Người lội ngược dòng trong dịch SARS: Máy thở 2+2=4 và tình cảnh y bác sĩ 'phơi mình' trước con virus

Toát lên từ câu chuyện BS Nguyễn Hồng Hà kể là hình ảnh kiên gan, bền chí, tận tụy vô bờ của các y bác sĩ chiến đấu vì sinh mạng của bệnh nhân, bất kể đó là SARS, H5N1, SARS-CoV-2 hay bất kỳ con virus nào khác sẽ ập đến…

Là một trong những người đóng vai trò then chốt trọng trong chiến thắng của Việt Nam trước đại dịch SARS 2003, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên PGĐ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW, tiếp tục tham gia vào trận tuyến chống Covid-19 với vai trò thành viên Ban chống dịch, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế; tham gia tập huấn cho các tỉnh về phòng chống Covid-19. Công việc thì nhiều, nhưng quan trọng hơn cả, toát lên đằng sau những câu chuyện ông kể là hình ảnh kiên gan, bền chí, tận tụy vô bờ của các y bác sĩ chiến đấu vì sinh mạng của bệnh nhân, bất kể đó là SARS, H5N1, SARS-CoV-2 hay bất kỳ con virus nào khác sẽ ập đến…

PV: Những ngày qua, một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 trở nặng, lại xuất hiện cả những tin giả, gây nhiều lo lắng trong dân. Là thành viên Ban chống dịch của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, ông có thể nói rõ thêm về việc điều trị cho những ca bệnh nặng tại đây?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Đúng là khoảng gần 10 ngày nay, khi Việt Nam có một số ca bệnh trở nặng. Các bệnh nhân này phải thở máy, lọc máu, tình hình sức khỏe diễn biến phức tạp và phải theo dõi rất sát sao. Mọi chuyển biến của họ, đều được các bác sĩ báo cáo chi tiết với Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện.

Những cuộc họp hội chẩn diễn ra hàng ngày. Cá nhân tôi cũng thường xuyên tiếp những cuộc gọi dài, bất kể giờ giấc, bất kể ngày đêm, để tư vấn chuyên môn.

Phương hướng điều trị đối với nhóm bệnh nhân trở nặng là đã bị viêm phổi, suy hô hấp (chiếm khoảng 20% bệnh nhân nặng) thì bắt buộc phải điều trị ở tuyến trung ương.

Trong nhóm này, có khoảng 15% chỉ cần dùng máy thở không xâm nhập, có nhiều khả năng sẽ hồi phục tốt. 5% bệnh nhân nguy kịch, phải can thiệp thở máy xâm nhập hoặc sử dụng phương pháp ECMO (trao đổi oxy qua màng tế bào) và lọc máu. 

Về lý thuyết mà nói, trong 2 bệnh nhân nguy kịch, có thể cứu được 1 người cũng đã là may mắn.

Điểm chung của các bệnh dịch như H5N1, H1N1 hay SARS là khi bệnh nhân chuyển nguy kịch, phổi sẽ bị tổn thương nghiêm trọng khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.

Trong lúc này, tất cả y bác sĩ chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể, bằng mọi cách để các bệnh nhân nặng không lâm vào tình trạng nguy kịch, giữ cho Việt Nam không có ca tử vong vì Covid-19. Hoặc nếu chẳng may có ca tử vong, thì đó sẽ là con số ít nhất có thể.

PV: Ông là một trong những người đứng ở tuyến đầu trong cả 2 đại dịch. Đến thời điểm này, tôi vẫn muốn hỏi lại ông câu hỏi từ hơn 2 tháng nay được đặt ra: Virus SARS-CoV năm 2003 và SARS-CoV-2, phải chăng con năm 2003 độc lực vẫn mạnh hơn?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Theo tôi nên phân tích ở góc độ này thì toàn diện hơn. Bệnh SARS khó lây hơn Covid-19. Dù có bộ gen giống đến 80% so với virus SARS-CoV nhưng SARS-CoV-2 đã có một đột biến quan trọng, giúp nó bám vào một protein thụ thể gọi là ACE2 trên màng tế bào người.

Nồng độ virus SARS-CoV-2 ở trong các chất tiết của đường hô hấp rất cao. Trong khi đó, virus này lại có khả năng bám dính tốt vào tế bào người, dẫn đến khả năng lây lan mạnh mẽ. Nếu SARS trước đây có tỷ lệ lây nhiễm là 2,0 thì Covid-19 khoảng 4,08, tức là một người có thể lây nhiễm cho 4,08 người.

Đối với virus SARS-CoV, tỷ lệ tử vong khoảng 9,6% tổng số ca nhiễm. Với Covid-19, con số hiện tại là 4,5%. Nhưng vào năm 2003, hầu hết các nước, trong đó có Việt Nam, chỉ khám và kết luận những trường hợp có biểu hiện lâm sàng. Trong khi đó, hiện nay, có tới 50% số ca dương tính với SARS-CoV-2 không có biểu hiện lâm sàng, được phát hiện nhờ xét nghiệm.

Như vậy, nếu tính tỷ lệ tử vong theo "công thức" với dịch SARS, thì con số cũng phải tương đương 9%.

Điều này đúng với trường hợp của Ý, quốc gia chỉ xét nghiệm khi người bệnh có biểu hiện lâm sàng.

Như vậy, cũng có thể nói rằng, virus SARS-CoV-2 có độc tính mạnh tương đương SAR-CoV 2003. Nhưng con virus mới này nguy hiểm hơn hẳn, do rất dễ lây lan.

Lấy một ví dụ này để dễ hình dung. Năm 2003, một sản phụ tên Đ.T.H. nhiễm SARS khi sinh mổ ở bệnh viện Việt - Pháp. Cô xuất viện và khi tái khám theo lịch hẹn hôm 11/3/2003 mới phát hiện bệnh viện Việt - Pháp không tiếp nhận bệnh nhân. Sau đó, chị H. đã tới Bệnh viện Phụ sản Trung ương, và vì có tổn thương phổi, nên các bác sĩ ở đó đã mời tôi đến cùng hội chẩn.

Đó là bệnh nhân tương đối nặng, điều trị trong Viện Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới suốt 10 ngày bằng thở máy không xâm nhập, dùng kháng sinh chống viêm liều cao… mới qua khỏi.

Bây giờ đặt giả định nếu một người nhiễm Covid-19 mà có tiền sử dịch tễ đi đi lại lại như sản phụ H., tức là sau quãng thời gian ủ bệnh, tiếp xúc với mọi người và đi khám như trên, thì không thể tưởng tượng nổi là đã lây cho bao nhiêu người!

PV: Thiếu trang thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ đang là nỗi lo chung khắp thế giới, kể cả ở những nước có nền y học tiên tiến nhất. Đến nỗi, như tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump vừa phải dùng đến Đạo luật Sản xuất quốc phòng, yêu cầu các tập đoàn General Motors phải sản xuất máy thở "ngay lập tức". Một số bản tin còn miêu tả ông Trump giục hãng Ford: "Làm máy thở đi! Nhanh lên!"…

Trở lại câu chuyện của Việt Nam năm 2003, chắc hẳn trang thiết bị và bảo hộ y tế là vô cùng khó khăn?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Lúc đó, chúng ta đã chiến đấu với dịch bệnh trong điều kiện vô cùng khó khăn về nhiều mặt, chứ không phải chỉ chuyện thiếu thốn máy thở.

Đầu tiên là về xét nghiệm. Hoàn toàn không có test để xét nghiệm!

Khi Việt Nam phát đi cảnh báo về dịch SARS (lúc đó còn chưa có tên gọi), thì phải hơn 1 tháng sau, 11 phòng thí nghiệm trên thế giới mới xác định được, đây là chủng Corona virus (Mỹ công bố đầu tiên). Đến gần cuối vụ dịch, tới những ca bệnh cuối cùng vào khoảng cuối tháng 4, Việt Nam mới tìm thấy virus SARS trong chất đờm của bệnh nhân qua kính hiển vi điện tử. Vì thế, hầu hết ca chẩn đoán đều dựa vào biểu hiện lâm sàng và yếu tố dịch tễ (liên quan đến bệnh viện Việt - Pháp).

Khó khăn lớn tiếp theo là phương tiện phòng hộ rất thiếu thốn, không có những chiếc áo bảo hộ như bây giờ. Nói một cách hình ảnh thì chẳng khác gì y bác sĩ "không một mảnh giáp" phơi mình trước con virus SARS-CoV!

Chúng tôi dùng khẩu trang chuyên dùng trong phòng mổ, khi tiếp xúc gần bệnh nhân thì đeo 2 lớp khẩu trang này, áo bảo hộ không có nên phải dùng áo phẫu thuật. Vì tất cả đều thiếu nên khi vào phòng bệnh, chúng tôi mặc áo, bước ra thì cởi ra.

Về mặt hồi sức, phương tiện chữa cho bệnh nhân nặng rất thiếu thốn, nhất là máy thở. Thời gian đầu, chúng tôi chỉ có 2 máy thở cũ. Sau hơn 1 tuần xảy ra dịch bệnh, Nhật Bản mới viện trợ 2 máy thở mới. Tổng cộng là 4 cái.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất là bệnh nhân lo lắng vì họ luôn sợ. Có ở thời điểm đó và là người bệnh, mới hiểu hết nỗi sợ do virus SARS-CoV gây ra là như thế nào. Khi bệnh nhân hoảng loạn như vậy, nếu nhân viên y tế mà cũng sợ lây nhiễm và không ở gần họ, thì họ sẽ không biết bấu víu vào đâu.

Khó khăn thực sự quá nhiều, thật khó mà kể hết. Nhưng tôi nghĩ, để vượt qua được dịch bệnh năm đó, quyết định mở cửa buồng bệnh đóng vai trò quan trọng...

PV: Quyết định nổi tiếng này có thể ví như "bàn thắng lội ngược dòng" trước đại dịch SARS 2003, và hiện vẫn tiếp tục được ứng dụng với Covid-19. Nghe nói, hồi đó quyết định này ban đầu bị WHO phản đối?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Chính là vào ngày 8/3/2003! Khi được mời sang Việt - Pháp hội chẩn, tôi thấy viện đóng kín mít, rất u ám, ngột ngạt, không có một cánh cửa nào mở ra. Tôi đi vào đó chỉ chừng 30p mà đã thấy khó chịu.

Sau đó 2 ngày, khi ngồi ở Viện Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới, dù lúc ấy chưa có bệnh nhân SARS, tôi vẫn suy nghĩ mãi. Tôi đã nói với anh em trong viện: chúng ta phải làm cái gì khác chứ nếu để tình trạng như Bệnh viện Việt – Pháp: nhân viên y tế chữa cho bệnh nhân hôm trước, hôm sau lại trở thành người bệnh, thì không ổn.

Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là phải làm cái gì đó khác chứ chưa biết, thực ra cái khác đó là gì? Sau đó, tôi suy nghĩ lại cảm nhận rằng, đi vào viện Việt – Pháp, cảm thấy rất bí bách. Cuối cùng, tôi bàn bạc với anh em trong viện và quyết định, sẽ mở cửa buồng bệnh để tăng đối lưu không khí.

Về chuyện liên quan WHO, nói họ phản đối thì không hoàn toàn đúng, mà là khi biết Việt Nam làm như vậy một chuyên gia WHO đã dứng ra khuyên ngăn. Ông ấy cho rằng, Việt Nam phải đóng cửa buồng bệnh để tránh lây lan ra khu dân cư. Y bác sĩ muốn không bị lây nhiễm thì phải vào phục vụ, thăm khám bệnh nhân nhanh chóng rồi trở ra ngay lập tức để hạn chế thời gian tiếp xúc với nguồn bệnh.

Nhưng tôi cho rằng, không thể làm theo lời khuyên của vị chuyên gia này. Các bệnh nhân ở trong buồng bệnh, tình hình diễn biến thay đổi khó lường, không thể thiếu y bác sĩ túc trực. Hồi đó phòng bệnh không có camera, không có phương tiện gì hỗ trợ giúp theo dõi tình hình bệnh nhân. Trong khi đó, đây là bệnh dịch khiến rất nhiều người hoảng loạn, không nhìn thấy y bác sĩ, các bệnh nhân sẽ rất hoảng sợ. Mà trong việc điều trị, tinh thần bệnh nhân đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Các chuyên gia WHO đến từ những nước có điều kiện hiện đại. Đối với các bệnh dịch, họ thường điều trị, cách ly bệnh nhân trong phòng áp lực âm nên đã quen với việc đóng kín cửa. Nhưng ở điều kiện Việt Nam lúc đó, phương pháp này chưa thể áp dụng.

Chúng tôi cũng tin, bệnh viện và khu dân cư có một khoảng cách đủ xa. Mà bệnh SARS vốn lây qua giọt bắn (khác với H1N1 sau này lây qua không khí). Tuy nhiên, trong điều kiện phòng kín, không khí ít lưu thông thì mầm bệnh có thể tập trung trong đó đủ lớn để đạt ngưỡng gây nhiễm. Nó giống như việc một người đóng cửa hút thuốc lá, thì mùi thuốc sẽ ngột ngạt hơn rất nhiều nếu so với khi hút thuốc ở nơi thoáng khí.

Ngày 15/3/2003 bệnh nhân Cheng (ca bệnh SARS đầu tiên ở Việt Nam) tử vong ở Hong Kong. Ngày 17/3, y tá Lượng của Bệnh viện Việt - Pháp qua đời, ngay hôm sau chị Uyên mất. Lúc đó, chúng tôi gặp áp lực tâm lý khá lớn.

Tuy nhiên, mọi người cũng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh vì thời điểm chị Lượng qua đời, Viện Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới đã trải qua 1 tuần chiến đấu với SARS mà không có bất cứ nhân viên y tế nào nhiễm bệnh. Vậy là chúng tôi càng tin tưởng hơn vào biện pháp mở cửa buồng bệnh.

Cách làm này không chỉ giúp y bác sĩ không bị lây nhiễm chéo mà còn giúp tất cả các bệnh nhân khác và người nhà của họ đến thăm đều không bị lây nhiễm. Chính vì thế, nơi đây trở thành điểm an toàn. Sau khi Bộ Y tế đóng cửa BV Việt - Pháp, khử khuẩn toàn bộ khu vực này, nước ta đã không còn nguồn lây nhiễm và chóng thanh toán dịch SARS.

PV: Ngoài kinh nghiệm mở toang cửa phòng bệnh, dịch SARS năm đó còn để lại cho chúng ta những kinh nghiệm thành công quý báu nào trong việc phòng chống và điều trị Covid-19?  

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Mỗi dịch bệnh khác nhau, sẽ đòi hỏi cách phản ứng khác nhau.

Bệnh nào thì đến giai đoạn trở nặng, việc điều trị sẽ đều gặp khó khăn. Quan trọng là bác sĩ phải luôn theo dõi bệnh nhân tỉ mỉ, sát sao, có sự thay đổi phác đồ điều trị phù hợp. Tinh thần chung là chúng ta phải cá thể hóa người bệnh, cá thể hóa dịch bệnh, không nên cứng nhắc để luôn có quyết định phù hợp nhất.

Chẳng hạn như thời đó, chúng tôi đã có một quyết định, rất quan trọng, là để bệnh nhân nặng thở máy không xâm nhập. Chúng tôi nhận thấy, trong điều kiện bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, không tụt huyết áp thì thở máy không xâm nhập rất tốt. Nếu bệnh nhân hồi phục, bác sĩ có thể bỏ máy ra được luôn và bệnh nhân không bị biến chứng nhiễm trùng hay chấn thương áp lực.

Quyết định này được đưa ra sau khi rút kinh nghiệm từ viện Việt – Pháp. Vì tất cả các bệnh nhân thở máy xâm nhập (đặt ống nội khí quản) ở viện này đều tử vong (trừ y tá Nguyễn Thị Mến là người duy nhất sống sót).

Dù có nhiều ưu điểm đối với bệnh nhân nhưng khi áp dụng biện pháp thở máy không xâm nhập, y bác sĩ sẽ vô cùng vất vả. Họ phải theo sát bệnh nhân 24/24. Khi bệnh nhân ăn, phải đứng bên đút cho họ từng thìa, ăn một miếng, lại phải vội dừng để chụp mặt nạ oxy vào, cứ như vậy cho đến lúc phục vụ xong.

Bệnh nhân SARS thường sốt rất cao, phải hạ sốt nhiều. Chúng tôi vừa truyền, vừa chườm cho bệnh nhân, phục vụ ăn uống, vệ sinh, tắm giặt. Cam go nhất là vấn đề vệ sinh cho bệnh nhân vì các buồng bệnh không có phòng vệ sinh, y bác sĩ phải dìu bệnh nhân ra ngoài. Nếu bệnh nhân nặng, phải thở máy, chúng tôi phải quây lại, cho bệnh nhân vệ sinh tại chỗ.

Một quyết định khác, cũng rất quan trọng, là tôi đã trực tiếp đề xuất với GS.TS Trần Quỵ, Nguyên Giám đốc BV Bạch Mai khi đó, miễn phí toàn bộ chi phí thăm khám, điều trị SARS để thu hút tất cả các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng tới Viện Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới điều trị.

Tôi cũng viết công văn, đề nghị GS Trần Quỵ ưu tiên cho các bệnh nhân trong giai đoạn chống dịch. Vì lúc đó, do điều kiện hạn chế, muốn làm xét nghiệm, cấp đạm, thuốc men đều phải chờ BV Bạch Mai duyệt từng trường hợp. Chúng tôi đã dùng những biện pháp tốt nhất, những loại kháng sinh có hiệu lực cao nhất cho bệnh nhân…

Sự tận tụy của y bác sĩ cũng là yếu tố quan trọng giúp người bệnh vượt qua tâm lý hoảng sợ. Tôi còn nhớ, có một bệnh nhân tên Hùng (Việt kiều Ý), lây bệnh từ chú ruột là bác sĩ người Pháp khi người này đến thăm viện Việt – Pháp. Khi viện Việt - Pháp đóng cửa, bệnh nhân Hùng được chuyển sang đây ở mức độ rất nặng, phải ngồi 24/24 để thở oxy. Những ca bệnh nặng như vậy, nhưng với sự tận tụy và nỗ lực, chúng tôi cũng đã giúp họ vượt qua.

Thực sự, trong vấn đề chữa trị cho bệnh nhân thì không thể nói trước được điều gì. Vì nếu có quá nhiều bệnh nhân nặng, chúng tôi cũng sẽ phải đối mặt với khả năng có ca tử vong vì SARS. Tuy nhiên, may mắn là trong điều kiện khó khăn, chúng tôi đã luôn nỗ lực, áp dụng các hỗ trợ phù hợp, giúp 34/34 bệnh nhân của viện đều chiến thắng virus SARS-CoV.

         

 

   

         

 

   

PV: Và bây giờ, hẳn là hệ thống y tế của chúng ta đã sẵn sàng với những tình huống xấu nhất?

Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Từ sau dịch SARS, hệ thống hồi sức cấp cứu của ngành Y tế nước ta đã phát triển tương đối tốt.

Trước đây, khoa Hồi sức cấp cứu ở Viện Lâm sàng các Bệnh nhiệt đới chỉ có 24 giường với 12 giường nặng, 2 máy thở. Sau khi xây lại cơ sở, riêng ở đây đã có 50 giường hồi sức. Ở bên Đông Anh cũng có khoảng 50 giường nữa. Trên quy mô 500 giường bệnh mà có tới 100 giường được trang bị đầy đủ trang thiết bị với khoảng 60 máy thở, theo tôi, đó là một bước tiến rất lớn so với 17 năm trước.

Quan trọng hơn nữa là sự chuẩn bị về nhân lực. Nhân viên hồi sức cấp cứu của viện đã làm được tất cả kỹ thuật khó. Nếu lúc này mà năng lực của y bác sĩ không đủ tốt thì gay go lắm.

Phòng xét nghiệm ở đây cũng được xây dựng từ chỗ không có gì đến hiện nay, mọi năng lực về xét nghiệm đều làm được.

Sau dịch SARS năm đó, rất nhiều nơi đã trang bị máy xét nghiệm PCR để hôm nay, chỉ cần có sinh phẩm, rất nhiều nơi đã có đủ năng lực xét nghiệm chẩn đoán bệnh Covid-19. Xét nghiệm là biện pháp đi trước virus, giúp phát hiện người dương tính chưa có biểu hiện và cách ly ngay, giảm khả năng lây lan cho cộng đồng. Đây là bước tiến quan trọng có ý nghĩa rất lớn trong việc sàng lọc, cách ly để chặn dịch.

Ngoài ra, việc chuyển đổi từ lực lượng y tế dự phòng thành các Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) cũng có ý nghĩa chiến lược. Nhìn lại 17 năm qua, sau những lần đối mặt với SARS, H5N1, H1N1… chúng ta đã dày dạn kinh nghiệm hơn xưa rất nhiều.

SARS cũng như các bệnh khác, là những lần tập dượt để ngày hôm nay, chúng ta đủ vững vàng, không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi khuất phục, khi đương đầu với đại dịch gây thảm họa toàn cầu mang tên Covid-19.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

 

 

 

Theo Tri Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU