Phát hiện này có thể là gợi ý quan trọng cho những nước như Mỹ, nơi ghi nhận số ca nhiễm biến thể Omicron gia tăng nhanh chóng, nhưng biến thể Delta vẫn đang lan rộng và là nguyên nhân khiến số ca nhập viện tăng cao.
“Các kết quả nghiên cứu cho thấy Omicron sẽ thay thế biến thể Delta, do nó có thể tạo ra miễn dịch trung hòa biến thể Delta, làm giảm khả năng tái nhiễm biến thể Delta”, nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Sức khỏe châu Phi cho biết.
Nếu Omicron thay thế Delta và gây bệnh nhẹ hơn so với các biến thể trước đây, “số ca mắc bệnh nặng có thể giảm xuống và việc mắc bệnh sẽ ít gây xáo trộn cho các cá nhân và xã hội hơn trước”, theo phát hiện mới.
Biến thể Omicron được các nhà khoa học Nam Phi phát hiện vào tháng 11 vừa qua.
Nguyên cứu hiện chưa được đồng kiểm. Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện này trước khi được các chuyên gia khác đánh giá do tính chất cấp bách của đại dịch.
Nghiên cứu tiến hành trên 13 người, trong đó 11 người đã nhiễm biến thể Omicron. 7 người trong số này đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Kết quả cho thấy, phản ứng kháng thể của người nhiễm Omicron dường như đã làm tăng hiệu quả bảo vệ trước biến thể Detla hơn gấp 4 lần khoảng 2 tuần sau khi tham gia nghiên cứu. Những người tham gia nghiên cứu cũng cho thấy khả năng ngăn chặn tái nhiễm Omicron tăng gấp 14 lần.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, vẫn chưa rõ việc tăng cường khả năng bảo vệ là do kháng thể tạo ra sau khi nhiễm Omicron, do tiêm chủng hay do cơ chế miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước đó. Những cá nhân đã tiêm chủng có khả năng bảo vệ mạnh mẽ hơn.
Các nhà dịch tễ học cảnh báo, dù Omicron gây bệnh nhẹ hơn Delta, nhưng biến thể mới vẫn có thể khiến các bệnh viện quá tải vì tốc độ lây lan cao hơn so với Delta./.\
Theo soha.vn