Cách đây 2 tháng, khi vợ chồng anh Long (trú huyện Tuy Đức, Đắk Nông) ra vườn cao su làm việc để hai con là bé Nam (2 tuổi) và bé Na (15 tháng tuổi) chơi trong nhà.
Tới trưa, người thân phát hiện căn nhà của anh Long bốc cháy dữ dội. Do không thể chạy thoát khỏi đám cháy, 2 bé đều bị bỏng nặng. Bé Na tử vong sau đó còn Nam bị bỏng tới 80% cơ thể.
Bé được điều trị tích cực tại bệnh viện Nhi đồng 2 và đã qua được cơn nguy kịch do sốc phỏng, nhiễm trùng.
Tuy nhiên, bé bị phỏng độ 2-3, cháy gần toàn bộ da cơ thể (80% diện tích da), nếu không có phương pháp điều trị thích hợp che phủ vùng da bị tổn thương này, thì khả năng bé bị tử vong do nhiễm trùng, nhiễm độc và suy kiệt do mất dịch cơ thể là rất lớn.
Theo bác sĩ, diện tích da còn lại trên cơ thể của bé quá ít, không đủ để lấy da tự thân của bé ghép vào vùng da bị bỏng. Việc ghép da từ người thân sang cho bé là biện pháp tốt nhất trong thời điểm hiện tại.
Khoa bỏng tạo hình BV Chợ Rẫy đã được mời cùng hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhi để cùng phẫu thuật ghép da.
Ê-kíp mổ đã lấy da mỏng ở 2 bên đùi của anh Long, tiến hành dát mỏng da và ghép vào vùng đầu, mặt, cổ, ngực, 2 tay và 2 đùi cùa bé.
Bệnh nhi sau khi được ghép da từ người cha
Hiện bé đã ổn định, thay băng cho thấy da ghép đã dính và sống được ở phần đầu, mặt cổ, một phần ở tay chân da bị bong tróc nhưng vẫn tạo được điều kiện cho mô bên dưới lành tốt.
TS BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá, ghép da là phẫu thuật không quá khó, khả năng thành công cao nhưng đó là người lớn, còn đây là ca ghép da đồng loại đầu tiên thực hiện ở trẻ em.
Ngoài vấn đề chuyên môn phẫu thuật thì còn vấn đề gây mê ở người lớn và trẻ em, vấn đề pháp lý giữa ban giám đốc 2 bệnh viện, sự phối hợp của y bác sĩ.
BS Hiệp kỳ vọng thành công từ ca mổ này sẽ là tiền đề cho những trường hợp cần ghép da đồng loại khác về sau nếu có. Đó là điều mong muốn của các bác sĩ 2 bệnh viện và các bệnh nhi bị bỏng nặng sẽ có thêm các cơ hội điều trị nhằm phục hồi sớm hơn.