Cô Trang Nhung giới thiệu thêm cho tôi về những cuốn truyện tranh, tạp chí đầy sắc màu mà chính học sinh đã viết, vẽ minh họa dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Có những cuốn xuất bản nội bộ trong trường, có cuốn đã được xuất bản toàn quốc. Đó là câu chuyện về cuộc "Phiêu lưu trên khinh khí cầu", về "Hệ mặt trời vui vẻ", hay "những chú khủng long tinh nghịch",... Dưới trí tưởng tượng, óc sáng tạo của trẻ nhỏ, thế giới hiện lên đầy tươi đẹp, ấm áp và đáng yêu đến lạ.
Trước thực trạng nhiều trẻ em bị nghiện các thiết bị công nghệ, quá gần gũi với iPhone, iPad mà xa rời trang sách, cô Trang Nhung tâm sự: Việc bồi đắp văn hóa đọc cho học sinh là rất quan trọng. Một khi đã yêu thích việc đọc, các em sẽ chủ động tiếp cận với nguồn tư liệu, bồi đắp được các giá trị sống tốt đẹp, xây dựng chiều sâu về mặt tâm hồn. Quan trọng hơn, sách cũng chính là "người thầy" giúp trẻ định hướng sự tử tế, biết yêu thương, chia sẻ và đồng cảm.
Trước khi chia tay trường Tiểu học Jean Piaget, cô Trang Nhung tâm sự với tôi về "thế nào là một bầu không khí học tập đúng nghĩa dành cho trẻ nhỏ". Nữ hiệu phó cho rằng, đó phải là một nơi tràn đầy cảm hứng, bận rộn và hợp tác. Cảm hứng có nghĩa học sinh luôn vui vẻ, chủ động, nỗ lực trong việc học. Bận rộn là khi các em luôn cặm cùi, mải miết tìm tòi, khám phá những kiến thức mới. Còn hợp tác là sự phối hợp, chia sẻ với nhau để chinh phục những thử thách.
"Nếu hết giờ mà học sinh vẫn muốn học. Với mỗi dự án mà học sinh luôn làm vượt yêu cầu, muốn để lại dấu ấn cá nhân, thì đó chính là biểu hiện của yêu thích việc học. Đó cũng là thành công lớn của người thầy"...