Nhà báo Thu Hà: Từ vụ 'boom' 20 ly trà sữa, 'Đừng sợ con gặp kẻ xấu, hãy lo lắng con trở thành người xấu'

Chỉ bằng những ký tự lặng lẽ, những cái chạm nhẹ tênh của 1 ngón tay là có thể hành hạ được người khác. Và người khác, không bằng xương bằng thịt để con có thể thấu cảm, mà “người khác” chỉ là cái avatar bé xíu như đầu đũa. Thật khó nhìn thấy cảm xúc và nỗi đau khổ của họ.

Vụ boom 20 ly trà sữa của của cô gái đang rầm rộ những ngày gần đây hoá ra không thể trốn êm được như cô ấy tưởng tượng.

Gia đình nhà cô gái đã trả giá ngay lập tức. Mạng ảo, nhưng cư dân mạng thần thánh lắm. Số điện thoaị, tài khoản FB, rồi Instagram, rồi FB của mẹ, rồi FB của bạn thân, rồi cả số điện thoại của mẹ, rồi tới cả địa chỉ nhà riêng. Mẹ cô ấy đã phải trả giá rất đắt, nhận hàng ngàn cuộc gọi và tin nhắn mỗi ngày, Điện thoại sạc khoảng 10 phút là đã hết pin. Điện thoại gọi tới khủng bố liên tục. Tới mức phải nhờ công an vào cuộc.

Vụ boom 20 ly trà sữa của của cô gái đang rầm rộ những ngày gần đây.

Và cả nhà càng bị ném đá vì câu nói của mẹ cô: "có 1,2 triệu thôi mà" rồi "1,2 triệu không lớn"...

Vâng, Không lớn, nhưng nó là PHẨM GIÁ CON NGƯỜI.

Hành hạ người khác, mang nồi cơm của người lao động ra hất đổ để mua vui thì dù 100k cũng là bẩn là độc ác.

Từ "Phẩm giá" ở Việt Nam ít khi được nhắc tới. Phẩm giá là phải không làm điều xấu ngay cả khi không có ai nhìn thấy bạn.

Mẹ cô còn chống chế rằng người boom hàng là cậu con trai lớp 1 chứ ko phải là cô chị. Không biết cậu em trai có phải là một kiểu "nhân viên đánh máy" của gia đình, làm Lê Lai cứu chúa không, nhưng mẹ phải phân biệt được đâu là tử tế, đâu là không tử tế chứ. Thà cả nhà lên xin lỗi và đền tiền cho Grab đi, còn hơn cứ đi loay hoay chứng minh loanh quanh.

Mạng internet làm chúng ta có cảm giác ảo, vô hình. Khả năng vô hình, núp sau những nick, làm các netizen dễ ác, ác mà không cảm thấy ghê tay, bằng ngoài đời thật.

Bạn có thể click để oder 20 ly trả sữa rồi nói là "boom nha", dễ dàng hơn bạn giật 1,2 triệu trên tay một bác tài xế.

Theo truyền thuyết trong Kinh Thánh, thiên thần Lucifer có nghĩa là ánh sáng, rất được yêu mến, có quyền năng tối thượng, nhưng chính vì có quyền năng, nên đã trở thành quỷ sa tăng.

Năm 1971, một thí nghiệm về hiệu ứng Lucifer đã được thực hiện tại 1 nhà tù giả ở Standford. 28 nam sinh viên được giả làm 2 nhóm cai ngục và tù nhân. Nhóm cai ngục được trang bị dùi cui bằng gỗ, đồng phục và kính râm phản quang. Nhóm tù nhân bị lột trần truồng, diệt chấy rận và gán cho các con số thay vì tên thật.

Chỉ trong 6 ngày, thí nghiệm đã vượt tầm kiểm soát khi các "cai ngục" đã trở nên bạo lực và độc ác hơn dự kiến, trừng phạt, đánh đập tù nhân, bắt đi tiểu tại chỗ. Tác giả nghiên cứu buộc phải hủy bỏ thí nghiệm. Vậy đó, Hiệu ứng Lucifer = Hoàn cảnh + Quyền lực + Hệ thống.

"Chúng ta đang ở trong thời đại mà việc dạy con khó hơn thời xưa ba mẹ dạy chúng ta rất nhiều".

                                                                                                                                 Nhà báo Thu Hà

Ngày xưa, nỗi vất vả của ba mẹ rất trực quan, bằng những giọt mồ hôi, bằng chân lấm tay bùn, bằng vai áo bạc... Nhưng ngày nay, các ba mẹ mình làm công sở, đi xe hơi, son phấn áo quần tinh tươm thơm tho, rất khó để cho con hiểu được những lao động cực nhọc đang diễn ra trong đầu mình, ngay dưới lớp gel vuốt tóc láng o hoặc màu son tươi thắm.

Ngày xưa nếu con đánh người, con sẽ nhìn thấy người ta đau, thấy nước mắt, thấy xước da, thấy máu chảy. Ngày nay chỉ những ký tự lặng lẽ, chỉ là những cái chạm nhẹ tênh của 1 ngón tay cái là có thể hành hạ được người khác. Và người khác, không bằng xương bằng thịt để con có thể thấu cảm, mà "người khác" chỉ là cái avatar bé xíu như đầu đũa. Thật khó nhìn thấy cảm xúc và nỗi đau khổ của họ.

Ta phải dạy con sao đây? Phải dạy: Mạng dù ảo, con cũng không hoàn tòan vô hình. Phẩm giá của con là không hại người khác, dù hoàn cảnh có thuận lợi cho việc đó tới thế nào, dù lúc đó chỉ có 1 mình con, dù con có cảm thấy rằng việc này sẽ ko ai biết đâu! Lưới trời lồng lộng thưa mà khó lọt, con à!

Nhiều ba mẹ không dám buông tay để con tự lập, vì lo sợ con gặp phải người xấu. Đừng, hãy lo lắng con trở thành người xấu!

Vài nét về tác giả:

Chị Thu Hà là một nhà báo hiện đang sống và làm việc ở TP HCM, đồng thời là tác giả cuốn sách: "Con nghĩ đi, mẹ không biết". Chị là mẹ của hai cô con gái vô cùng đáng yêu, cá tính là Xu và Sim. Tự nhận mình là một người mẹ không hoàn hảo và mắc nhiều sai lầm khi nuôi dạy con, nhưng chị coi đó là những bài học lớn của mình để thay đổi và trở thành một người bạn đồng hành thực sự cùng con lớn lên.

Theo Trí thức trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU