Nên ăn trưa lúc mấy giờ tốt nhất? Bác sĩ trả lời câu hỏi triệu đô, chỉ ra 2 sai lầm tai hại khi ăn trưa

Để biết khi nào nên ăn trưa, bạn phải hiểu được tín hiệu đói của cơ thể, thói quen ăn uống và tiêu hóa của chính mình.

Bạn thường ăn trưa lúc mấy giờ? 11h, 12h hay 13h?

Liệu có thời gian ăn trưa tối ưu để giúp bạn làm việc năng suất hơn vào buổi chiều không?

"Đó là câu hỏi triệu đô", Gerard Mullin, bác sĩ tiêu hóa và phó giáo sư y khoa tại Trường Y Johns Hopkins, đại học Johns Hopkins (Mỹ), nói với báo HuffPost.

Thời gian tốt nhất để ăn các bữa khác nhau ở mỗi người, tùy thuộc vào nhu cầu calo, sự thèm ăn và mức độ di chuyển, bác sĩ Mullin nói.

Điều quan trọng là sắp xếp các bữa ăn để giữ cho năng lượng và sự tập trung tăng lên trong suốt cả ngày. Để biết chính xác khi nào bạn nên ăn, bạn phải hiểu tín hiệu đói, thói quen ăn uống và tiêu hóa của chính mình.

Tín hiệu đói

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tần suất và thời điểm bạn cần ăn, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Rahaf Al Bochi nói. Bochi cũng là phát ngôn viên của Học viện Dinh dưỡng và Chế độ ăn (Mỹ).

Các yếu tố này bao gồm tuổi tác, thời kỳ mang thai, mức độ hoạt động, giới tính, mục tiêu sức khỏe và các căn bệnh mãn tính.

"Có một lịch trình ăn uống đều đặn là điều quan trọng. Tuy nhiên, điều đó cần được kết hợp với việc lắng nghe tín hiệu đói của cơ thể", Bochi nói. "Các dấu hiệu đói có thể khác nhau ở mỗi người và có thể bao gồm giảm năng lượng, đau đầu, bụng cồn cào, ủ rũ hoặc cảm giác trống rỗng."

Để đánh giá tín hiệu đói, bạn có thể thử thang đo độ đói - 1 là cực kỳ đói và 10 là no - trước và sau mỗi bữa ăn. Điều này giúp bạn quyết định khi nào nên ăn và nên ăn bao nhiêu, Alyssa Pike, chuyên gia dinh dưỡng và quản lý truyền thông dinh dưỡng tại Hội đồng Thông tin Thực phẩm Quốc tế, nói.

"Lý tưởng nhất là bạn nên ăn khi bạn đang ở mức 4 (hơi đói) và dừng lại ở mức 6 (hài lòng)", cô giải thích.

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tần suất và thời điểm bạn cần ăn, bao gồm tuổi tác, thời kỳ mang thai, mức độ hoạt động, giới tính, mục tiêu sức khỏe và các căn bệnh mãn tính. Ảnh minh họa

Nên ăn trưa lúc mấy giờ?

Al Bochi cho biết bạn nên ăn sáng sau khi ngủ dậy 30 đến 60 phút để giúp cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng cơ thể.

Sau đó, hãy xem xét thời gian tiêu hóa hết bữa sáng. Mullin nói rằng khi dạ dày còn đầy một nửa, quá trình tiêu hóa một bữa ăn rắn mất khoảng 4 giờ.

Do đó, hãy cố gắng ăn trưa (hoặc ăn nhẹ) sau khi ăn sáng 3-5 giờ. "Tuy nhiên, đây chỉ là một hướng dẫn, và việc theo dõi tín hiệu đói là rất quan trọng", Bochi nói thêm.

Ngoài ra, hãy cân nhắc xem bạn đã ăn gì vào bữa sáng và mức độ hoạt động của bạn sau đó.

Pike cho biết: "Nếu bữa sáng của bạn quá ít, bạn có thể nghĩ về thức ăn hoặc cảm thấy bụng cồn cào sau 1-2 giờ. Nếu bạn ăn bữa sáng với nhiều nhóm thực phẩm, bao gồm protein và chất xơ, thì nhiều khả năng khoảng 3-4 giờ sau bạn sẽ đói".

Protein và chất xơ giúp no lâu, vì vậy bữa ăn có các nhóm thực phẩm này giúp bạn no lâu hơn.

Hãy cố gắng ăn trưa (hoặc ăn nhẹ) sau khi ăn sáng 3-5 giờ và đừng quên chú ý đến tín hiệu đói của cơ thể.

2 sai lầm khi ăn trưa

Bữa trưa cách bữa sáng quá xa

Chờ đợi nhiều tiếng mới ăn tiếp là một kế hoạch ăn kiêng phổ biến. Nhưng Mullin nói rằng lợi ích của nó vẫn còn đang gây tranh cãi và mang tính cá nhân cao. Hầu hết mọi người cần ăn thường xuyên trong ngày để duy trì năng lượng của họ.

Ông nói: "Tần suất ăn phải dựa trên việc duy trì năng lượng ổn định cho não và thậm chí cả lượng đường trong máu".

Cơ thể chuyển đổi hầu hết những gì bạn ăn thành glucose, giúp cung cấp năng lượng và giúp bạn tỉnh táo. Vì vậy, khi bạn nhịn ăn quá lâu hoặc bỏ bữa, lượng đường trong cơ thể sẽ giảm xuống, đồng thời năng lượng và sự tập trung của bạn cũng giảm theo.

Khi bạn ăn lại sau đó, bạn có thể đói và ăn quá nhiều, Bochi nói. "Nếu bạn cực kỳ đói, bạn cũng ít có khả năng đưa ra lựa chọn thực phẩm lành mạnh vì tại thời điểm đó, bạn có thể sẽ ăn bất cứ thứ gì trước mắt", cô giải thích thêm.

Pike nói cảm thấy quá no cũng có thể gây khó chịu. Nó cũng có thể gây khó tiêu và trào ngược dạ dày. Khi bạn không cảm thấy tuyệt vời, hoàn thành công việc có thể là một cuộc đấu tranh.

 

Ăn quá nhiều đồ ăn giàu carbs và giàu chất béo

Thực phẩm giàu carb giải phóng glucose nhanh chóng vào cơ thể, khiến bạn tràn trề năng lượng nhưng sau đó sẽ sụt giảm nhanh.

Các bữa ăn giàu chất béo có thể cung cấp nhiều năng lượng duy trì hơn, nhưng hệ tiêu hóa của bạn phải làm việc khó khăn hơn một chút để xử lý chúng. Điều này làm giảm mức oxy và có thể khiến bạn cảm thấy uể oải.

Thay vào đó, để duy trì mức năng lượng, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả, protein nạc và một lượng vừa phải chất béo lành mạnh để cải thiện sức mạnh của trí não.

(Nguồn: HuffPost)

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU