Khi ngày càng có nhiều người tiêm chủng rồi nhiễm bệnh đột phá (breakthrough infection - nhiễm bệnh xuyên khả năng bảo vệ của vaccine), khái niệm "miễn dịch" đang trở nên phức tạp hơn trong danh sách những từ vựng về Covid.
Các ca nhiễm đột phá trên thực tế đã khiến nhiều người bất ngờ, khi họ chịu tiêm vaccine mà vẫn nhiễm bệnh. Nó giống như lời khẳng định về việc vaccine không thể bảo vệ chúng ta khỏi những ca nhiễm, dù vẫn hoạt động tốt trong việc ngăn chặn các triệu chứng nặng.
Tuy nhiên, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra một hy vọng dành cho nhân loại, khi cho rằng những người đã tiêm chủng đầy đủ mà nhiễm bệnh sẽ được bảo vệ cực mạnh trước các ca nhiễm trong tương lai.
Những người đã tiêm chủng và nhiễm bệnh sẽ có khả năng "siêu miễn dịch"
Nghiên cứu do các chuyên gia từ ĐH Sức khỏe và Khoa học Oregon (Mỹ) thực hiện trong làn sóng biến thể Delta tại Mỹ. Họ đề cập đến khái niệm gọi là "siêu miễn dịch", ám chỉ rằng người nhiễm bệnh có tiêm chủng là những người ít có khả năng lây nhiễm với Delta nhất.
Với làn sóng Omicron đang hoành hành trên thế giới, các dữ liệu vẫn còn khá sớm để kết luận. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Áo (chưa được công bố) cũng cho kết quả tương tự với những người đã tiêm chủng mà nhiễm Covid trong vài tuần gần đây. Họ đều sở hữu khả năng "siêu miễn dịch", đủ để bảo vệ cực tốt trước các ca nhiễm mới trong tương lai.
Tuy nhiên, "siêu miễn dịch" không đồng nghĩa với việc đại dịch đã chấm dứt. Nó chỉ là một phần nhỏ của đại dịch, khi một cộng đồng được bảo vệ tốt hơn phần còn lại. Hơn nữa, các biến thể mới vẫn có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Nghĩa là, Covid-19 vẫn thực sự rất khó đoán.
"Sẽ thật điên rồ nếu bạn chỉ dựa vào đây mà tìm cách chủ động nhiễm bệnh," - Tiến sĩ Robert Murphy từ ĐH Feinberg nhận xét. "Nó chẳng khác gì chơi với thuốc nổ."
Nói thêm về khái niệm "siêu miễn dịch", các chuyên gia cho biết nó sẽ không xảy ra nếu người nhiễm không tiêm vaccine. Bởi qua các nghiên cứu, những ca nhiễm đột phá trong làn sóng dịch Delta cho thấy mức kháng thể hiệu quả gấp 10 lần so với những gì có được từ mũi vaccine thứ 2.
"Không chỉ lượng kháng thể cao, mà khả năng chống lại các biến thể khác cũng là rất lớn," - Fikadu Tafesse, đồng tác giả nghiên cứu từ ĐH Oregon cho biết.
"Các loại vaccine vốn được thiết kế chống lại chủng gốc. Nhưng khi nhiễm đột phá, nó phải là Delta hoặc Omicron. Điều đó sẽ giúp bạn có nhiều loại kháng thể hơn."
Nguồn: Insider
Link gốc: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/nghien-cuu-khong-the-tin-noi-nguoi-da-tiem-vaccine-ma-nhiem-bien-the-omicron-se-so-huu-kha-nang-sieu-mien-dich-162222801183746366.htm
Theo ttvn.vn