Nhật ký qua ảnh đầy xúc cảm của nữ y tá bị cưỡng hiếp và phải tự mình tìm lấy ánh sáng giữa hố sâu tăm tối

Khi hoàn thành dự án này, tôi học được rằng cưỡng bức không chỉ là hành động tấn công vào tâm hồn, vào cơ thể mà nó còn bóp nghẹt tiếng nói của nạn nhân. Vậy nên tôi càng phải lên tiếng và chia sẻ câu chuyện của mình đến những ai đang cần nó".

Theo một số liệu đáng chú ý, cứ 92 giây trôi qua thì có 1 người Mỹ bị tấn công tình dục, nhưng không nhiều người chọn cách kể lại câu chuyện của mình mà chấp nhận ôm lấy mọi nỗi đau. Đã từng trải qua điều tồi tệ ấy, Rosem Morton - một y tá kiêm nhiếp ảnh gia ở thành phố Baltimore, bang Maryland (Mỹ) thấu hiểu tất cả, và cô quyết định ghi lại chuỗi ngày tự vươn lên của bản thân, nhằm truyền đi thông điệp ý nghĩa đến với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Dưới đây là những bức hình đầy xúc cảm mà Rosem tự ghi lại suốt nhiều tháng, vừa được chia sẻ trên CNN. Song song với chuỗi ảnh là những suy nghĩ rối bời của người phụ nữ vốn có đời sống nội tâm phức tạp: khi đau khổ dằn vặt, lúc tưởng đã vượt qua mọi trở ngại thì một biến cố mới xuất hiện nhưng cuối cùng nhờ ý chí quyết không bỏ cuộc, Rosem đã dần tìm lại được bình yên sau giông bão.

Sau khi tôi bị cưỡng hiếp, những ngày tiếp theo dường như chẳng bao giờ kết thúc. Cảm giác như tôi đang bò ra khỏi một cái hố rất sâu - để ho khan, đói khát và chết. Tôi không thể ngủ được. Tôi không thể ăn. Tôi không thể làm việc. Tôi chỉ tồn tại trong một không gian mà nỗi sợ hãi ập đến quá thường xuyên không thể nào đoán trước. Sự an toàn ở đâu? Sự an toàn là gì? Tôi không biết vì nỗi khiếp sợ đã che lấp hết. Cảm giác ấy quá nặng nề, tôi phải tìm cách trút đi... Và trong nỗ lực ấy, tôi đã quyết định cầm camera lên chụp ảnh.

Tôi chụp tất cả mọi thứ. Nhờ quan sát các sự vật qua ống kính và những tấm hình, tôi cũng dần dần nhìn thấy được cảm xúc của mình. Bạn biết không, tất cả những kẻ sống sót luôn hiện hữu xung quanh ta. Vì nếu không như vậy, chúng đã chẳng thể nào tồn tại. Và tôi chụp lấy những bằng chứng của sự sống ấy. Thêm nữa, còn có bằng chứng về sự đấu tranh để tồn tại của tôi. Tôi bắt đầu lấy lại được kĩ năng sinh tồn thông qua ống kính. Việc chụp ảnh tự bản thân nó đã trở thành cách tôi thể hiện nỗi buồn và sự đau khổ của mình một cách thầm lặng.

Tôi dành nhiều thời gian sau những cánh cửa đóng chặt, bắt đầu chú ý ánh sáng - đến rồi đi. Tôi đưa tay ra chạm vào ánh nắng, để nhắc rằng mình vẫn đang cố gắng vượt qua mọi thứ.

Khi kể với chồng chuyện mình bị cưỡng hiếp, tôi đã nói: "Em sẽ tiếp tục đi điều trị tâm lí trong vài tháng và để lại mọi thứ phía sau". Tôi đã gặp bác sĩ tâm lí mỗi tuần trong vòng 4 tháng. Kết thúc đợt điều trị, tôi gục ngã trên vô lăng ô tô và nhận ra, cuộc đấu tranh chỉ vừa mới bắt đầu.

"Mình an toàn. Mình an toàn. Mình an toàn rồi" - đây là câu thần chú giúp tôi tự trấn an mình.

Theo Mạng lưới quốc gia Mỹ về Cưỡng hiếp, Lạm dụng và Loạn luân (RAINN), cứ 92 giây trôi qua thì có 1 người Mỹ bị tấn công tình dục. 1 trong 6 phụ nữ Mỹ từng là nạn nhân của âm mưu tấn công tình dục, thậm chí bị cưỡng hiếp. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cho rằng ảnh hưởng của bạo lực tình dục có liên quan tới một ma trận các hệ quả ngắn hạn và dài hạn - bao gồm những vấn đề sức khỏe mãn tính, giảm sút về khả năng làm việc và có lẽ tệ nhất là làm tăng nguy cơ bạo lực tình dục với bạn tình.

Những thống kê này rất đáng báo động, nhưng một năm trước tôi đã không suy nghĩ nhiều. Tôi ngây thơ tin rằng nếu mình làm theo những gì được dạy - tránh con hẻm tối tăm, tránh ăn mặc quá khiêu khích và luôn cảnh giác với người lạ - tôi sẽ không gặp bất cứ điều bất trắc nào. Thế nhưng vụ cưỡng bức vẫn diễn ra, không chỉ xé nát những suy nghĩ ngây thơ của tôi mà còn phá tan con người tôi thành ngàn mảnh vỡ.

Tháng 10, tôi nhận được cuộc gọi từ kẻ đã hãm hiếp mình. Nó không phải là lời thú nhận hay xin lỗi. Nó chỉ là cú điện thoại để gã đàn ông kể về cảm xúc sau khi mọi chuyện bị vạch trần. Thật sự điều đó quá tồi tệ, khiến tôi vô tình lái ô tô đâm mạnh vào gara và làm vỡ kính xe... Đây là bức ảnh chụp vài ngày sau, khi tôi soi mình trong những mảnh vỡ.

Đây là mảnh giấy tôi kể chi tiết về việc mình bị lạm dụng, gửi cho chồng kèm lời nhắn "when you are ready" - Hãy đọc khi anh đã sẵn sàng!

Bức ảnh này chụp vào tháng 2, lần đầu tiên sau vụ cưỡng bức, tôi đã một mình tìm đến nơi xa lạ, chẳng còn quen biết ai.

Tôi cố gắng trốn chạy và nói rằng "không, không, không". Nhưng hắn ta không dừng lại. Tôi nhớ mình run lên không kiểm soát được vào ngày hè nóng bức ấy. Cảm giác như một khoảng trống bất tận đang ăn mòn tôi từ bên trong. Tôi bị bỏ mặc không còn thứ gì... Nhưng tôi không muốn tập trung về những chi tiết của vụ cưỡng bức. Với tôi, điều cần chú ý hơn là hậu họa của nó.

Tôi bàng hoàng nhìn kẻ tấn công mình và đi bộ 1 tiếng đồng hồ về nhà. Tôi kể với bạn thân về chuyện vừa xảy ra nhưng không được tin tưởng: "Lẽ nào điều ấy lại xảy ra?". Chúng tôi đã làm theo mọi thứ mình được dạy. Tại sao vẫn cứ diễn ra? Tôi gọi cho chồng mình, và anh ấy hỏi đã báo cảnh sát chưa. Chưa hề! Tôi bị đóng băng lại. Thật buồn cười cho cái cách mà cơ thể chúng ta tự lừa dối mọi suy nghĩ để bảo vệ chính chúng ta. Tại thời điểm đó, tôi cảm thấy như 1 ngày đã trôi qua trong khi chỉ có vài tiếng đồng hồ...

Lá thư của chồng tôi - Ian - viết rằng: "Anh biết rằng em mạnh mẽ, nhưng giờ đây anh mới hiểu em mạnh mẽ đến nhường nào. Em đã gặp thử thách lớn hơn rất nhiều người khác - một thử thách mà không ai đáng phải trải qua trong đời, nhưng anh có thể nhìn thấy quyết tâm và sự mạnh mẽ của em để vượt lên... Xin hãy biết là anh yêu em vì tất cả mọi thứ".

Những chú chó của tôi - Maia và Akira - có thể cảm nhận được sự thay đổi. Chúng chậm rãi lại gần, chạm vào và khích lệ tôi bước tiếp.

"Cảm ơn anh vì đã giúp em bình tĩnh hơn" - cuối cùng tôi và chồng mình cũng dần gần gũi nhau kể từ sau sự kiện kinh khủng ấy.

Những bức ảnh "trích đoạn" cuộc đời tôi - đã bị xé nát nhưng cũng chờ đợi khởi đầu mới.

Nhưng nỗi sợ từ sâu trong tâm hồn luôn tìm cách tuôn tràn ra ngoài...

Sau đó, tôi tìm được bác sĩ trị liệu phù hợp - người góp phần giúp tôi bước ra khủng hoảng tâm lí. Tôi cũng kể với nhiều bạn bè của mình về vụ cưỡng bức. Dù vậy, khi vết thương còn chưa lành đã đem chuyện đi kể, tôi nhận về không ít chỉ trích. Một số người chỉ hỏi tôi đang làm thế nào để vượt qua, nhưng họ không quan tâm lắm đến câu trả lời thành khẩn đến khổ sở của tôi. Sự thật là không ai chuẩn bị trước cho những dư chấn tâm lí, bởi vì bạn đã chẳng bao giờ nghĩ hay nói về chuyện đó.

Tôi quyết định báo cảnh sát. Nhưng khi tôi nói với một nữ cảnh sát, cô ấy dẫn tôi ra khỏi tòa nhà, liên tục ngắt lời tôi và nói không thể nhận vụ này. Thật đau lòng khi phải đề nghị một nhân viên pháp luật hãy thực hiện sứ mệnh phục vụ và bảo vệ của họ, nhưng còn tan nát hơn nữa khi cầu xin một phụ nữ hãy tin lấy tôi - một người phụ nữ khác. 

Kế đó, tôi báo với nhiều cảnh sát khác nhưng họ đều cho rằng trường hợp của tôi không đáng xử lý. Lúc đó, tôi mới chợt nhận ra vì sao gần 80% nạn nhân bị cưỡng bức và tấn công tình dục không tố giác thủ phạm (theo số liệu năm 2016 của Bộ Tư pháp Mỹ). Và mạng lưới RAINN cũng thống kê rằng cứ 1.000 thủ phạm thì có đến 995 tên không bị buộc tội. Có lẽ, nhiều lúc người ta đã chọn làm một điều dễ dàng thay vì điều đúng đắn!

Tôi luôn yêu những bông hoa dại, ngưỡng mộ chúng vì khả năng sinh tồn, vươn lên nở hoa từ vùng đất khô cằn.

Là một y tá với công việc cường độ cao, lại thêm chuyện cá nhân, tôi cảm thấy như stress và nỗi ám ảnh tâm lí đang va chạm với nhau. Làm sao tôi có thể lo cho các bệnh nhân khi không thể tự lo cho mình?

Tôi bắt đầu ăn cháo yến mạch vào mỗi sáng, nó giúp tôi cảm thấy bên trong mình bớt lạnh lẽo hơn.

Tháng 3, tôi đón sinh nhật trong những cơn mưa trút xuống Baltimore.

Sau cùng, tôi đã tìm được 1 cảnh sát chấp nhận thụ lý hồ sơ của mình. Tôi kể hết câu chuyện nhưng không bao giờ được nghe phản hồi về việc điều tra. Không sao cả. Dù đau đớn, tôi đã tự đứng dậy vì chính bản thân mình! Đôi khi, điều đó có tác động lớn. Suốt cuộc hành trình vừa qua, việc chụp ảnh đã giúp tôi gượng dậy rất nhiều, tôi dần lấy lại khao khát sống, khao khát tìm về với con người trước đây của mình.

Khoảnh khắc này, tôi nhìn thấy bác sĩ trị liệu đang bước vào. Anh hỏi tôi cảm thấy như thế nào. Tôi cảm thấy thật mừng vì mọi người đã không ngừng giúp đỡ mình.

Khi sắp hoàn thành dự án ảnh này, tôi học được rằng cưỡng bức không chỉ là hành động tấn công vào tâm hồn, vào cơ thể của nạn nhân mà có bóp nghẹt tiếng nói nữa. Chồng tôi vẫn hỏi: "Tại sao em lại chia sẻ dự án ảnh vào lúc này, mọi chuyện chỉ vừa mới đây thôi mà? Sao không chờ thêm ít lâu nữa?". Tôi luôn có câu trả lời: "Bởi vì nó rất quan trọng". Tôi nhìn thấy sự cần thiết của việc này.

Mặc dù hành trình của tôi đầy ngổn ngang và còn lâu mới chạm đến vạch đích bình yên, nhưng tôi đã thành công trong việc chia sẻ câu chuyện của mình. Cả thế giới có thể bắt ta phải im lặng, nhưng tôi đã quyết tâm nói lên điều mình đau đớn trải qua. Dự án ảnh của tôi là dành cho các cô gái trẻ ngây thơ - giống như tôi ngày xưa, và cho tất cả những ai nghĩ rằng bạn đang chống chọi mọi thứ một mình. Nhưng không, bạn sẽ không phải đơn độc trong cuộc hành trình này!

Một ngày nào đó, tôi sẽ xăm lên mình bông hoa dại - bằng chứng và cũng là dấu mốc kết thúc cho những điều tồi tệ đã qua.

(Theo Rosem Morton, CNN)

 

Theo Trí Thức Trẻ

MỚI NHẤT

ĐỌC NHIỀU