Anh Tùng (45 tuổi, quận 12, TP HCM) bị bệnh u xơ thần kinh từ lúc sinh ra. Bệnh do di truyền, có thể chữa trị nhưng hoàn cảnh nghèo không có tiền chữa khiến người đàn ông ấy phải mang trên mình những khối u mọc khắp người, che hết một nửa mặt, làm hỏng một mắt hơn 3 thập kỷ qua. Anh từng ước có bạn đời chia sẻ buồn vui, nhưng vì tự ti với ngoại hình mà chẳng dám thổ lộ tình cảm với ai. Hằng ngày, anh vẫn đi làm phụ hồ, chạy xe ôm nuôi mẹ già và các em đau bệnh.
Một ngày cuối năm 2013, anh Tùng gọi điện cho người thân để trao đổi công việc thì bấm nhầm hai số cuối. Lúc đó, chị Trinh (khi ấy 38 tuổi, ở Cà Mau) vẫn một mình lẻ bóng, đang khom lưng làm cỏ rẫy thuê thì điện thoại rung liên hồi. Thấy số lạ nhưng chị vẫn bấm nút nghe. Bên kia, giọng anh Tùng dồn dập: “Ngày nào bắt đầu làm. Một ngày công bao nhiêu. Tôi có được hỗ trợ ăn trưa không?”. Chị Trinh nghe mà chưng hửng, bụng nghĩ, ai lại vô duyên như vậy, chẳng cần chào hỏi gì đã nói xa xả rồi.
Bực mình, nhưng chị Trinh vẫn nhẹ nhàng đáp: “Anh ơi! Bị nhầm số rồi. Tui không phải người thuê anh làm đâu”. Nghe giọng nữ ngọt ngào, trầm ấm, anh Tùng rối rít xin lỗi nhưng không quên chọc: “Em ở đâu cho anh mời cà phê chuộc lỗi”. Cuộc trao đổi qua lại khiến họ trở nên thân mật hơn. Từ đó, tối nào anh Tùng cũng gọi vào số máy mình bị nhầm để nói chuyện, tha thiết xin làm quen. Ban đầu, chị Trinh thấy khó chịu, nhưng lâu dần, một ngày không được người lạ hỏi thăm lại thấy nhớ, ngẩn ngơ ngóng chờ.
Trò chuyện suốt hơn 6 tháng nhưng chưa một lần anh đề nghị gặp mặt, chị Trinh thắc mắc: “Sao chúng ta không gặp nhau nhỉ. Hay là anh chỉ đùa cợt với em”. Câu hỏi làm anh Tùng suy nghĩ rất nhiều. “Tôi không hề có ý đùa cợt cô ấy. Nhưng nếu gặp nhau, tôi lo, với khuôn mặt dị dạng này sẽ làm cô ấy hoảng sợ thì thất bại”, anh bẽn lẽn kể. Cuối cùng, anh phải nói: “Anh sẽ xuống gặp em một ngày gần nhất”.
Tình yêu chân thành đã giúp anh Tùng chinh phục được người phụ nữ quê Cà Mau, dù khuôn mặt anh khiến nhiều người sợ hãi.
Ngày anh Tùng mang hành lý đi gặp người yêu cũng đến. Đó là một ngày cuối tháng 9/2014, vô cùng đáng nhớ với anh. Sáng sớm, gom số tiền làm thuê một tháng, anh Tùng bắt xe đi Cà Mau với tâm trạng bồn chồn lo lắng, không biết, gặp mình cô ấy sẽ phản ứng ra sao. “Trường hợp cô ấy đồng ý nhưng bị bố mẹ phản đối, làng xóm dị nghị thì giải quyết thế nào”, anh nghĩ. Cuối cùng, anh đánh liều, nếu không thành công thì cũng được một chuyến du lịch về miền quê sông nước.
Chị Trinh cũng dậy thật sớm, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, trang điểm một chút, chọn một bộ đồ mới nhất mặc vào rồi hồi hộp chờ giây phút gặp người yêu, lòng không thôi bồn chồn lo lắng. “Tôi nghĩ, anh ấy dân Sài Gòn chắc phải cao lớn, trắng trẻo và thư sinh lắm. Mình là gái nhà quê, bố mẹ lại nghèo, không biết họ nghĩ gì”, chị nói.
Vừa nhìn người đàn ông dáng người ốm thấp, đen nhẻm, khuôn mặt dị dạng, chị Trinh giật mình hoảng sợ. Nhưng nhớ lại suốt thời gian hai người trò chuyện, anh từng tâm sự, sinh ra trong gia đình nghèo, mẹ và các em đau bệnh liên miên, chị thấy thương vô cùng. “Anh ấy mang khuôn mặt như vậy đi đường xa xuống đây gặp mình là đã trải qua bao nhiêu dị nghị rồi. Tôi chẳng có lý do gì để từ chối cả”, chị nói.
Nhiều người bảo chị, ế lắm hay sao mà lấy một người đã nghèo còn dị dạng. Mẹ chị cũng kịch liệt phản đối. Bà ra điều kiện, nếu chị đồng ý thì đừng nhìn mặt ai trong gia đình. Chị chỉ biết khẳng định chắc nịch: "Anh ấy nghèo, xấu xí nhưng tính tình rất tốt. Con sẽ làm chỗ dựa cho anh ấy".
Cuối cùng, với quyết tâm của chị, tính tình thật thà và tình yêu của anh cũng được mẹ vợ chấp nhận. Trở về, anh thưa chuyện với mẹ rồi cùng người thân đưa 3 triệu xuống nhà chị làm cái tiệc nhỏ nhỏ đãi bà con làng xóm. Họ đã trở thành vợ chồng. Chị gói ghém hành lý, lên nhà anh làm dâu.
Bé Ân sinh ra khỏe mạnh, nhưng sau ba ngày thì bỏ bú, sốt cao và được chẩn đoán bị u bướu giống bố kèm u não, hở van tim.
Được ba mẹ anh cho một căn gác hơn 12m2, anh chị tân trang lại một chút, mua một vài vật dụng mới làm chỗ ở. Dù không có công việc ổn định, nhưng với sự tháo vát, nhanh nhẹn, thời gian đầu chị Trinh đi bán khoai lang nướng, thu nhập cũng kha khá, hỗ trợ chồng. Căn gác nhỏ của họ lúc đó luôn tràn ngập tiếng cười, niềm tự hào của anh Tùng khi có vợ bầu bạn.
Hạnh phúc ấy như được nhân đôi khi chị Trinh biết tin mình mang thai con trai đầu lòng. Anh chăm sóc vợ chu đáo, tận tình, một hai bắt vợ ở nhà dưỡng thai, bản thân anh cố tìm việc làm nhiều hơn cho vợ yên tâm. Thế nhưng, niềm vui của họ chưa trọn vẹn.
Bé Ân (hiện 32 tháng tuổi) ra đời khôi ngô, khỏe mạnh, nhưng chỉ sau ba ngày là bỏ bú, sốt cao, cái đầu to quá khổ so với thân hình, ngày nào cũng khóc ngằn ngặt. Em bị u xơ thần kinh do di truyền từ ba, kèm u não và hở van tim, anh chị biết tin mà như chết lặng. Các bác sĩ cho biết, bệnh của bé Ân có thể chữa khỏi nhưng cần phải kiên trì theo đuổi và tốn rất nhiều chi phí.
Hơn hai năm qua, chị Trinh phải nghỉ việc ở nhà chăm con, mọi chi phí chỉ một mình anh Tùng lo. Tháng nào cũng thiếu trước hụt sau nhưng họ vẫn lạc quan, động viên nhau cùng cố gắng. “Mình ráng ăn ở tốt thì ông trời cũng ngó xuống. Tôi chỉ hi vọng con sẽ khỏe mạnh”, chị Trinh tâm sự.
Kế sinh nhai hiện giờ của chị là chiếc máy may cũ và một chiếc máy bơm nước do một đoàn từ thiện tặng. Chị cho biết, thời gian tới sẽ học thêm để mở một tiệm sửa quần áo cũ nhỏ tại nhà. Còn anh Tùng sẽ mở một tiệm rửa xe để có thu nhập làm kinh phí chữa bệnh cho con.