Một trung tâm tiêm chủng tại Malaysia. Ảnh: EPA-EFE
Trước đó hôm 19/7, Lực lượng chuyên trách tiêm chủng Covid-19 Malaysia (CITF) cho biết họ đang xem xét nghiêm túc các báo cáo và sẽ tiến hành điều tra. “Nếu phát hiện ra hành vi vi phạm như vậy, lực lượng đặc nhiệm sẽ không ngần ngại chấm dứt công việc của những người có liên quan và thực thi các bước tiếp theo quy định của pháp luật”, CITF tuyên bố.
Ông Lim Chee Han – nhà nghiên cứu chính sách của nhóm Mạng lưới thế giới thứ 3 có trụ sở tại Malaysia cho biết, vụ việc này đặc biệt đáng lưu tâm khi có thông tin cho rằng, một số người được giao nhiệm vụ quản lý vaccine ngừa Covid-19 lại đang bán vaccine trên thị trường chợ đen.
“Có ba vụ việc đã được báo cáo và một vụ thậm chí còn cung cấp bằng chứng, video, điều này có thể dẫn đến sự suy giảm niềm tin của công chúng và gián tiếp làm tăng sự nghi ngờ của người dân đối với việc tiêm chủng”, ông Lim nói.
Các chuyên gia y tế đã kêu gọi chính phủ Malaysia nhắc nhở các nhân viên tại các trung tâm tiêm chủng rằng, những vụ việc như vậy sẽ làm tổn hại niềm tin của người dân đối với vaccine ngừa Covid-19.
“Tôi cho rằng, các nhân viên làm nhiệm vụ tiêm chủng có thể mắc sai lầm vì họ phải xử lý quá nhiều công việc trong một khoảng thời gian nhất định vào giai đoạn cao trào của chiến dịch triển khai tiêm vaccine. Nhưng cả người tiêm lẫn người được tiêm cần phải đảm bảo tuân theo quy trình tiêu chuẩn, bao gồm việc quan sát ống vaccine trước và sau khi tiêm”, ông Lim nhấn mạnh.
Những thông tin về việc người dân được tiêm không đủ liều lượng hay tiêm bằng ống vaccine rỗng đã lan truyền kể từ khi Malaysia bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng trên toàn quốc vào ngày 24/2. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này đã sử dụng hơn 14 triệu liều vaccine. Khoảng 4,5 triệu người, tương đương 14% dân số đã được tiêm phòng đầy đủ./.