúc đến. Phong tục này đã lưu truyền từ lâu với mong ước mọi nhà sẽ được nhận phúc lành, đại cát đại lợi trong năm mới.
Ngoài ra, mỗi năm âm lịch tương ứng với một linh vật, do vậy, người Trung Quốc cũng tránh ăn thịt con vật đó vào đầu năm.
Hàn Quốc
Tết cổ truyền của người Hàn Quốc (hay còn gọi là Seollal) thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 dương lịch. Theo phong tục truyền thống, buổi tối trước giao thừa, họ thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần. Các thanh tre được đốt trong nhà lúc giao thừa được cho là để xua đuổi tà ma. Vào dịp này, người dân xứ sở kim chi sẽ mặc Hanbok và thực hiện nghi thức cúng tổ tiên với mâm cỗ có tới 20 món ăn, gồm canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả...
Đặc biệt, theo quan niệm của người Hàn, họ sẽ không ngủ vào đêm giao thừa, bởi nếu làm vậy thì sáng hôm sau lông mi sẽ bị bạc trắng và đầu óc trở nên thiếu minh mẫn. Thêm nữa, họ còn cho rằng vào năm mới những hồn ma sẽ xuất hiện để đánh cắp giày dép, gây nên những điều xui xẻo. Do vậy, người Hàn thường sẽ cất chúng ở những nơi an toàn vào ngày Tết.
Triều Tiên
Trước đây, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng âm lịch. Giống như nhiều quốc gia châu Á khác, người Triều Tiên cũng có phong tục đón Tết cổ truyền với nhiều hoạt động mang tính truyền thống.
Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên gọi loại cơm này là cơm thuốc, chuyên dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người dân nơi đây quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào như mật.
Mông Cổ
Mông Cổ cũng là một trong số ít quốc gia ăn Tết Âm lịch giống Việt Nam. Ở Mông Cổ, hai dịp lễ quan trọng được chờ đợi nhất là Tết tháng trắng (người dân địa phương gọi là Tsagaan Sar) vào tháng giêng và tết Naadam vào tháng 7.
Người Mông Cổ luôn chú trọng nghi thức thanh tẩy cả thể xác lẫn tâm hồn để chào đón năm mới. Vì thế, hàng năm vào thời khắc trước đêm giao thừa, người Mông Cổ sẽ rửa sạch bát đĩa bằng sữa ngựa.
Đồng thời, trước giao thừa hàng năm, tất cả nam giới đều lên một ngọn đồi hay một ngọn núi nào đó, mang theo thực phẩm và cầu nguyện. Sau đó, mỗi người lại chọn một hướng đi mà theo tử vi là hướng hợp với họ để xuất hành, tập tục này còn gọi là "Lễ xuất hành" (muruu gargakh). Theo quan niệm của người Mông Cổ, xuất hành đúng hướng sẽ gặp nhiều may mắn.
link gốc: http://helino.ttvn.vn/helino/muc-so-thi-nhung-phong-tuc-doc-dao-trong-dip-tet-am-lich-cua-cac-quoc-gia-chau-a-lieu-nuoc-ban-co-giong-nuoc-ta-220202212152172.htm
Theo ttvn.vn