Ông Maria Corradini, Phó Giáo sư về khoa học thực phẩm cho biết: “Chúng tôi tin rằng làm sạch và khử trùng các bề mặt tiếp xúc kết hợp với việc đeo khẩu trang sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ lây truyền từ các bề mặt trong cửa hàng tạp hóa sang người”.
Những nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng loại virus này có thể tồn tại trên các bề mặt trong nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày, khiến nhiều người phải đeo găng tay khi đi mua sắm.
Đối với nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu không chỉ lấy mẫu phẩm từ tay cầm của xe đẩy và giỏ hàng tạp hóa mà còn kiểm tra các thiết bị đầu cuối thanh toán, băng chuyền ở quầy thanh toán, bề mặt xung quanh quầy bán đồ ăn nhanh cũng như tay cầm bằng nhựa và kim loại trong các khu vực thực phẩm đông lạnh. Sau đó, họ làm xét nghiệm PCR (phản ứng chuỗi polymerase) để tìm RNA của virus.
Theo Phó Giáo sư Corradini, những kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 cho thấy nếu các cửa hàng thực hiện tốt quy trình vệ sinh thường xuyên và theo dõi sức khỏe của nhân viên cửa hàng, thì nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ các bề mặt thường tiếp xúc nhiều trong cửa hàng tạp hóa là thấp.
Các tác giả nghiên cứu cũng nhận định nghiên cứu này củng cố thêm những phát hiện trước đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ. Mặc dù việc truyền COVID-19 qua các bề mặt là khả thi, nhưng điều này khó xảy ra vì virus SARS-CoV-2 thường lây lan qua các giọt bắn hoặc lây truyền qua đường không khí từ những người bị nhiễm bệnh, theo CDC.
Được biết, gần đây nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Current Research in Food Science (CRFS)./.