Một người dù thông minh đến mấy thì cũng không thể nhìn thấu tất cả mọi chuyện trên đời. Một người dù khôn ngoan ra sao thì cũng không thể hiểu thấu hàng vạn nhân sinh.
Cho nên, bản lĩnh lớn nhất của một bậc trí tuệ thật sự không phải là huênh hoang khắp chốn, tiếng vang lan xa, mà chỉ là âm thầm yên lặng, chờ đợi thời cơ. Đó không phải biểu hiện của sự yếu đuối, mà là một phương thức nhường nhịn và trưởng thành.
Nhà triết gia, chính khách, nhà hùng biện, nhà lý luận chính trị La Mã là Marcus Tullius Cicero đã từng nói: "Silence is one great art of conversation". Có nghĩa là: Im lặng là một nghệ thuật trò chuyện tốt.
Khi một người im lặng không có nghĩa là họ muốn trốn tránh, đơn giản là vì họ đang học cách để đối mặt với mọi chuyện. Chúng ta chỉ mất 3 năm để học nói, nhưng mất cả đời để học cách ngừng nói. Khi học được đúng cách, giá trị của sự yên lặng sẽ còn hơn cả ngàn lời nói.
01.
Có một câu chuyện kể rằng: Một người đàn ông nổi tiếng và giàu có theo đạo Phật đã tới chùa đề nghị được xuất gia tu hành để tu tâm dưỡng tính, từ bỏ danh lợi và phồn hoa của thế tục. Dần dần, thời gian qua đi, phong thái và đức hạnh của ông dần đem tới tín ngưỡng cho mọi người nên được chọn lựa trở thành sư trụ trì tại chính ngôi chùa đó.
Thế nhưng, vào một ngày, mọi người bỗng nhiên bàn ra tán vào rằng nguyên nhân thực sự ông đi tu là vì ham mê số tiền tài hương khói khổng lồ của ngôi chùa này nên tìm cách chiếm đoạt. Tin đồn này khiến các đệ tử trong chùa nổi giận, họ cố gắng tranh biện với những kẻ tung tin ác ý ở khắp nơi để đính chính lại sự thật.
Khi vị sư trụ trì biết chuyện, ông không hề biểu lộ chút giận dữ nào mà chỉ gọi các đệ tử tới và nói: "Tuy các con xuất phát từ ý tốt nên mới hành xử như vậy, nhưng thực ra không đúng khi quấy nhiễu trật tự của mọi người. Xem ra, sau này ta phải sống thận trọng hơn nữa."
Các đệ tử lập tức giải thích: "Thưa sư phụ, rõ ràng những người đó cố tình bịa đặt để sỉ nhục người nên chúng con mới lên tiếng thanh minh mà!"
Vị sư trụ trì vẫn lắc đầu: "Nghe này các con, hãy nhớ rằng, dù sau này có ai đó nghe thấy những lời phỉ báng như vậy, hoặc bản thân phải chịu sỉ nhục, cũng đừng tốn thời gian đi tranh cãi vì càng làm như vậy, càng thiệt hại về mình mà thôi. Nếu con chỉ để mặc họ tự tung tự tác một mình thì sớm muộn gì họ cũng phải dừng lại, chẳng có hậu họa gì có thể phát sinh.
Nhưng nếu con phản ứng lại, tìm cách đáp trả, tốn thời gian tranh cãi thì mọi chuyện từ nhỏ cũng có thể xé to, như một vòng tuần hoàn vô cùng vô tận không có ngày chấm dứt. Như vậy các con lấy đâu ra thời gian và tâm trí mà tu hành? Giữ lấy cái tâm của mình cho những việc tốt đẹp và thiện lương mới là hành vi giá trị nhất.
Nếu lỗi sai thuộc về chúng ta, cho dù chẳng cần họ nói, người đời cũng hiểu. Nếu lỗi sai không thuộc về mình, thì dù họ nói xấu đến mấy, chúng ta cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Im lặng mới là đỉnh cao của sự khinh thường dành cho những kẻ ác ý bịa địa, sinh lời gièm pha ngoài kia."
Sau buổi hôm đó, các đệ tử không còn xuống núi tìm người để tranh cãi thay sư trụ trì nữa. Họ chỉ một mực yên lặng làm tốt bổn sự của mình, giúp đỡ những người gặp nạn khó khăn, chia sẻ sự thiện lương trong mỗi hành động.
Không bao lâu sau, mọi tin đồn không tốt về ngôi chùa đã dần biến mất. Dù có kẻ ác ý tung tin, đơm đặt bịa chuyện, người dân quanh đó cũng chẳng còn tin tưởng. Thế là mọi chuyện tan thành mây khói.
Có thể thấy rằng, đôi khi, chính sự yên lặng lại là vũ khí tranh biện sâu sắc nhất. Không phải mọi lời nói đều có đủ sức mạnh để chứng minh hay làm rõ mọi vấn đề, nhất là khi gặp những kẻ ôm trong lòng ý đồ xấu xa từ trước.
Họ chỉ nói những gì muốn nói, nghe những gì muốn nghe và tin những gì muốn tin. Sự thanh minh của chúng ta chỉ biến sự việc trở thành một cuộc chiến đối đầu, không ngừng tranh cãi, không ngừng được thổi phồng.
Lấy ác trị ác, chi bằng lấy thiện cảm hóa nhân tâm. Bậc trí giả có thể "nhẫn", có thể "lui", mà chuyển mê thành ngộ, chuyển khổ thành vui. Nên nhớ rằng, tài năng thường đến với những người biết giữ yên lặng nhiều hơn với những kẻ hay to mồm. Đừng sợ được mất thắng thua, chỉ sợ mất đi chuẩn tắc làm người, đừng sợ nghèo nàn khó khăn, hãy sợ đánh mất đạo đức và sự kính trọng.
02.
Có một nhà văn họ Lý từng kể rằng, trên chuyến bay từ nước ngoài về, nhà văn này đã ngồi gần một cặp vợ chồng người Đài Loan. Suốt cả hành trình, người vợ không ngừng ca thán, trách móc ông chồng của mình bất cẩn, lại giao chìa khóa nhà cho người làm thuê tới chăm sóc hoa trong khi họ sẽ đi vắng cả tuần liền.
Bà chỉ sợ khi về tới nơi, nhà cửa đồ đạc đã bị người ta khuân đi sạch sẽ rồi thì biết phải làm sao, lại hoặc là người làm thuê đưa người lạ tới thì biết làm sao...
Suốt nhiều phút đồng hồ, người chồng chỉ im lặng nghe vợ mắng mà không hề nói gì. Hành động duy nhất ông ta làm chỉ là cứ cách mười phút lại vươn tay lấy ly nước đặt bên cạnh đưa cho vợ.
Đến khi người vợ vắng mặt vì đi vệ sinh, nhà văn mới quay sang hỏi rằng: "Tại sao ông có thể kiên nhẫn chịu đựng đến thế mà không đáp trả câu nào vậy? Nghe bà ấy nói mãi mà ông không phiền à?"
Người chồng cười bình thản rồi trả lời: "Lời nói có thể là vũ khí để phản bác lại bà ấy, nhưng bà ấy là vợ tôi, ai lại đi cầm vũ khí chĩa vào người nhà của mình bao giờ đâu anh. Ngược lại, sự yên lặng lại là tấm khiên, vừa có thể bảo vệ tôi, lại vừa không khiến người quan tâm tôi phải chịu tổn thương vì góc cạnh”.
Sự yên lặng có thể chạm tới rất nhiều giá trị mà ngôn ngữ và lời nói không thể làm được. Nó giống như một làn sóng, êm đềm dịu dàng nhưng cũng vô cùng sâu lắng.
Thay vì nói quá nhiều để đả kích, làm tổn thương người khác, chính sự im lặng mới phù hợp với nhân tính hơn. Một người càng thông minh thì càng biết tận dụng cho đúng cách, tự hiểu thấu lòng mình, cũng biết bao dung cho mọi sự xung quanh.
Link báo gốc: http://ttvn.vn/song/nguoi-giu-duoc-dieu-nay-den-cuoi-cung-moi-la-nguoi-du-nang-luc-de-thanh-cong-ca-trong-doi-thuong-lan-su-nghiep-420192711065441.htm
Theo Trí Thức Trẻ