Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi lưu ý TP.HCM còn một số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây. Ngành y tế cần nỗ lực, tập trung điều tra, truy vết để kiểm soát bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thống nhất trong hành động.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi
Trong thời gian chờ vắc xin, để hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tụ tập đông người, ông Mãi đề nghị TP.HCM tăng cường ứng dụng công nghệ số, bản đồ số trong các cơ quan, xí nghiệp, KCN, KCX. Ông Phan Văn Mãi cho biết hôm 10/6, gặp gỡ đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, ông nhận thấy TP.HCM cần hướng dẫn các đơn vị tăng cường công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), các tòa nhà, doanh nghiệp… vì nhiều khả năng đến quý 1/2022, TP.HCM mới có đủ vắc xin.
Cuộc họp do Phó Bí thư thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi (trái) và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì |
|
Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi đề nghị quan tâm nhiều hơn đến công tác thông tin, tuyên truyền qua mạng xã hội. Và, TP.HCM cần có cơ chế trao đổi thông tin để các địa phương thấy được nỗ lực của TP.HCM và không còn e dè, nghi ngại.
“Vừa qua không chỉ có Đồng Nai đâu các đồng chí. Mình nên có cơ chế trao đổi. Hiện nay, nhiều quy định của các tỉnh đang gây rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa như yêu cầu lái xe có kết quả xét nghiệm âm tính có hiệu lực trong 24 tiếng hay 36 tiếng. Người dân từ TP.HCM về các tỉnh còn bị e dè, thậm chí gặp những kiểu ứng xử thái quá” - ông Mãi nói.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thừa nhận TP.HCM đứng thứ 3 cả nước về số ca mắc COVID-19, trong đó “điểm nóng” là tại nhóm truyền giáo Phục Hưng (Gò Vấp) đến nay đã có 441 ca bệnh được Bộ Y tế chính thức công bố.
|
Người dân TP.HCM về các tỉnh bị kiểm tra nghiêm ngặt, đặc biệt là phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và có một số nơi yêu cầu phải cách ly tại nhà 21 ngày. |
Từ chuỗi lây nhiễm này, TP.HCM xuất hiện hàng loạt chùm bệnh như tại Khách sạn Sheraton, quán Cà phê Trung Nguyên (104 Phổ Quang, quận Tân Bình), ổ dịch tại phường 15 quận Bình Thạnh, trường mầm non Kid town…
“Đến nay, các chuỗi lây nhiễm trên đã cơ bản được kiểm soát. Một số ổ dịch mới phát hiện đang từng bước được kiểm soát. Nói như vậy để thấy nhiều ổ dịch đã được kiểm soát, không phải chỗ nào ở TP.HCM cũng có dịch bệnh” - ông Phong nói.
Điều đáng nói, theo Chủ tịch Nguyễn Thành Phong, tỷ lệ các trường hợp F1 chuyển sang F0 đang giảm dần nhưng các ca bệnh được phát hiện qua khám sàng lọc tại các bệnh viện đang có xu hướng tăng.
“Điều đó cho thấy dịch bệnh trong cộng đồng, chúng ta vẫn chưa kiểm soát được hết”, ông Phong nhận xét.
Theo Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh, TP.HCM đang điều trị 566 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 9 bệnh nhân rất nặng đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Link gốc: https://tienphong.vn/nguoi-dan-tphcm-ve-cac-tinh-bi-e-de-ung-xu-thai-qua-post1345099.tpo
Theo ttvn.vn