Nhiệt độ quá cao cũng làm suy yếu các chức năng vận động của chúng ta, làm gián đoạn giấc ngủ và có liên quan đến lo lắng, trầm cảm và tự tử.
NẮNG NÓNG CÀN QUÉT KHẮP NƠI
Khi các kết quả đo nhiệt độ bắt đầu được gửi từ các trạm thời tiết ở Nam Cực vào đầu tháng 3/2022, các nhà khoa học ban đầu nghĩ rằng có thể có một số sai lầm trong kết quả đo đạc. Nhiệt độ - lẽ ra sẽ hạ nhiệt nhanh chóng khi mùa hè ngắn ngủi của cực Nam tắt dần - lại tăng vọt.
Tại trạm Vostok, cách cực nam địa lý khoảng 1.287 km, các nhiệt kế ghi nhận mức nóng khủng khiếp hơn 15 độ C so với kỷ lục mọi thời đại trước đó, trong khi ở căn cứ thuộc Vịnh Terra Nova, nước lơ lửng trên mức đóng băng - đây là điều chưa từng có trong năm.
"Tôi chưa bao giờ nhìn thấy thứ gì như thế này" - Nhà khoa học băng Ted Scambos, Đại học Colorado (Mỹ), nói với Associated Press.
Nhưng thế không phải tất cả. Tại cực Bắc, nhiệt độ bất thường tương tự cũng được ghi nhận, đáng kinh ngạc là vào thời điểm trong năm khi Bắc Cực phải từ từ trồi lên khỏi đợt đóng băng sâu vào mùa đông. Các nhà nghiên cứu cho biết khu vực này ấm hơn 3 độ C so với mức trung bình dài hạn của nó.
Điều này cho thấy, cả hai cực của Trái Đất đang bị những cơn sóng nhiệt hoành hành. Sóng nhiệt ở một cực có thể được coi là một cảnh báo; sóng nhiệt ở cả hai cực cùng lúc có thể coi là thảm họa khí hậu.
Kể từ đó, các trạm thời tiết trên khắp thế giới đã nhìn thấy thủy ngân trong nhiệt kế của họ tăng lên như một làn sóng toàn cầu. Đây là vài minh chứng điển hình:
Ấn Độ
Dữ liệu từ Cục Khí tượng Ấn Độ cho thấy Delhi đã ghi nhận nhiệt độ tối đa là 42 độ C (và cao hơn) trong 25 ngày kể từ khi mùa hè bắt đầu - số ngày cao nhất kể từ năm 2012. Một đợt nắng nóng đã tấn công Ấn Độ và Pakistan vào tháng 3/2022, gây ra mức nhiệt cao nhất trong tháng đó kể từ khi kỷ lục bắt đầu cách đây 122 năm.
Người dân Ấn Độ đi lấy nước ở một khu ổ chuột tại New Delhi. Ảnh: Kabir Jhangiani / Pacific Press / Rex / Shutterstock
Thời tiết gay gắt vẫn tiếp tục trên khắp tiểu lục địa, gây ra thảm họa cho hàng triệu người. Loại thiệt hại mùa màng mà các chuyên gia khí hậu dự đoán đã và đang xảy ra.
Nông dân ở miền bắc Ấn Độ đã chứng kiến cảnh lúa mì của họ bị cháy nắng. Ước tính có khoảng 15 đến 35% diện tích lúa mì ở các bang gần Delhi - Punjab, Haryana và Uttar Pradesh, "vựa lúa mì" của Ấn Độ - đã bị thiệt hại.
Mỹ
Đối với Mỹ, người dân nước này phải trải qua mùa xuân giống như giữa mùa hè, với nhiệt độ tăng vọt trên khắp nước này vào tháng 5/2022.
Một phần ba của Mỹ đã phải chịu cảnh báo nhiệt độ quá cao trong tuần này do các vòm áp suất cao giữ không khí nóng - hay còn gọi là các vòm nhiệt - đã dẫn đến nhiệt độ chạm ngưỡng 38 độ C trên khắp các khu vực Nam và Tây Nam của Mỹ.
Nắng nóng khắc nghiệt là sát thủ hàng đầu của nước Mỹ liên quan đến thời tiết, và thành phố Phoenix (bang Arizona) là thành phố nóng nhất và chết chóc nhất của nước này.
Hơn 100 triệu người Mỹ đã được khuyến cáo ở trong nhà trong tuần trước vì nhiệt độ kỷ lục khiến nhiều người và hàng nghìn gia súc chết.
Khi nhiệt độ tăng lên mức cao bất thường, hàng chục nghìn người trên khắp các bang Ohio, Michigan và Indiana ở miền Trung Tây của Mỹ đã bị bỏ lại trong tình trạng ngột ngạt không có điện sau các trận bão và lũ lụt làm hư hỏng đường dây tải điện.
Tây Ban Nha
Tây Ban Nha đã chứng kiến thủy ngân nhiệt kế chạm ngưỡng 40 độ C vào đầu tháng 6/2022 khi một đợt nắng nóng càn quét châu Âu, tấn công Vương quốc Anh, Tây Ban Nha vào tuần trước.
Rubén del Campo, người phát ngôn của Cơ quan khí tượng nhà nước Aemet (Tây Ban Nha), cho biết: “Tây Ban Nha theo truyền thống là một quốc gia rất nóng nhưng càng ngày càng nóng hơn. Đợt nắng nóng kéo dài một tuần xảy ra khi Tây Ban Nha vẫn đang quay cuồng với tháng 5 nóng nhất trong 58 năm. Trong vòng chưa đầy một tháng, chúng tôi đã có hai đợt nắng nóng khắc nghiệt rất hiếm gặp".
Tại 8 trong số 17 khu vực của Tây Ban Nha, các nhân viên cứu hỏa đã cố gắng dập tắt hơn 10 vụ cháy rừng dữ dội. Tại khu vực phía tây bắc của Castilla và León (Tây Bắc Tây Ban Nha), ngọn lửa đã nuốt chửng hơn 20.000 ha và buộc hàng trăm người phải sơ tán.
HOẠT ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI LÀ NGUYÊN NHÂN?
Điều đáng nói, các nhà khoa học có thể nhanh chóng chứng minh rằng những nhiệt độ kỷ lục này không phải là điều tự nhiên xảy ra. Một nghiên cứu được công bố vào tháng 5/2022 cho thấy đợt nắng nóng ở Nam Á có khả năng xảy ra cao hơn 30 lần do ảnh hưởng của con người đến khí hậu.
Các đợt nắng nóng đang gia tăng về tần suất và mức độ chết chóc trên khắp Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Á do kết quả trực tiếp của sự thay đổi khí hậu do con người tạo ra. Một loạt các nghiên cứu về các hiện tượng nắng nóng cực đoan gần đây (Ấn Độ và Pakistan 2022, Tây Bắc Mỹ tháng 6 năm 2021, Siberia 2020, Tây Âu 2019) đều nhấn mạnh vai trò của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Vikki Thompson, nhà khoa học khí hậu tại Viện Cabot của Đại học Bristol (Anh), giải thích: "Biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng nóng hơn và kéo dài hơn trên khắp thế giới. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nhiều đợt nắng nóng đặc biệt dữ dội hơn do sự thay đổi khí hậu do con người gây ra (biến đổi khí hậu nhân tạo). Tín hiệu biến đổi khí hậu thậm chí còn có thể phát hiện được ở số người chết do sóng nhiệt".
Máy bay đã được huy động để chống cháy rừng ở Catalonia (Tây Ban Nha) vào tuần trước. Ảnh: Pau Barrena / AFP / Getty Images
Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Grantham, Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết chỉ riêng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng tần suất lên đến 100 hoặc hơn, do hành động của con người trong việc 'đổ' khí thải nhà kính vào bầu khí quyển. Bà nói: "Biến đổi khí hậu là một nhân tố thay đổi cuộc chơi thực sự khi nói đến các đợt nắng nóng: Chúng đã tăng lên về tần suất, cường độ và thời gian trên khắp thế giới".
Loại nhiệt này đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe con người một cách trực tiếp vì nó gây căng thẳng cho cơ thể chúng ta và gián tiếp gây hại cho mùa màng, gây cháy rừng và thậm chí gây hại cho môi trường xây dựng của chúng ta, chẳng hạn như đường xá và các tòa nhà. Những người nghèo khổ nhất là những người ở ngoài đồng hoặc trong nhà máy, hoặc trên đường phố không có chỗ trú mát giữa cái nóng và họ thiếu điều hòa không khí khi về nhà.
Bản thân điều hòa không khí là một khía cạnh khác của vấn đề: Việc sử dụng (điều hòa) ngày càng tăng và tiêu thụ năng lượng lớn có nguy cơ làm tăng tốc độ phát thải khí nhà kính.
Radhika Khosla, phó giáo sư tại Trường Smith thuộc Đại học Oxford (Anh), cho biết: "Cộng đồng toàn cầu phải cam kết làm mát bền vững, nếu không sẽ gây ra nguy cơ khóa thế giới vào một vòng luẩn quẩn chết người, nơi nhu cầu về năng lượng làm mát gây ra phát thải khí nhà kính nhiều hơn nữa; và kết quả gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu khủng khiếp hơn".
NẮNG NÓNG ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN CƠ THỂ CON NGƯỜI?
Mặc dù đã có những đợt nắng nóng trong quá khứ, nhưng các nhà khoa học nói rằng nếu tình trạng nóng lên toàn cầu không được kiềm chế, thì những đợt nắng nóng kỷ lục hiện nay sẽ trở thành tiêu chuẩn vào mùa hè.
Tại Ấn Độ, 70% đất nước đã bị ảnh hưởng bởi đợt nắng nóng kỷ lục trong năm nay. Ảnh: Debarchan Chatterjee / NurPhoto / Getty
"Sóng nhiệt không phải là một hiện tượng mới nhưng dấu vết của biến đổi khí hậu là tất cả những kỷ lục nhiệt mới này" - Scott Duncan, một nhà khí tượng học có trụ sở tại Scotland nói với Fortune.
Các nhà khoa học đã cố gắng trong nhiều năm để tìm hiểu những cách sống trong một thế giới nóng hơn có thể phá hủy cơ thể chúng ta.
Matthew Huber, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Purdue (Mỹ), nói với New York Times rằng: "Chúng tôi biết hậu quả lâu dài của việc thức dậy hàng ngày, làm việc 3 giờ trong cái nóng gần như chết người, đổ mồ hôi như điên, rồi trở về nhà là như thế nào..."
Theo đó, nhiệt độ quá cao có liên quan đến tim mạch và suy thận, huyết áp cao, hen suyễn và bệnh đa xơ cứng. Nó đã được phát hiện là gây hại cho các cơ quan và tế bào cũng như DNA của chúng ta. Nhiệt độ quá cao cũng làm suy yếu các chức năng vận động của chúng ta, làm gián đoạn giấc ngủ và có liên quan đến lo lắng, trầm cảm và tự tử.
Nhiệt độ cực cao có thể gây chết người, đặc biệt là đối với những người dễ bị tổn thương. Nhiệt độ cao kéo dài xuyên đêm - thời gian khi cơ thể cần phục hồi - có thể gây căng thẳng đặc biệt. Cư dân thành phố đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi cái gọi là hiệu ứng đảo nhiệt đô thị làm tăng tác động nhiệt so với vùng nông thôn, nơi có nhiều thảm thực vật hơn.
Lời khuyên của các chuyên gia là hạn chế ra ngoài trời lâu trong thời tiết nắng nóng. Bên cạnh đó, thường xuyên tìm cách giữ mát bản thân và cung cấp đủ nước cho cơ thể.
XU HƯỚNG TƯƠNG LAI
Khi hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục, các đợt nắng nóng gay gắt sẽ trở nên phổ biến hơn. Nếu hành tinh này tiếp tục ấm lên thêm 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, báo cáo ước tính rằng các đợt nhiệt tương tự sẽ trở nên nhiều hơn gấp 2 đến 20 lần so với năm 2022 - và nóng hơn từ 0,5 đến 1,5 độ C, tạp chí Nature thông tin.
Ủy ban liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc dự đoán rằng đối với 1,5 độ C nóng lên toàn cầu, sẽ có các đợt nắng nóng ngày càng tăng, mùa ấm dài hơn và mùa lạnh ngắn hơn. Ở mức 2 độ C của sự nóng lên toàn cầu, nhiệt độ cực đoan thường sẽ đạt đến ngưỡng chịu đựng quan trọng đối với nông nghiệp và sức khỏe con người.
Theo các nghiên cứu của, nắng nóng dữ dội xảy ra ngày nay thường xuyên hơn ít nhất 10 lần so với một thế kỷ trước! Phát thải khí nhà kính từ hoạt động của con người đang làm tăng cường độ, thời gian và tốc độ lặp lại của các đợt nắng nóng trên toàn thế giới.
Bài viết sử dụng nguồn: The Guardian (UK), Fortune, Nature, CNN
Link gốc: http://ttvn.toquoc.vn/nang-nong-can-quet-tai-sao-con-nguoi-ngay-cang-phai-ngam-minh-trong-song-nhiet-du-doi-82022206145113437.htm
Theo ttvn.vn