Nhiều người thường lầm tưởng bệnh viêm tuyến vú chỉ phát sinh ở sản phụ mới sinh con hoặc đang nuôi con bằng sữa mẹ. Thực tế lại không hẳn như vậy.
Cô Trần (38 tuổi) sinh con cách đây 3 năm và ngừng cho con bú được 2 năm. Khoảng 2 tháng trước, cô Trần phát hiện ngực trái sưng đỏ và nóng rát. Cô không để tâm và nghĩ rằng tình trạng sẽ được cải thiện trong vài ngày, thế nhưng bệnh tình ngày càng chuyển biến xấu. Cô Trần đã đến khám tại bệnh viện địa phương và uống thuốc, nhưng vết sưng ở ngực không có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng lan rộng, ngực trở nên căng tức và đau âm ỉ. Cô Trần lo ngại bệnh tình của mình nên đã quyết định chuyển viện.
Bác sĩ Triệu Mai San, khoa ngoại vú, bệnh viện Tungs' Taichung Metroharbor Hospital đã tiến hành khám và siêu âm cho bệnh nhân. Ông nhận thấy ngực trái của bệnh nhân bị viêm mủ nên hoài nghi cô mắc bệnh viêm tuyến vú. Bác sĩ Triệu Mai San kê toa thuốc kháng sinh cho bệnh nhân sử dụng, nhưng sau 1 tuần bệnh tình vẫn không khả quan. Sau đó, bác sĩ Triệu Mai San đã tiến hành xét nghiệm sinh thiết và xác nhận bệnh nhân mắc bệnh viêm tuyến vú. Cuối cùng ông phải tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân để loại bỏ mô tế bào viêm, tình trạng của bệnh nhân đã cải thiện và xuất viện.
Bác sĩ Triệu Mai San cho biết: "Ngoài trường hợp là phụ nữ cho con bú, bệnh viêm tuyến vú có thể xảy ra ở nhóm đối tượng là phụ nữ ngừng cho con bú, phụ nữ chưa sinh đẻ, nam giới và thậm chí là trẻ sơ sinh.
Viêm tuyến vú trong giai đoạn cho con bú, nguyên nhân chủ yếu là do ống dẫn sữa tắc nghẽn hoặc em bé ngậm cắn lúc bú sữa mẹ khiến đầu vú của người mẹ nhiễm trùng. Trường hợp viêm tuyến vú không phải trong giai đoạn cho con bú, nguyên nhân hiện nay vẫn chưa xác định, có khả năng liên quan đến hệ miễn dịch trong cơ thể người bệnh".
Bác sĩ San cảnh báo: "Biểu hiện của viêm tuyến vú là người bệnh cảm thấy có hạch, hoặc khối cứng ở ngực kèm theo cảm giác đau đớn, vùng da sưng tấy. Cũng có thể xuất hiện tình trạng mưng mủ và đầu vú tiết dịch. Phương pháp điều trị là sử dùng thuốc kháng sinh, hoặc phẫu thuật loại bỏ tế bào viêm, chích rạch dẫn lưu tháo mủ để vết thương mau lành. Nếu mọi người nhận thấy ngực có dấu hiệu sưng tấy, nóng rát thì cần nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị, tránh tình trạng bệnh chuyển biến nặng khiến khả năng phục hồi kéo dài".
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến vú?
Bạn có thể bị bệnh này nếu bạn:
- Không cho bú trong suốt tuần đầu sau sinh.
- Loét hoặc nứt ở vú, tuy nhiên bạn có thể bị viêm tuyến vú mặc dù không bị vết nứt nào.
- Chỉ dùng một tư thế để cho bú, bởi vì nó không dẫn hết sữa trong vú của bạn ra được.
- Đã từng mắc bệnh này trong lần mang thai trước đây.
- Mặc áo ngực quá chật.
- Quá mệt mỏi.
- Mắc bệnh tiểu đường.
Theo Setn
Theo helino.ttvn.vn