Ngỡ ngàng hình dáng của "tổ tiên" các loại củ quả quen thuộc trước khi được thuần hóa

Hình dáng ban đầu của những loại củ quả chúng ta ăn thường ngày khiến nhiều người ngạc nhiên vì sự khác lạ so với ngày nay.

1. Dưa hấu

Tổ tiên "đầy hoang dại" của dưa hấu là loài thực vật quả nhỏ sống ở sa mạc, ruột màu trắng xốp có vị đắng. Dầu từ hạt của loài dưa hấu sa mạc này được sử dụng cho sản xuất dược liệu hoặc xà bông tắm.


Tranh vẽ về quả dưa hấu vào thế kỷ 17 của họa sĩ Giovanni Stanchi cho thấy quả dưa hấu thời kỳ 1645 - 1672 dù đã lớn lên rất nhiều về kích cỡ nhưng thịt vẫn rất ít và chia thành khoang, hốc chứa hạt.

Giống dưa này được trồng đầu tiên ở Châu Phi, sau đó lan rộng ra các nước Địa Trung Hải và qua các nước châu Âu.

Sau nhiều quá trình chọn lọc, giống dưa hấu dại này đã chuyển dần thành màu đỏ và nhiều thịt hơn. Ước tính, so với tổ tiên của nó, loài dưa hiện đại đã tăng từ 50mm đường kính lên 660mm đường kính. Năm 2000, quả dưa hấu nặng nhất thế giới đã  được ghi vào sách kỷ lục guiness với cân nặng là 121kg. Thậm chí, nhờ bàn tay của con người, quả dưa tròn không hạt còn có thể biến thành hình vuông.

2. Chuối

Những quả chuối đầu tiên xuất hiện cách đây ít nhất 7.000 năm trước và có thể là 10.000 năm trước. Chuối ngày nay bắt nguồn từ hai giống hoang dã chính trong tự nhiên là Musa acuminata và Musa balbisiana. Chúng có hạt lớn, cứng, và có đường kính lên đến 6mm.


Musa acuminata là tổ tiên của loài chuối vào khoảng 8.000 năm trước công nguyên.

Ở các nước đang phát triển, chuối không chỉ để ăn mà còn được chế biến thành nhiều món khác nhau như chiên, luộc, nướng, ngâm rượu hoặc thậm chí có cả bia chuối.

Giống chuối hiện đại có với hình dáng thon gọn và lớp vỏ ngoài có thể bóc dễ dàng. So với tổ tiên của nó, hạt của giống hiện đại nhỏ hơn, ngon hơn, giàu dinh dưỡng hơn.

3. Cà tím

Để tiến hóa được đến ngày nay, quả cà tím đã từng là một giống cà hoang dại mọc bên đường, quả nhỏ, ít thịt, màu sắc đa dạng từ trắng, xanh, tím vàng, nhiều giống có gai và thậm chí có độc. May mắn thay, “con cháu” thế hệ sau của chúng lớn lên nhiều về kích thước, không có độc, màu tím, suôn dài và không còn gai nữa.

4. Cà rốt

Bạn có thể không tin nhưng cà rốt hoang dã ban đầu được trồng để lấy hạt. Những củ cà rốt đầu tiên được trồng sớm nhất vào thế kỷ thứ 10 ở Ba Tư và Tiểu Á.

Ban đầu, chúng chỉ là một cái rễ mỏng màu tím hoặc trắng. Sau nhiều quá trình chọn lọc giống, cà rốt hiện đại mất đi sắc tố màu tím khiến chúng trở thành màu vàng cam như ngày nay. Những củ cà rốt màu da cam như ngày nay lần đầu tiên xuất hiện ở Hà Lan vào thế kỷ 17.

5. Ngô

Trước khi thuần hóa, tổ tiên của bắp ngô đầy hạt mũm mĩm mà chúng ta ăn ngày nay đã từng là một tép hạt dài chưa đầy 2,5cm nằm trên cây cỏ dại tên là Teosinte và mỗi cây cỏ dại này chỉ có 1 “bắp” duy nhất như thế.

Ngô được thuần hóa lần đầu tiên vào năm 7.000 trước Công nguyên. Ngày nay, ngô hiện đại lớn gấp 1.000 lần so với kích thước của tổ tiên nó 9000 năm trước. Bắp ngô ngày nay cũng dễ bóc hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và dễ trồng hơn. Trong bắp ngô hiện đại chứa 6.6% là đường, trong khi tổ tiên của nó chỉ chứa 1.9%. Những thay đổi nhiều nhất của nó diễn ra trong thế kỷ 15 khi người định cư ở châu Âu bắt đầu trồng ngô làm thức ăn.

6. Cà chua

Nhờ bàn tay thuần hóa tuyệt vời của con người, cà chua ngày nay đã thay đổi về kích thước, màu sắc và mùi vị. Tuy nhiên, tổ tiên của nó không tuyệt chủng. Hiện nay, một số giống cà chua hoang dã vẫn đang được người dân bản xứ tiêu thụ vì chúng giàu kali và vitamin C.

7. Dâu tây

Ngay từ khi xuất hiện, giống dâu tây hoang dã đã có vị thơm ngon với mùi hương rất tinh tế dù kích thước chỉ nhỏ bằng quả hạnh nhân. Điều đáng tiếc là sau quá trình chọn lọc giống, dù kích thước của nó đã lớn lên gấp nhiều lần, mùi vị tinh tế bạn đầu của nó không còn nữa.

8. Khoai tây

Hình ảnh bạn đang thấy là giống khoai tây bản địa đến từ Nam Phi. Nếu nhìn bề ngoài thì chắc chắn bạn sẽ chẳng thể nhận ra chúng là khoai tây bởi nó có rất nhiều hình dạng, màu sắc khác nhau.

Không ít tổ chức ở Nam Phi đang cố gắng bảo tồn sự đa dạng của giống khoai tây này và quảng bá mạnh mẽ chúng ra thị trường thế giới.

Qua hàng trăm năm chọn lọc, giống khoai tây phổ biến mà chúng ta ăn ngày nay có hình dáng trơn bóng hơn và màu đồng nhất hơn.

Cứ như thế, theo quy luật chọn lọc tự nhiên và quy luật tiến hóa, không biết 20 năm nữa, những giống rau củ quả hiện đại mà chúng ta ăn ngày nay sẽ trở thành những thứ như thế nào nhỉ?

(BrightSide, ScienceAlert)

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU