Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa loãng xương cho người cao tuổi

(lamchame.vn) - Càng lớn tuổi, cơ thể càng lão hóa nhanh. Sự hoạt động kém đi của một số bộ phận khiến người cao tuổi phải đối mặt với những tình trạng bệnh lí khác nhau, trong đó có loãng xương.

Loãng xương là bệnh lí rất thường gặp ở người cao tuổi do xương đã dần bị lão hóa theo thời gian. Loãng xương ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống hàng ngày, gây ra những cơn đau làm giảm khả năng vận động của người bệnh.

Vì sao người cao tuổi thường bị loãng xương?

Loãng xương không phải là bệnh cấp tính mà diễn biến rất từ từ, cho đến khi người bệnh có những biểu hiện đau nhức xương rõ rệt thì bệnh đã chuyển qua giai đoạn biến chứng rồi.

Bệnh loãng xương thường gặp ở người cao tuổi. Nguồn: Baodinhduong.com.

Việc cơ thể không được cung cấp đầy đủ canxi chính là nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương. Cơ thể thiếu hụt canxi có thể là do chế độ ăn uống không hợp lí hoặc do cơ địa người bệnh không thể hấp thụ canxi được. Bên cạnh đó, những người thường mắc các bệnh về nội tiết, người bị bệnh thận nặng,... cũng là những đối tượng rất dễ bị loãng xương. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tiền mãn kinh và những người cao tuổi do quá trình phân hủy xương diễn ra nhanh hơn quá trình tái tạo.

Biện pháp phòng ngừa loãng xương cho người cao tuổi

Loãng xương là quá trình tất yếu diễn ra trên cơ thể, vấn đề chỉ là thời gian diễn ra sớm hay muộn. Chính vì vậy, cần có những biện pháp phòng ngừa để bệnh đến chậm hơn, giảm đau đớn cho người mắc.

Vận động nhẹ nhàng giúp người cao tuổi phòng chống được bệnh loãng xương. Nguồn: SongKhoe.vn.

Để phòng ngừa loãng xương hiệu quả nên xây dựng một chế độ ăn uống hợp lí, bổ sung nhiều canxi bằng cách sử dụng những thực phẩm như tôm, cua, ốc, thịt, trứng, sữa,...Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên ăn quá nhiều dẫn đến béo phì sẽ làm xương phải chịu sức ép lớn hơn, quá trình loãng xương sẽ diễn ra nhanh hơn.

Bên cạnh đó, luyện tập thể thao thường xuyên cũng giúp cho quá trình loãng xương diễn ra chậm hơn. Trên thực tế, những người càng luyện tập đều đặn thì nguy cơ bị liệt càng thấp, đồng nghĩa với nguy cơ mắc loãng xương cũng được giảm đi. Tuy nhiên, khi luyện tập mọi người cũng cần lưu ý thực hiện những động tác ở mức độ vừa phải, không nên vận động quá mạnh, có thể ảnh hưởng không tốt đến xương, đặc biệt là với những người cao tuổi.

Khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng đau nhức tại cột sống và các hệ thống xương khác, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Theo sohuutritue.net.vn

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU