Đối với một đứa trẻ, kiên nhẫn chờ đợi hay phải kìm nén bản thân là một điều vô cùng khó khăn, nhất là trong thời kì công nghệ số phát triển như vũ bão ngày nay, trẻ có thể tìm kiếm và có ngay thứ mình muốn chỉ trong nháy mắt mà không phải chờ đợi quá lâu. Mẹ phải biết rằng kiên nhẫn là một đức tính cần thiết, vô cùng quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống cũng như trong công việc của trẻ sau này. Sự kiên trì, nhẫn nại được hình thành qua quá trình học tập, rèn luyện lâu dài và không dễ gì có được. Chính vì vậy kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ. Nếu kịp thời hướng dẫn, dạy trẻ tính kiên nhẫn sẽ giúp bé ngày càng hoàn thiện nhân cách và phát triển tốt hơn cho tương lai về sau.
Kiên nhẫn đồng nghĩa với việc biết kiềm chế bản thân là những đức tính mẹ cần dạy con ngay từ khi còn nhỏ (Ảnh minh họa)
Dạy con đức tính kiên nhẫn cũng là dạy con cách tôn trọng người khác, tập trung vào bản thân và học cách hiểu mình – hiểu người, biết suy nghĩ không chỉ dựa trên quan điểm của mình mà còn của người khác, đồng cảm hơn, thấu hiểu hơn.
Những lợi ích của đức tính kiên nhẫn sẽ mang lại cho trẻ cụ thể như sau:
- Giúp xây dựng các mối quan hệ xã hội thông qua khả năng chịu đựng khuyết điểm, sai sót của người khác, lắng nghe và đồng cảm hơn với họ.
- Là chìa khóa để đạt được một mục tiêu trong tương lai. Sự kiên trì, nhẫn nại cho phép trẻ biết chấp nhận thất bại, tiếp tục kiên trì và cố gắng hơn để đạt mục tiêu.
- Hạn chế việc trẻ đưa ra những quyết định kém hiệu quả, bốc đồng dẫn tới hậu quả đáng tiếc.
- Giảm căng thẳng, lo lắng vì trẻ sẽ không khiến trẻ phải phàn nàn, kêu ca hay bực bội gây ảnh hưởng tới tâm lý, tâm trạng.
Kiên nhẫn là một đức tính cần thiết, vô cùng quan trọng với trẻ, giúp trẻ hòa nhập và là chìa khóa để đạt được thành công trong tương lai (Ảnh minh họa)
Để có thể dạy con học được tính kiên nhẫn ngay từ khi còn nhỏ, các mẹ cũng cần đến vài bí kíp nhỏ sau đây:
Hạn chế cho trẻ xem điện thoại
Bà Ana Sousa Gavin, nhà tâm lý giáo dục đồng thời là mẹ của 2 bạn nhỏ 8 tuổi và 11 tuổi, đã chỉ ra rằng điện thoại và tivi là những thiết bị cung cấp thông tin và các chương trình giải trí khá nhanh chỉ sau vài cú nhấp chuột, chọn kênh. Do đó khi trẻ quen với việc sử dụng các thiết bị này cũng sẽ mong đợi rằng mọi thứ phải nhanh như vậy. Khi trẻ gặp phải tình huống cần sự kiên nhẫn chờ đợi thì dễ sinh ra chán nản, thậm chí cáu gắt. Vì vậy, mẹ có thể cho bé tham gia các hoạt động bổ ích khác thay vì để con sử dụng tivi, điện thoại quá nhiều.
(Ảnh minh họa)
Ghi nhận cảm giác bực bội khi phải chờ đợi của con
Có một điều chắc chắn là không mấy ai thích phải chờ đợi trong thời gian dài. Khi con phải trải qua sự bực bội, thất vọng vì phải chờ đợi lâu, mẹ hãy giúp con nhận ra cảm xúc ấy và cùng con ghi nhận đúng là chờ đợi thì không ai thích thú hết. Ví dụ, khi xếp hàng dài ở cửa hàng tạp hóa, mẹ có thể nói với con rằng: "Mẹ biết con khá mệt khi phải chờ lâu, việc xếp hàng cũng mất nhiều thời gian, nhưng mẹ rất tự hào vì đã kiên nhẫn xếp hàng". Hành động này sẽ giúp nhắc nhở trẻ cảm giác bực bội, mệt mỏi là bình thường, nhưng cách con xử lý và sự kiên nhẫn mới là điều cần đề cao.
Giúp con tự chủ trong hành động
Một cách khác để dạy con sự kiên nhẫn đó là mẹ cần giải thích cho trẻ biết khi nào thì con có thể làm việc mình muốn thay vì chỉ nói 'Không được; Không phải bây giờ'. Ví dụ, khi đang ở siêu thị và con muốn ăn kem. Nếu không thể cho bé ăn kem vào lúc đó thì mẹ hãy nhìn vào mắt trẻ và giải thích rằng: "Bây giờ mẹ con mình cùng chờ thanh toán số hàng này rồi sau đó sẽ đi mua kem cho con nhé". Chắc chắn bé sẽ vui vẻ và không nỡ từ chối lời đề nghị hấp dẫn từ mẹ.
(Ảnh minh họa)
Dạy trẻ ứng phó với sự chờ đợi
Kiên nhẫn không có nghĩa là trẻ phải ngồi 1 chỗ chờ đợi và chẳng làm gì hết. Mẹ hãy khuyến khích bé tự tạo cho mình những hoạt động thú vị và có ích trong lúc chờ đợi. Ví dụ, đưa cho trẻ những cuốn sách, truyện tranh hấp dẫn để đọc, hoặc những câu đố toán học thú vị để trẻ tìm ra câu trả lời, kết hợp các trò chơi nho nhỏ ngay trong thời gian chờ. Như vậy trẻ không còn cảm thấy nhàm chán và mệt mỏi, sự kiên nhẫn đôi khi còn đi kèm với sự độc lập và tự ứng phó mà không quá phụ thuộc vào tình huống ấy.
Mẹ phải là một tấm gương tốt về làm chủ bản thân
Theo bà Gavin, một trong những cách tốt nhất để dạy trẻ đó chính là cha mẹ phải làm gương cho con noi theo. Con sẽ học theo cách mẹ giữ bình tĩnh và xử lý tình huống trong những lúc khó khăn. Hãy thử suy nghĩ về sự kiên nhẫn của chính mẹ với con. Liệu mẹ có đang quá vội vàng và quy chụp mỗi khi con mắc lỗi, liệu mẹ có khó chịu mỗi khi con hỏi nhiều không. Mẹ cần rèn luyện đức tính kiên nhẫn với chính con mình để trẻ có thể học hỏi và làm theo.
Mẹ chính là tấm gương, là hình mẫu lớn và đáng tin cậy để trẻ trưởng thành hơn (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, trẻ cũng sẽ nhìn cách mà mẹ ứng xử với các tình huống xung quanh, sự kiên nhẫn của mẹ mỗi khi phải xếp hàng, hay sự nhẫn nại, thái độ của mẹ với mọi người cũng đều có tác động không nhỏ tới việc hình thành và phát triển tính kiên nhẫn của trẻ sau này. Mẹ chính là tấm gương, là hình mẫu lớn và đáng tin cậy để trẻ trưởng thành hơn.
Nguồn: Parent
theo Parent
Theo Tri thức trẻ