Là một sản phẩm thông dụng nên gần như ai sắp sinh con cũng đưa phấn rôm (hay còn gọi là phấn thơm) vào danh sách "giỏ đồ cần sắm" và tin dùng sản phẩm này để chăm sóc da cho con. Cha mẹ thường dùng phấn rôm cho trẻ sơ sinh với suy nghĩ giúp trẻ bớt hăm, ngứa, trị rôm sảy... Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh phấn rôm cũng có những tác dụng phụ, tiềm ẩn nguy hại sức khỏe với trẻ nhỏ vô cùng khó lường, chưa chắc tất cả cha mẹ đều biết đến.
1. Dùng phấn rôm cho bé gái làm gia tăng nguy cơ ung thư buồng trứng
Mới đây, thông tin về hãng dược phẩm với sản phẩm phấn rôm nổi tiếng được nhiều cha mẹ tin dùng Johnson & Johnson bị điều tra hình sự vì cố tình che giấu chất gây ung thư trong sản phẩm phấn rôm trẻ em đã gây sốc dư luận. Theo báo cáo của Bloomberg, trong nhiều năm qua, Johnson & Johnson đã phải đối mặt với 13.000 vụ kiện vì không thông báo với khách hàng rằng: Phấn rôm Johnson's Baby Powder có chứa amiăng - hít phải các sợi amiăng có thể gây ra các bệnh nghiêm trọng và gây tử vong, bao gồm ung thư phổi, u trung biểu mô và bệnh bụi phổi amiăng.
Có nhiều công thức hóa học pha chế phấn rôm khác nhau nhưng thành phần chính của nó vẫn là bột talc, muối canxi, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm. Trong đó, đáng chú ý nhất là bột talc - một loại khoáng chất rất mềm được nghiền mịn. Bột talc có khả năng hút ẩm nên nó được sản xuất dùng để thoa vào các vùng da có nếp gấp như cổ, bẹn, nách... để tránh bị hăm, tránh ẩm ướt.
Hàng chục năm qua, nhiều nghiên cứu đã chứng minh bột talc có mức độ nguy hiểm tương đương với amiăng, có thể gây ra các khối u ác tính trong buồng trứng và trong phổi. Đặc biệt là các bé gái, theo các thống kê, việc dùng phấn rôm cho trẻ trong một thời gian dài sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng cao gấp 4 lần so với những trẻ bình thường.
Lý giải tác hại của phấn rôm với bé gái, các nhà khoa học cho biết do hố chậu và bộ phận sinh dục bên trong của bé gái thông với bên ngoài nên khi thoa phấn rôm vào vùng bụng dưới của bé gái, các hạt bụi phấn li ti sẽ dễ dàng xâm nhập vào hố chậu thông qua âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, ống dẫn trứng dẫn đến viêm nhiễm, tạo điều kiện cho tế bào ung thư phát triển.
Dù chưa đưa ra kết luận chính thức về tác động gây ung thư buồng trứng của các loại phấn rôm nói chung nhưng các nhà khoa học vẫn cảnh báo rằng tốt nhất cha mẹ không nên thoa phấn rôm vào phần bụng dưới của bé gái.
2. Trẻ hít phải bụi phấn rôm dễ bị bệnh hô hấp
Bột talc - thành phần chính của phấn rôm - không tan trong nước, không bị phân hủy bởi vi khuẩn nên khi hít phải phấn rôm, nó sẽ tích tụ trong phổi khiến trẻ bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nặng hơn là nôn ói, tím tái và nghiêm trọng hơn thế nữa là có thể bị phù phổi. Các bệnh như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn tiểu phế quản cũng có thể xảy ra khi trẻ hít phải phấn rôm.
Ngoài ra, hít phải phấn rôm lâu ngày còn có thể gây "bệnh bụi phổi" do thành phần bột talc, silica tích tụ lâu ngày trong phổi, gây xơ hóa mô kẽ và tạo các u hạt. Bệnh này chỉ có thể chữa trị triệu chứng và không có thuốc giải độc đặc hiệu.
TS.BS Ngô Hồng Phong, chuyên ngành da liễu, Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc, Hà Nội cho biết: "Trước đây người ta hay dùng phấn rôm để làm dịu mát da cho trẻ và trị hăm da, nhưng hiện nay, các chuyên gia đều khuyến cáo không nên dùng phấn rôm, đặc biệt tối kỵ việc hít phải bụi phấn, gây hại đường hô hấp, nhất là với trẻ em".
3. Phấn rôm làm bít lỗ chân lông gây viêm da cho trẻ
Nếu bôi phấn rôm quá nhiều còn làm che bít lỗ chân lông của trẻ, mồ hôi không thoát được ra sẽ làm tình trạng rôm sảy càng nặng hơn.
Nhiều cha mẹ thấy con bị rôm sảy cuống quýt ngay lập tức lấy phấn rôm bôi lên những vùng trẻ bị rôm mọc để cho khỏi ngứa. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, phấn rôm không có tác dụng trị rôm sảy như mọi người nghĩ. Nhiều khi bôi phấn rôm nhiều còn làm bít lỗ chân lông của trẻ, khiến mồ hôi trẻ không thoát ra được, mà khi đã không thoát ra được thì bôi phấn rôm càng bị rôm hơn, thậm chí gây nhiễm trùng da cho trẻ.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết ông cũng đã khám cho khá nhiều trường hợp trẻ được bôi quá nhiều phấn rôm, khi mở vùng da của trẻ ra phấn rôm còn bết lại ở đó và vùng da đó thành ra thêm bệnh hăm.
Vì những tác dụng phụ trên, cha mẹ nên cân nhắc sử dụng phấn rôm trong việc chăm sóc da trẻ nhỏ. Nếu vẫn muốn sử dụng phấn rôm, cha mẹ nên tùy chỉnh liều lượng, mức độ sử dụng và lưu ý những điều sau:
- Lựa chọn sản phẩm phấn rôm của thương hiệu uy tín, còn hạn sử dụng, không chứa thành phần gây hại.
- Trước khi dùng, cần thử phản ứng da của trẻ bằng cách lấy một ít phấn rôm ra tay, thoa nhẹ nhàng lên da của bé và theo dõi trong 24 giờ.
- Tuyệt đối không được thoa phấn rôm lên mặt, mắt của trẻ và vùng kín (mặt trong đùi, quanh âm hộ, bụng dưới) của bé gái để ngừa khả năng gây ung thư.
- Tránh bôi phấn cho trẻ ở nơi có nhiều gió, quạt. Sau khi sử dụng phải đậy nắp lại cẩn thận và để ngoài tầm với của trẻ.
Theo Helino