Trong thời gian đầu của dịch, người ta thấy thời gian ủ bệnh COVID-19 vào khoảng 2 -12 ngày. Còn theo kinh nghiệm từ những dịch bệnh trước đó như MERS và SARS, thời gian ủ bệnh thường là 14 ngày.
Trong thời gian ủ bệnh, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm cho người khác. Do vậy cách ly 14 ngày là để giảm thấp nhất số người bị lây nhiễm.
Đến giai đoạn sau của dịch, đã có những thay đổi trong hiểu biết này. Các nhà nghiên cứu ước tính thời gian ủ bệnh trung bình chỉ khoảng 4-5 ngày. Theo họ, chỉ có 1% số người bệnh, thậm chí chỉ 0,1% , là có thời gian ủ bệnh dài bất thường đến hơn 14 ngày.
Lựa chọn thời gian cách ly 14 ngày cũng đồng nghĩa chấp nhận bỏ sót một số ít ỏi những đối tượng có thời gian ủ bệnh dài bất thường kể trên. Tuy nhiên, do áp dụng cho số đông nên đó là cơ sở cho khuyến cáo cách ly 14 ngày đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
Cách ly dài ngày là khoảng thời gian tuyệt vời để sáng tạo. Nguồn: Bored Panda
Nhưng một nghiên cứu mới nhất của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) vừa đưa ra ước tính mới: một nửa số người có thời gian ủ bệnh dưới 7,76 ngày, tức là dài hơn 2-4 ngày so với những dữ liệu từng ghi nhận.
Trong một số trường hợp, thời gian ủ bệnh còn lâu hơn nhiều.
Cụ thể:
- 5-10% số người được nghiên cứu có thời gian ủ bệnh dài hơn 2 tuần (cụ thể 14,28 ngày), lâu hơn rất nhiều so với tỷ lệ được biết trước đó.
- Trong 1% trường hợp, thời gian ủ bệnh ước tính là dài hơn 20 ngày.
Một bài viết khác được đăng tải trên Tạp chí của Đại học Cambridge (Mỹ) cũng đề xuất thời gian cách ly dài hơn.
Do vậy, theo nghiên cứu này, việc bỏ sót 5 đến 10 ca trên mỗi 100 người là tỉ lệ vô cùng lớn nếu áp dụng cho một cộng đồng người đông đúc.
Nghiên cứu này khiến chúng ta phải đặt lại câu hỏi về thời gian cách ly. Cách ly 14 ngày liệu đã đủ để sạch bệnh chưa?
Các nghiên cứu khác cũng đưa ra giá trị R0. R0 là con số cho biết mức độ lây lan của một căn bệnh. Ví dụ, R0 phổ biến nhất của COVID-19 vào khoảng 2,5. Có nghĩa cứ mỗi ca nhiễm COVID-19 sẽ lây lan cho trung bình 2,5 người khác trong cộng đồng.
Thông thường, R0 > 1 tương ứng với giai đoạn dịch bệnh tiến triển, vì mỗi người mắc bệnh sẽ lây lan cho nhiều hơn 1 người khác khiến cho số lượng nhiễm bệnh tăng cao. R0 < 1 tương ứng với giai đoạn lui dịch. Và nếu R0 = 1, dịch đi vào giai đoạn ổn định (mỗi ca nhiễm cũ sẽ được thay thế bởi một ca nhiễm mới, hầu như không tăng giảm về số lượng).
Trong thời gian ủ bệnh, những ca COVID-19 vẫn có khả năng lây nhiễm nếu tiếp xúc với người khác. Khoảng thời gian này vô cùng nguy hiểm, vì thậm chí những người nhiễm virus cũng không biết mình đã nhiễm hay chưa (do không biểu hiện triệu chứng).
Có thể hiểu nôm na, nếu thời gian ủ bệnh dài, mức độ lây lan của bệnh trong cộng đồng sẽ tăng theo, và do đó R0 cũng tăng. Vì thế, xác định được thời gian ủ bệnh sát với số đông nhất sẽ giúp giúp cải thiện hiểu biết về cơ chế lây truyền của bệnh và điều trị.
Vì sức khỏe cộng đồng, ai cũng phải đo thân nhiệt tử tế, không có ngoại lệ. Nguồn Bored Panda.
Nhưng, nghiên cứu nào cũng có hạn chế.
Những phát hiện lần này dựa trên một số giả định để thoả mãn mô hình toán học được nghiên cứu áp dụng. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã phải giả định rằng mọi người đã nhiễm phải virus từ Vũ Hán hoặc trong quá trình di chuyển từ Vũ Hán đến những khu vực khác. Nếu giả định này không đúng, thời gian ủ bệnh thực tế của virus có thể ngắn hơn.
Đồng thời, nghiên cứu kể trên sử dụng dữ liệu từ những ngày đầu của đại dịch, do đó kết quả sẽ không còn đúng nếu virus hiện nay đã có những đột biến so với chủng cũ.
Con số trên từ đâu ra?
Giai đoạn ủ bệnh của COVID-19 được tính là khoảng thời gian từ khi virus SARS-CoV-2 xâm nhiễm vào trong cơ thể đến khi xuất hiện các triệu chứng. Mỗi người có thể có thời gian ủ bệnh khác nhau: 7 ngày, 3 ngày, có người lại kéo dài đến 12 ngày.
Giới chức y tế sử dụng thời gian ủ bệnh để tối ưu hoá thời gian cách ly cũng như để hiểu cách thức lây truyền của bệnh và xác định nguồn gốc ổ dịch. Rõ ràng, thời gian cách ly cần phải đủ lâu để bao phủ cả những ca bệnh có thời gian ủ bệnh dài bất thường, nhưng cũng không thể kéo dài quá lâu vì đi kèm nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Trong nghiên cứu nói trên, các nhà khoa học sử dụng dữ liệu từ gần 13.000 ca xác định nhiễm COVID-19 từ các tỉnh ngoài Hồ Bắc (Trung Quốc), chọn lọc ra gần 1.100 trường hợp từng đi/đến hoặc cư trú tại thành phố Vũ Hán để đưa vào nghiên cứu. Họ tiến hành theo dõi từ thời điểm người ấy rời khỏi Vũ Hán đến khi họ khởi phát triệu chứng.
Những thông tin được khai thác gồm khu vực sinh sống, giới tính, tuổi, ngày khởi phát triệu chứng, ngày chẩn đoán, tiền sử đi lại và ngày khởi hành từ Vũ Hán.
Đây là nghiên cứu có số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất cho đến hiện tại. Kết quả được đăng trên tạp chí khoa học uy tín Science Advances .
Các nhà nghiên cứu sử dụng một phương pháp toán học mới chưa từng được áp dụng, gọi là lý thuyết phục hồi (renewal theory).
Phương pháp này giúp làm giảm sai số nhớ lại, cho kết quả chuẩn xác hơn. Trong nghiên cứu, đây là một sai số hay gặp phải khi hỏi về những sự kiện trong quá khứ, chẳng hạn đối tượng nghiên cứu nhớ nhầm ngày khởi hành, hay nhầm ngày khởi phát triệu chứng.
Đối tượng nghiên cứu trẻ nhất là một em bé 6 tháng tuổi, còn người lớn nhất là 86 tuổi. Tuy nhiên, các tác giả không tìm thấy bằng chứng cho thấy thời gian ủ bệnh COVID-19 phụ thuộc vào tuổi. Do đó, mặc dù nghiên cứu này chỉ dựa trên một nhóm người, nhưng vẫn có thể sử dụng kết quả của nó suy rộng ra cho cả cộng đồng mà vẫn giữ được độ chính xác nhất định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. https://ncov.moh.gov.vn/-/sang-26-8-khong-co-ca-mac-moi-592-benh-nhan-covid-19-a-khoi-benh
2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/scientists-revise-covid-19-incubation-period-to-7-7-days
3. https://advances.sciencemag.org/content/6/33/eabc1202
4. https://www.acpjournals.org/doi/10.7326/M20-0504
5. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1341321X20302099
6. https://www.cambridge.org/core/journals/infection-control-and-hospital-epidemiology/article/difference-in-the-incubation-period-of-2019-novel-coronavirus-sarscov2-infection-between-travelers-to-hubei-and-nontravelers-the-need-of-a-longer-quarantine-period/AB1FB7B5B94F5ED63408D86D43087239
7. https://bmcmedicine.biomedcentral.com/articles/10.1186/1741-7015-7-30
8. https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=3524675
Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.
Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.
Link gốc: http://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/tin-moi/nghien-cuu-moi-ve-thoi-gian-u-benh-covid-19-vua-gay-bat-ngo-vua-co-han-che-223380
Theo ttvn.vn