Bên cạnh trà đá vỉa hè, trà chanh chém gió, hay cà phê trong quán, nếu được hỏi rằng còn thứ văn hóa uống nước nào đang ngày ngày đồng hành với giới trẻ Việt Nam ngày nay, thì câu trả lời chắc chắn sẽ là trà sữa trân châu.
Tại những cung đường sầm uất đông người qua lại nhất ở 2 thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn, không khó gì để bắt gặp hằng hà vô số những thương hiệu trà sữa đa dạng và bắt mắt. Vào các buổi tối, nhất là cuối tuần, nhiều chiếc xe đậu tràn ra đường, dòng người xếp hàng dài chờ vài chục phút để mua trà sữa đã trở thành hình ảnh quen thuộc minh chứng cho một nền văn hóa đang lên ngôi mạnh mẽ trong lòng giới trẻ: văn hóa trà sữa.
Đài Loan là một trong những quốc gia sản xuất trà ngon nhất thế giới. Trà đạo ở Đài Loan cũng nổi tiếng và cầu kỳ không thua gì trà đạo Nhật Bản, với những yêu cầu phức tạp về kỹ thuật cũng như độ am hiểu về trà của nghệ nhân. Văn hóa trà đạo đã ăn sâu vào quốc đảo này đến nỗi người dân nơi đây thường dành rất nhiều thời gian trong ngày để thưởng thức trà, và "đi uống trà" ở Đài Loan là một ý niệm phổ biến như thể "đi cà phê" ở Việt Nam vậy.
Để phục vụ nhu cầu và sở thích uống trà của người dân, những quầy bán trà thường được dựng lên trước các cổng trường trung học tại Đài Loan. Họ tìm đủ mọi cách cạnh tranh nhau với mong muốn bán được càng nhiều trà càng tốt. Trong vòng xoáy buôn bán khốc liệt ấy, một người bán trà đã nảy ra ý tưởng cho thêm sữa vào trà đồng thời kết hợp với các hương vị trái cây khác nhau để thu hút những người thích thử cái mới lạ. Thức uống mới này ngay lập tức nhận được sự yêu thích của giới trẻ và khiến các hàng quán khác thi nhau học tập theo, hình thành nên một phong trào trà sữa vô cùng mạnh mẽ len lỏi khắp Đài Loan thời bấy giờ.
Thế nhưng trà sữa chỉ thực sự trở thành một "cú nổ lớn" kể từ khi có sự ra đời của trân châu - những hạt nhỏ được làm từ bột khoai tây tươi ủ với mía đường tự nhiên. Đây là sự sáng tạo của Lưu Hán Giới, người sáng lập Xuân Thủy Đường (Chunshuitang) - chuỗi cửa hàng trà sữa được mệnh danh là lâu đời và có tiếng nhất Đài Loan. Chẳng ai ngờ được những viên trân châu nhỏ bé ấy lại trở thành linh hồn không thể thiếu của trà sữa, đưa nó càn quét khắp Châu Á, tạo nên một đế chế mới mang tên "trà sữa trân châu".
Tại Đài Loan, đẳng cấp của trà sữa được phân loại qua chất lượng của trân châu như một minh chứng cho sự quan trọng của thành phần này. Quá trình nấu ra những viên trân châu thơm ngon đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật chế biến truyền thống và bí kíp gia truyền riêng của nghệ nhân làm nghề. Người nấu trâu châu phải hết sức chú ý trong việc canh lửa cũng như kiểm soát thời gian nấu để đảm bảo sự giòn mà không quá dai, ngọt nhưng lại không khét của sản phẩm làm ra. Theo đó, trân châu cứng nghĩa là chưa được nấu kỹ còn trân châu nhão nghĩa là bị nấu quá tay. Một trong những "vũ khí bí mật" được các nghệ nhân trà sữa Đài Loan sử dụng là mật nhãn Đài Loan. Khi thêm vào trân châu, mật này tạo nên phong vị truyền thống hoà hợp tuyệt vời với vị chát của trà, độ ngọt của sữa.
Về phần trà, công thức pha chế là không cố định khi mỗi quán khác nhau lại có một cách pha trà riêng biệt. Thế nhưng về cơ bản, 3 loại trà chính thường được sử dụng là Hồng trà (còn gọi là trà đen), Lục trà (còn gọi là trà xanh) và trà ô long. Dù sau này rất nhiều công thức khác được nghĩ ra để trà sữa "trẻ trung" và "năng động" hơn nhưng các loại trà truyền thống với hương vị đậm đà vẫn luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng của các tín đồ trà sữa thực thụ.
Chẳng biết từ lúc nào, trà sữa trân châu không còn đơn thuẩn chỉ là một món đồ uống mà đã trở thành đại diện không thể thiếu khi nhắc đến nền văn hóa ẩm thực của Đài Loan. Tại hòn đảo xinh đẹp này, số lượng cửa hàng trà sữa nhiều đến nỗi người ta có thể tìm thấy ít nhất hai cửa hàng tại mỗi con đường đi qua. Nếu có dịp nếm thử một ly trà sữa trân châu ngọt ngào thanh mát đúng kiểu Đài Loan, người uống sẽ không thể nào quên và khó chấp nhận lại những ly trà sữa được pha dễ dãi bằng các loại hoá chất không rõ nguồn gốc.
Sau khi càn quét toàn châu Á, trà sữa tiếp tục đổ bộ và lan tỏa tại các vùng trời phương Tây. Những năm gần đây, thức uống này bắt đầu trở nên phổ biến ở cả Bờ Đông và Bờ Tây nước Mỹ cũng như các quốc gia Châu Âu khác.
Ban đầu, những quán trà sữa nơi đây sinh ra chủ yếu để phục vụ cộng đồng Châu Á tại hải ngoại. Nhờ sự yêu thích đặc biệt đến từ đông đảo những người bản địa gốc Á và các du học sinh Á Đông dành cho loại thức uống này mà trà sữa dần gây được sự chú ý với người phương Tây, khiến họ phải tò mò nếm thử. Dù không phải ai cũng nhanh chóng yêu thích thế nhưng có một bộ phận không nhỏ người nước ngoài bắt đầu coi đây như một lựa chọn khi hẹn hò bạn bè hoặc thiết thực hơn là khi cần giải khát.
Để phù hợp hơn với khẩu vị các quốc gia khác nhau, người làm trà sữa cũng uyển chuyển thay đổi công thức và nguyên liệu pha chế để chiều lòng thực khách. Ở phương Tây, để phục vụ những người bị dị ứng đường sữa, người ta thay thế sữa bằng sữa đậu nành. Việc thay thế này khiến món trà trở nên đặc hơn, đồng thời cũng tạo cho trà sữa một hương vị khác lạ, mới mẻ hơn.
Một trong những công ty đầu tiên đưa trà sữa đến với phương Tây là công ty gốc Đài có tên Possmei International. Không chỉ có chuỗi cửa hàng của riêng mình, công ty Possmei còn là đầu ra cung cấp nguyên liệu pha chế trà sữa cho rất nhiều các hàng quán khác tại Châu Mỹ. Nói về lý tưởng của mình với vị trí người tiên phong, Jacky Wang - CEO của Possmei, cho biết: "Cũng như Nhật Bản có sushi, Ấn Độ có cà ri hay Ý có pizza, tôi muốn biến trà sữa thành biểu tượng mà khi vừa nhắc đến, cái tên Đài Loan sẽ ngay lập tức bật ra."
Có mặt tại Việt Nam khoảng 10 năm trước, món trà sữa Đài Loan đã nhanh chóng được giới trẻ nước ta tiếp nhận và yêu thích. Những ngày đầu tiên bước chân vào Việt Nam, trà sữa được pha chế tại các quán nhỏ tự phát, không có dấu hiệu riêng biệt mà chỉ được gọi chung chung là "trà sữa Đài Loan". Thời ấy, giới trẻ còn chưa quá sành sỏi, đồng thời thị trường Việt cũng còn quá ít các thương hiệu giải khát "tai to mặt lớn" đến từ nước ngoài, vậy nên trà sữa trân châu nhanh chóng trở thành lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ. Thế nhưng do không có sự đổi mới, thú vui này chỉ "ồn ào" một thời gian rồi dần dần hạ nhiệt.
Bẵng đi một đoạn thời gian, vào khoảng năm 2003, trà sữa bỗng quay trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với những thương hiệu được cộp mác đặc trưng và sở hữu phong cách làm việc hết sức chuyên nghiệp. Việc có thêm vô số những cải tiến mới đem lại sự lựa chọn đa dạng và hợp miệng cho người tiêu dùng đã khiến cho trà sữa bùng nổ sự yêu thích và trở thành một nền văn hóa mới trong giới trẻ. Đếm qua đếm lại, số lượng thương hiệu trà sữa có mặt tại Việt Nam đã lên đến cả trăm có lẻ và dường như vẫn chẳng hề có dấu hiệu ngừng lại. Tại một vài thời điểm, "ê, trà sữa không" thậm chí còn là lời chào hỏi hay rủ rê quen thuộc nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Sau cuộc đổ bộ rộn ràng của hàng trăm thương hiệu lớn nhỏ, thị trường trà sữa Việt Nam khoác lên mình chiếc áo mới: hoàng kim hơn, nhưng cũng ồn ào và hứng chịu nhiều chỉ trích hơn. Với tầng lớp khách hàng chủ yếu là những người trẻ, đa phần là học sinh, sinh viên, người ta bắt đầu đặt câu hỏi: tiền đâu mà lắm thế cho một ly trà sữa trung bình lên đến 50 - 60 nghìn? Một cuộc tranh cãi dữ dội nổ ra giữa một bên là các "tín đồ trà sữa" - quyết tâm bảo vệ đến cùng sở thích cá nhân và lựa chọn của mình, còn một bên là phe đối lập với hàng loạt các lý luận về tiền bạc và sức khỏe đã khiến cho trà sữa đột nhiên trở thành vấn đề nổi cộm trong xã hội. Thế nhưng cũng như mọi cuộc tranh luận không hồi kết khác, các quán trà sữa vẫn cứ nườm nượp người ra kẻ vào từ sáng tới đêm, mặc kệ những sự bất đồng trong quan điểm lòng người.
Chẳng dễ dàng gì để đứng trên ngôi vương mãi mãi, rất có thể chỉ nay mai thôi, đột nhiên sẽ xuất hiện một loại nước uống khác lên ngôi trong lòng người tiêu dùng. Thế nhưng với gốc rễ lâu đời và sức ảnh hưởng to lớn mà nó từng tạo ra trên toàn Châu Á, có thể vững tin rằng trà sữa sẽ vẫn mãi có một chỗ đứng cũng như người hâm mộ riêng trong thị trường đồ uống đa dạng, bao la và không ngừng thay đổi ngoài kia.
Theo Trí Thức Trẻ