Người dân săn lùng xuyên tâm liên để chữa Covid-19, chuyên gia cảnh báo 'không nên, cần thận trọng'

Hiện nay, khi Bộ Y tế cho phép sử dụng xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19, trên các trang bán hàng trực tuyến, mạng xã hội bắt đầu có tình trạng rao bán xuyên tâm liên.

Người dân săn lùng xuyên tâm liên

Theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều người ở TP HCM và Hà Nội đang có nhu cầu mua xuyên tâm liên. Xuyên tâm liên khô được rao bán với giá 150 – 350 nghìn đồng/kg. Các loại thực phẩm chức năng bào chế từ xuyên tâm liên cũng trở thành mặt hàng được nhiều người săn tìm...

Chị Nguyễn Thị Hà – bán xuyên tâm liên ở Hà Nội - cho biết việc dùng vị thuốc này rất đơn giản, chỉ cần nấu lên như trà mỗi ngày, khoảng 1 lạng cho cả gia đình uống. Chị Hà nói tác dụng của xuyên tâm liên là "giảm nguy cơ mắc Covid-19 cũng như giảm khả năng bệnh nặng nếu mắc Covid-19".

Anh Bùi Văn Ngọc, Quận 9, TP.HCM, cho biết gia đình anh có người là F0 và trong khi F0 đang đi cách ly, cả gia đình anh cũng được người thân từ Tây Nguyên gửi xuyên tâm liên cho dùng. Tuy nhiên, khi nấu lên có vị quá đắng không thể uống được.

Xuyên tâm liên được rao bán trên mạng.


Chuyên gia nói gì?

Theo bác sĩ Võ Thị Ngọc Thuý – bác sĩ y học cổ truyền, Phòng khám Đỉnh Đại Hữu, Quận 1, TP HCM xuyên tâm liên là thuốc có tính Hàn (lạnh) đi vào phế và can. Nó là kháng sinh thiên nhiên có thể trị đuợc nhiều vi khuẩn, virus…nhưng dùng nhiều gây lạnh tỳ vị và trệ khí.

Trong lâm sàng, bác sĩ Thuý cho biết chị thường dùng vị thuốc này trong các bài thuốc có các vị thuốc chứa tinh dầu và ấm tỳ vị như bạc hà, tía tô, kinh giới, gừng, bạch truật. Bác sĩ nói chị hiếm khi sử dụng một vị thuốc xuyên tâm liên riêng biệt vì tính công phạt khá mạnh. Tính công phạt có nghĩa là khả năng gây hại khi dùng nhầm hoặc quá nhiều. Với cơ thể yếu, hàn, ăn kém sẽ dễ bị các phản ứng như khó chịu đường tiêu hoá, buồn nôn, đau bụng, tụt đường huyết, mệt, hụt hơi, ăn không ngon.

Bác sĩ Thuý cho biết không nên dùng xuyên tâm liên để phòng bệnh và cũng không nên chỉ dùng duy nhất vị thuốc này. Việc dùng xuyên tâm liên nên thận trọng chứ không an toàn như các loại cây lá khác.

Theo TS. Trần Minh Ngọc - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế, việc đi tìm mua thuốc xuyên tâm liên là không nên.

Theo TS Ngọc, tác dụng diệt virus SARS-CoV-2 của xuyên tâm liên mới được chứng minh trong phòng thí nghiệm, và đang trong các bước thử nghiệm trên lâm sàng, đánh giá khả năng điều trị Covid-19, đến nay chưa có đầy đủ kết quả để khẳng định tác dụng điều trị Covid-19 của xuyên tâm liên.

TS Ngọc cho rằng để hỗ trợ điều trị Covid-19 có thể sử dụng rất nhiều vị thuốc khác, nhiều bài thuốc khác như Ngân kiều tán, Ngọc bình phong tán, Ma Hạnh Thạch Cam thang… cũng như khuyến cáo các biện pháp phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế.

Ngoài ra, thuốc xuyên tâm liên cũng như bất kỳ loại thuốc nào cũng đều có những chỉ định, chống chỉ định, tác dụng phụ, liều dùng, tương tác thuốc… Nếu người dân tự ý mua về, tự ý sử dụng, sử dụng không đúng cách, có thể dẫn tới không phòng chống được Covid-19, mà còn có thể gây tổn hại tới sức khỏe cho người sử dụng.

TS Ngọc khuyến cáo người dân chỉ sử dụng thuốc xuyên tâm liên theo chỉ dẫn của các thầy thuốc. Xuyên tâm liên có thể gây ra các tác dụng phụ như chán ăn, tiêu chảy, nôn mửa, phát ban, nhức đầu, sổ mũi, mệt mỏi…

Khi dùng liều cao có thể gây sưng các tuyến bạch huyết, phản ứng dị ứng nghiêm trọng, tăng men gan. Những người đang dùng thuốc chữa tăng huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, thận trọng khi dùng phối hợp xuyên tâm liên.

Những người suy thận, suy gan không nên dùng thuốc xuyên tâm liên. Khi gặp các phản ứng không mong muốn người dùng cần liên hệ ngay với các cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Để đảm bảo bình ổn giá thuốc cổ truyền, dược liệu trong điều trị Covid-19 ngày 20/7/2021, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền Bộ Y tế đã có công văn số 741/YDCT-QLD gửi sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc đề nghị sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các bệnh viện, các cơ sở kinh doanh thuốc cổ truyền, dược liệu thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước về quản lý giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc; không được lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, tích trữ và đẩy giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc tăng cao, đặc biệt là các thuốc, các sản phẩm có thành phần từ xuyên tâm liên.

Các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc cổ truyền, dược liệu thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước đảm bảo nguồn cung cấp thuốc cổ truyền, dược liệu cho các cơ sở khám chữa bệnh. Trường hợp giá nguyên liệu đầu vào có sự gia tăng, đề nghị công ty nghiên cứu xem xét điều chỉnh các chi phí khác (chi phí bán hàng, chi phí quản lý…) để thực hiện việc bình ổn giá trong thời gian dịch bệnh Covid-19.

Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền tạo điều kiện ưu tiên giải quyết nhanh thủ tục hành chính trong cấp giấy phép đăng ký lưu hành thuốc cổ truyền, dược liệu; cấp phép nhập khẩu dược liệu phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.

 

Theo soha.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU