Người dân Hà Nội vẫn phải chèo thuyền, cung sống với rác sau cơn lũ lớn

1 tuần sau lũ lớn, người dân Hà Nội vẫn phải chèo thuyền đi lại giữa "biển" rác thải nổi lềnh bềnh.

Chiều 21/7, hàng trăm hộ dân khắp xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị cô lập hoàn toàn giữa bốn bề nước sau những ngày mưa lớn và thủy điện Hòa Bình xả lũ. 3 lần liên tiếp sau đó, nước lũ vẫn chưa chịu rút. Người dân trong xã chịu cảnh sống giữa mênh mông nước, không điện, không nước sinh hoạt, không cả lương thực.

Gần 1 tuần sau cơn lũ, khắp thôn xóm tại xã Nam Phương Tiến vẫn chìm nghỉm. Trên một số đoạn đường dẫn vào thôn Nam Hài, nước đã có dấu hiệu rút. Nhưng chỉ cần một cơn mưa kéo dài 30 phút, lũ lại dâng lên chừng 15 phân, người dân lại được phen hốt hoảng xắn quần xắn áo lội nước.

Đường làng, ngõ xóm bị ngập lụt, phương tiện chính để di chuyển của người dân là thuyền, mủng. Nhiều nhà ngập tận nóc, các hộ phải đi ở nhờ, ăn tạm cho qua bữa.

Nếu không có thuyền người dân buộc phải lội nước có chỗ ngập sâu tới 1,5m, hoặc sử dụng chai nhựa xem như phao.

Con đường làng trước đây giờ thành "ao" chăn vịt trong những ngày lũ.

Ủy ban nhân dân xã đã điều 2 xe tải để phục vụ công tác di cư đến nơi ở tạm của bà con.

Từng đoàn xe đi qua chở bao ánh mắt lo lắng của từng hộ dân. Họ không rõ đến bao giờ có thể quay lại căn nhà của mình.

Căn nhà của ông Nguyễn Văn Năm (50 tuổi, thôn Nam Hài) ngập nặng nghiêm trọng. Giờ đi loanh quanh trong sân nhà cũng hết sức cẩn thận. Lớp nước đục ngầu che hết mọi chướng ngại vật ở phía dưới, nếu chẳng may có thể vấp ngã.

Từ đầu xã đến cuối xã Nam Phương Tiến, nước đọng đã ngả màu xanh, bốc mùi hôi thối. Nước chưa rút, người dân cũng chẳng thể tổng dọn vệ sinh. Vì cứ dọn được một chỗ, thì không rõ từ đâu rác thải, xác thủy sản, hoa màu lại tiếp tục trôi nổi lềnh bềnh.

Nhà ông Năm phải lấy thanh gỗ dài chắn ngang "dòng" rác thải ngay trước cửa nhà mình. Ông Năm nhớ lại, năm ngoái cũng xảy ra tình trạng tương tự. Và thật không may, rác của cả xã cứ ồ ạt đổ về nhà ông, chất đống và cực hôi thối.

Cả nhà ông Năm lo lắng, tự hỏi bao giờ thì nước mới rút để không phải sống trong cảnh ngập úng như thế này nữa.

Tủ lạnh, bếp núc, nồi niêu, xoong chảo,... cơ bản mọi vật dụng trong nhà ông Năm đều được kê cao để tránh nước vào dẫn đến hư hỏng.

Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Chương Mỹ có gần 1.870 ha lúa, 213 ha rau màu, 263 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng. Nhiều đoạn kênh mương bê tông bị hư hỏng, nhiều đoạn đê, hồ, đập bị ngập, tràn, sạt lở... Những ngày qua, ngập lụt khiến nước dâng lút mái nhà. Nguồn thải ô uế từ bãi rác của xã bị sóng đẩy vào khu dân cư.

Nhiều người dân ở xã đã bị nhiễm bệnh ngoài da, bệnh hô hấp. Sau 6 ngày ngập lụt, đã có gần 200 lượt bệnh nhân đến khám và xin thuốc. Các bệnh phổ biến họ thường gặp là viêm da, đau mắt đỏ, tiêu chảy. Trong thời gian tới, chắc chắn số người mắc bệnh sẽ còn tăng nhiều.

Rác thải khắp nơi mọi chốn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.

Cuộc sống của người dân đang bị đảo lộn hơn bao giờ hết. Ngoài việc chạy lũ, họ còn phải nơm nớp các loại dịch bệnh.

Bà con tấp nập dọn dẹp sau lũ. Nhưng cứ dọn một chỗ, lúc sau rác thải từ đâu theo dòng nước lại ùa về.

Một chiều tại xã Nam Phương Tiến, đầu đường có giăng chiếc cờ tang trắng. Nghe bảo trong thôn có người vừa mất, người thân đã tính đến cách di quan bằng cano hoặc xe tải, chứ xem ra thuyền thúng cũng chẳng ăn thua với kiểu thời tiết lúc này.

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU