Những cái chết thương tâm
Nạn nhân mới nhất là ông Nguyễn Văn Th. (ở phố Bùi Xương Trạch, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) bị con chó giống Malinois, nặng 30 kg của nhà hàng xóm dắt ra ngoài nhưng không rọ mõm, cắn vào cổ, tử vong hôm 19.8.
Trước đó, ngày 14.7, xảy ra cái chết đau lòng của một em bé mới 8 tháng tuổi ở Đội Cấn (Q.Ba Đình, Hà Nội) do chó ngao Tây Tạng nặng khoảng 40 kg (gia đình nuôi) tấn công. Bé được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong ngay sau đó.
Tháng 6 vừa qua, chị Phan Thị C. (24 tuổi, ngụ Hà Nội) - là bác sĩ thú y đang làm việc tại một phòng khám tư nhân, bị chó ốm cắn vào tay trong lúc đang làm việc. Chị C. sơ cứu ngay, rửa vết thương, sát trùng nhưng không tiêm phòng dại. Sau đó chị bị đau nhức chỗ cắn và vùng vai phải, tê bì chân tay, rồi lan ra toàn thân, kèm cảm giác khó thở. Mặc dù được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu nhưng chị C. đã tử vong.
Trước đây, vào năm 2016, tại Q.Tây Hồ (Hà Nội) từng xảy ra một vụ 4 con chó tây giống Rottweiler và Dobermann hung hãn tấn công chủ khiến nạn nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng cánh tay gần như bị dập nát. Trước khi tấn công chủ nhân, 4 con chó này đã cắn người phụ nữ lớn tuổi ngất xỉu tại chỗ.
Người nuôi chó dữ phải có kiến thức
Đại úy Đào Duy Hà, Chủ nhiệm bộ môn huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, Trường 24 Biên phòng, cho biết nhiều giống chó như Pit Bull, Dobermann... là “chó chiến” (chó chuyên “thi đấu” giống như gà chọi) rất hung tợn, nhìn thấy loài khác là muốn tấn công ngay. Đối với tình huống xử trí và can thiệp khi chó cắn nhau, con người không nên hô hào, xua đuổi hay dùng gậy gộc để can thiệp, vì sẽ khiến con chó càng hung tợn hơn, quay ra tấn công con người. Theo đại úy Hà, người nuôi chó dữ phải có kiến thức, qua tập huấn về kỹ năng huấn luyện, thuần hóa chó.
Chó không rọ mõm được dắt đi dạo ở khu vực công cộng (Q.1, TP.HCM) |
Theo anh Nguyễn Hà An - chuyên kinh doanh chó ở khu vực Q.Cầu Giấy (Hà Nội), những năm gần đây, nuôi chó tây đang là trào lưu ở các TP lớn. Người nuôi chó thường mua theo sở thích, trào lưu mà không chú ý đến nguồn gốc, tập tính của chó.
“Bất kỳ loại chó nào, kể cả được nuôi từ nhỏ, cũng có thể trở nên hung dữ, nhất là các giống chó lai. Chó Tây Tạng quen sống ở xứ lạnh, khi về VN, nhất là mùa hè nóng nực, bị xích nhốt trong không gian chật hẹp dễ thay đổi tính nết, trở nên hung dữ, có thể gây nguy hiểm cho người lạ”, anh An nói.
Anh Vũ Đỗ Tuấn Kiệt, chủ trại nuôi chó Sơn Tây (Hà Nội), lưu ý thêm: “Chó bị nhốt nhiều dễ trở nên hung dữ. Người nuôi chó cần tìm hiểu về các giống chó nhập. Còn giống chó ngoại như Pit Bull, ngao Tây Tạng, Rottweiler có bản tính hung dữ, nguy hiểm hơn các loại chó thường nên cân nhắc trước khi nuôi, vì nó có thể tấn công người”.
Quy định có cũng như không!
Tháng 2.2018, UBND TP.Hà Nội ban hành kế hoạch về thực hiện chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên địa bàn TP giai đoạn 2018 -2021. Theo đó, TP yêu cầu chủ vật nuôi chó, mèo phải thực hiện đăng ký việc nuôi chó với UBND xã, phường, thị trấn; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh. Khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm hoặc xích và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường.
Ngày 15.9.2017, Nghị định 90/2017 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y sẽ có hiệu lực. Trong đó có quy định về xử lý chủ nuôi: phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng đối với hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Thả rông chó trong TP, nơi công cộng hoặc để vật nuôi gây thiệt hại cho người khác bị phạt từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng. Với những trường hợp chó dữ tấn công gây tổn hại sức khỏe, tài sản cho người khác thì chủ chó sẽ phải bồi thường.
Con chó Rottweiler khoảng 40 kg ở một hộ dân trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) |
Mặc dù đã có nhiều văn bản quy định, nhưng trên thực tế việc chó thả rông, không đeo rọ mõm đầy ở nơi công cộng. Trên đường phố Hà Nội rất dễ thấy những chú chó to lớn, không rọ mõm được chủ chở đi dạo trên xe máy hoặc chạy nghênh ngang khiến những người đi đường dạt sang một bên vì sợ hãi. Những ngày cuối tuần, tại phố đi bộ quanh Hồ Gươm hay công viên vườn hoa là nơi giao lưu quen thuộc của những người nuôi chó.
Tại TP.HCM cũng có rất nhiều người đưa chó ra nơi công cộng, hoặc chó chạy rông ngoài đường mà không rọ mõm. Chị N.T.T, một cư dân ngụ chung cư B1, đường Trường Sa (P.11, Q.Bình Thạnh), bức xúc: “Chung cư có rất nhiều người nuôi chó, đủ các loại. Cạnh nhà tôi có gia đình nuôi 2 con chó rất dữ, cứ thấy người là chúng nhào thẳng ra cửa đòi cắn. Có người bị cắn nhưng vì “tình làng nghĩa xóm” nên không yêu cầu bồi thường”, chị T. kể và nói thêm: “Có lúc, chó có người dắt nhưng không được rọ mõm, thấy người lạ thì nó sấn tới gần, khiến nhiều người rất lo bị chó tấn công, lo không biết con chó đó có được tiêm phòng hay không”.
Các con hẻm trên đường Bùi Hữu Nghĩa (P.15, Q.Bình Thạnh) có rất nhiều nhà nuôi chó. Mỗi lần có người lạ đi vào hẻm là cả đàn chó từ trong nhà chạy xổ ra ngoài, sủa inh ỏi. Có con còn phóng đuổi theo xe khách hàng chục mét. Khi chúng tôi đến một hộ ở đầu hẻm 479 Nguyễn Kiệm (P.9, Q.Phú Nhuận), thì một con chó Rottweiler nặng hơn 30 kg nhảy chồm hai chân lên cánh cửa sắt, nhe hàm răng sắc nhọn, sủa inh ỏi. Bà H., chủ nhà, trấn an: “Nó là giống Đức thuần chủng, gia đình tôi nuôi gần 3 năm. Chúng tôi thường dẫn nó ra công viên gần nhà đi dạo. Lúc nó ăn và đi dạo, đừng có chọc phá gì thì nó không cắn ai cả!”.
Theo anh Hà An: “Quy định và chế tài đã có rồi, nhưng do cả nể, và cũng không có ai bắt, ai phạt nên người thực hiện, người không. Hơn nữa, chính quyền ở Hà Nội làm chưa quyết liệt, chưa có đội bắt chó khiến quy định có cũng như không!”. Còn anh Vũ Đỗ Tuấn Kiệt cho rằng người nuôi chó phải có trách nhiệm với những người xung quanh và cộng đồng, quy định bắt buộc chó phải đeo rọ mõm khi ra đường phải được thực hiện nghiêm túc.
Mỗi năm cả nước có 500.000 người bị chó cắn Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Trưởng nhóm thư ký Chương trình khống chế và loại trừ bệnh dại trên người, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), cho biết thống kê trong 7 tháng năm 2018, cả nước có 43 người chết vì bệnh dại, đều là trường hợp bị chó cắn, mèo cào nhưng không đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh dại. Trong số người chết có một bác sĩ thú y. Cả năm 2017 ghi nhận 500.000 người trên cả nước đến tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Người dân thường chủ quan là chó nhà khỏe mạnh, không đau ốm nên khi bị cắn thường không đến tiêm vắc xin nhưng khi phát bệnh thì không thể cứu chữa. Tối 24.8, UBND Q.Thanh Xuân (Hà Nội) ra thông báo về vụ việc ông Th. bị chó cắn tử vong vào ngày 19.8 tại quận này. Theo đó, sau khi sự việc xảy ra, đoàn liên ngành của quận đã đến gia đình để xác minh và cả 2 gia đình đã xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận tiêm phòng dại của 2 con chó trên. UBND Q.Thanh Xuân cho biết đã chỉ đạo trạm thú y quản lý chặt con chó Malinois trên; chỉ đạo UBND các phường tăng cường công tác thông tin tuyên truyền tới nhân dân về việc nuôi và quản lý chó; thống kê số lượng, lập sổ theo dõi kiểm soát chặt các giống chó trên địa bàn các phường. |
Theo thanhnien.vn